Coi dân là người thân sẽ ứng xử đúng mực

“Lực lượng công an làm nhiệm vụ là những người thay mặt nhà nước thực thi pháp luật, bảo vệ trật tự an toàn xã hội. Người dân thông qua hình ảnh người công an khi làm nhiệm vụ để đánh giá chính quyền. Để người dân đánh giá tốt về chính quyền thì người công an phải có hình ảnh tốt đẹp trong mắt người dân. Cái tốt đẹp đó không chỉ đến từ những điều lớn lao mà bắt đầu từ những điều nhỏ nhất là ánh mắt, nụ cười, thái độ khi làm nhiệm vụ…”. Thiếu tướng Nguyễn Văn Khánh (ảnh), Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai, phát biểu mở đầu cuộc trao đổi với Pháp Luật TP.HCM.

Bắt đầu từ ánh mắt, nụ cười

.Phóng viên:Cơ sở nào để ông nói rằng muốn tạo được hình ảnh đẹp trong mắt người dân thì chiến sĩ công an phải bắt đầu từ những điều nhỏ nhất?

Coi dân là người thân sẽ ứng xử đúng mực ảnh 1
+ Thiếu tướng Nguyễn Văn Khánh: Đó không phải là điều tôi nghĩ ra mà xuất phát từ thực tế, từ những phản ánh, kiến nghị của người dân về những vụ việc cụ thể. Có rất nhiều trường hợp người dân chỉ khiếu nại về thái độ, cách hành xử của công an khi làm nhiệm vụ.

Chẳng hạn, người dân bị mất trộm đến trình báo chính quyền, lúc ấy họ chưa biết năng lực, trình độ nghiệp vụ của cán bộ công an tiếp nhận vụ việc như thế nào mà họ quan tâm đến thái độ, tác phong của người tiếp nhận thông tin đó. Tương tự, khi CSGT tuýt còi một người đang lưu thông trên đường, câu nói đầu tiên của họ với CSGT thường là “tôi bị lỗi gì?”. Khi nghe người vi phạm nói như vậy thì thái độ của CSGT rất quan trọng...

. Những điều nhỏ đó nói thì dễ nhưng làm không dễ chút nào, nhất là đối với CSGT, thưa ông?

+ Tôi thường nói với anh em CSGT là tôi biết khi thực hiện nhiệm vụ phải đứng ngoài đường bụi bặm, mưa gió, nóng nực, lương bổng vẫn chưa đáp ứng được… nhưng anh em phải vượt qua khó khăn. Bởi vì mình là công an nhân dân, con em của nhân dân. Khi anh em tuýt còi mà người vi phạm là người thân, bố mẹ, người yêu thì thái độ thế nào? Có nói lớn tiếng, cộc cằn hoặc quát tháo như với những người vi phạm khác hay không? CSGT khi làm nhiệm vụ phải coi người vi phạm là người thân của mình thì thái độ ứng xử sẽ đúng mực.

Cho nên phải xây dựng cái nhỏ nhất từ ánh mắt, lời nói khi tiếp nhận vi phạm của người dân. Tôi đã thấy một lãnh đạo đứng trên bục nói về văn minh, lịch sự, văn hóa, ứng xử nhưng vừa bước xuống bục là hỉ toẹt nước mũi trước mặt mọi người! Rõ ràng nói thì dễ nhưng làm không phải dễ mà quá trình rèn luyện như luyện tập công phu. Muốn thiền, muốn tập võ công thì phải kiên trì và có thời gian khổ luyện chứ không phải ngày một ngày hai được.

Coi dân là người thân sẽ ứng xử đúng mực ảnh 2

Lực lượng CSGT tỉnh Đồng Nai thực hiện nhiệm vụ. Ảnh: TD

Không còn là chuyện lạ

. Cách đây vài năm có chuyện khi CSGT đứng trên bục tuyên dương không nhận hối lộ thì dưới hội trường xầm xì và cho là “chuyện thật nhưng quá lạ”. Vì sao như vậy, thưa thiếu tướng?

+ Đúng là cách đây ba năm, có một CSGT được tuyên dương thì ở phía dưới không ít người che miệng cười. Có người còn bình luận: “Thằng này không nhận hối lộ vì… chê tiền hối lộ ít quá…”. Có thời gian khi nghĩ đến CSGT tỉnh Đồng Nai là người ta liên tưởng đến tiêu cực, mãi lộ. Chúng tôi tuyên dương một CSGT tốt thật nhưng người ta lại đánh đồng với cái xấu. Những suy nghĩ này không chỉ ở người dân mà cán bộ trong ngành công an cũng nghĩ vậy và thực tế cũng có như thế.

Thế nhưng càng ngày số lượng CSGT được tuyên dương càng nhiều hơn, tiếng xì xầm không còn nữa. CSGT không nhận hối lộ không còn là chuyện lạ mà trở thành chuyện bình thường.

. Nhưng thực lòng ông đã yên tâm về lực lượng CSGT chưa?

+ Chưa! Chuyển biến tích cực là điều ai cũng nhận thấy rõ nhưng để bền vững cần phải có quá trình rèn luyện và phải đồng bộ. Đồng bộ ở đây là không chỉ ban giám đốc, lãnh đạo phòng và lực lượng CSGT mà là hệ thống chính trị, các đoàn thể và nhất là người dân. Người dân hiểu, ủng hộ và giúp đỡ thì mới giải quyết tận gốc vấn đề tiêu cực, sách nhiễu trong lực lượng CSGT.

Trước đây, cánh tài xế đi qua địa phận Tiền Giang rất sợ nhưng bây giờ qua Đồng Nai sợ hơn. Sợ cái gì? Đó là sợ chạy ẩu là bị phạt mà phạt rất nghiêm. Tất nhiên, trong những trường hợp vì lý do khách quan mà vi phạm như đưa người nhà đi cấp cứu, xe xuống dốc… CSGT cũng sẽ cân nhắc, xem xét để xử lý.

. Cách đây hai năm, khi chúng tôi hỏi thì ông chấm CSGT điểm 7/10. Theo ông, bây giờ điểm của lực lượng CSGT trên hay dưới điểm 7?

+ Ngày trước, khi chúng tôi mới chấn chỉnh thì chuyển biến rất rõ nét nhưng đó là hình thức bên ngoài nhưng bây giờ chuyển biến từ nhận thức đó mới là quan trọng nên tôi không cho điểm cụ thể được. Nhưng tôi chắc chắn là phải hơn trước, tức là phải trên điểm 7.

. Xin cảm ơn ông.

Gương liêm khiết ngày càng nhiều

Sáu tháng đầu năm 2010 đã có 14 tập thể, 676 lượt cán bộ, chiến sĩ tiêu biểu, xuất sắc trên các lĩnh vực nêu gương liêm khiết, không nhận hối lộ với tổng số tiền trên 61 triệu đồng. Tiêu biểu là Trung tá Trần Văn Trường, Đội phó Đội cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ Công an huyện Định Quán không nhận hối lộ hai lần với số tiền 7 triệu đồng, được UBND tỉnh tặng bằng khen. Trong 585 lượt cán bộ, chiến sĩ Phòng CSGT không nhận hối lộ có năm người không nhận hối lộ từ 19 lần trở lên được ban giám đốc công an tỉnh tặng giấy khen.

TRUNG DUNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm