Công bố 13 luật, 2 nghị quyết QH mới thông qua

Ngày 16-7, Văn phòng Chủ tịch nước họp báo công bố các lệnh của Chủ tịch nước về công bố 13 luật, hai nghị quyết mà QH vừa thông qua tại kỳ họp vừa qua gồm: Luật Giá, Luật Giám định tư pháp, Luật Phổ biến giáo dục pháp luật, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Quảng cáo, Luật Biển Việt Nam (VN), Luật Tài nguyên nước, Luật Bảo hiểm tiền gửi, Luật Phòng, chống rửa tiền, Luật Giáo dục đại học, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn, nghị quyết về thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính, nghị quyết về ban hành một số chính sách thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho tổ chức, cá nhân.

Tính toán có lợi cho lao động nữ. Với Bộ luật Lao động sửa đổi, Thứ tưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân giải thích thêm quy định mới về thời gian nghỉ tết Âm lịch. Theo đó, luật mới kéo dài thời gian nghỉ lên năm ngày (hiện nay là bốn ngày). Nếu những ngày nghỉ đó trùng vào thứ Bảy, Chủ nhật thì người lao động sẽ được nghỉ bù thêm hai ngày. Tuy nhiên, vì luật mới có hiệu lực từ 1-5-2013 nên phải cuối năm sau quy định này mới được áp dụng.

Luật cũng tăng thời gian nghỉ thai sản của lao động nữ lên sáu tháng nhưng để mở quyền cho lao động nữ trở lại làm việc khi đã nghỉ ít nhất được bốn tháng. Đáng lưu ý, vào thời điểm luật có hiệu lực 1-5-2013, các lao động nữ đang trong thời gian nghỉ thai sản từ trước vẫn được nghỉ sáu tháng theo quy định mới.

Công bố 13 luật, 2 nghị quyết QH mới thông qua ảnh 1

Nội dung của Luật Biển VN sẽ được công khai, phổ biến, tuyên truyền rộng rãi. Ảnh: HTD

Giảm nhẹ thì áp dụng ngay. Về Luật Xử lý vi phạm hành chính (có hiệu lực từ 1-7-2013), Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phạm Quý Tỵ cho biết luật mới được nâng lên từ pháp lệnh, có nhiều quy định mới mang tính nhân đạo, chẳng hạn không áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, buộc đưa vào cơ sở chữa bệnh với người bán dâm, không áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, đưa vào trường giáo dưỡng với người 12-16 tuổi trong những trường hợp cụ thể...

Vì có những quy định giảm nhẹ trách nhiệm hành chính so với quy định hiện hành nên Nghị quyết của QH hướng dẫn kể từ thời điểm công bố luật, các quy định có lợi nêu trên sẽ được áp dụng ngay với người vi phạm. Theo đó, với những trường hợp đã bị xử phạt mà chưa thi hành hoặc hoãn thi hành thì không phải thi hành; đang thi hành hoặc được tạm đình chỉ thì không phải thi hành nữa. Những trường hợp được miễn chấp hành thì giờ coi như là chưa bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính.

Việc xác định đường cơ sở sẽ thực hiện từng bước. Về Luật Biển VN (có hiệu lực từ 1-1-2013), Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết sau khi luật được công bố, toàn bộ nội dung của Luật Biển VN sẽ được công khai, phổ biến, tuyên truyền rộng rãi. Bộ Ngoại giao sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng để giới thiệu, hướng dẫn người dân và các bên có liên quan tuân thủ luật này.

Theo ông Sơn, việc thông qua Luật Biển VN có ý nghĩa quan trọng. Đây là văn bản có giá trị pháp lý cao nhất từ trước đến nay quy định khá toàn diện chế độ pháp lý về các vấn đề đường cơ sở, nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, các đảo, quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và các quần đảo khác thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của VN. Văn bản cũng tạo khuôn khổ pháp lý vững chắc, có hiệu lực cao về các hoạt động trong vùng biển VN, phát triển kinh tế biển, quản lý và bảo vệ biển, đảo.

“Trước đây, các vấn đề biển, đảo chúng ta đã quy định trong một số văn bản pháp luật nhưng chủ yếu là Tuyên bố năm 1977 của Chính phủ về các vùng biển, sau đó là Công ước Luật Biển 1982 mà QH đã phê chuẩn năm 1994... Nay ta luật hóa, quy định rõ hơn về các chế độ pháp lý cho từng vùng biển, phù hợp với pháp luật quốc tế” - ông Sơn giải thích.

Trả lời câu hỏi về việc xác định đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải VN đến nay đã được tiến hành thế nào, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết Chính phủ đã tuyên bố, xác định và vẽ đường cơ sở từ khu vực đảo Cồn Cỏ (ngoài khơi tỉnh Quảng Trị) đến đảo Thổ Chu (Kiên Giang). Còn đường cơ sở ở các khu vực khác như vịnh Bắc Bộ, hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa... thì đến nay chưa có. Theo quy định của Luật Biển VN, Chính phủ sẽ xác định và công bố đường cơ sở ở những khu vực này sau khi được Ủy ban Thường vụ QH phê chuẩn. Từng khu vực sẽ được tiến hành khi điều kiện cho phép.

Ông Sơn cũng nhấn mạnh bằng việc ban hành Luật Biển, VN chuyển tải tới cộng đồng quốc tế thông điệp quan trọng: VN là thành viên có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế, VN luôn tôn trọng, tuân thủ luật pháp quốc tế, các công ước quốc tế mà VN là thành viên, trong đó có Công ước Luật Biển 1982 của Liên Hiệp Quốc.

NGHĨA NHÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm