Công chức thường cũng phải kê khai tài sản

Thủ tướng vừa ký Quyết định 85 ban hành danh mục những vị trí công tác phải kê khai tài sản. Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Trần Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Công chức, viên chức - Bộ Nội vụ, cho biết: Ngoài những người có chức vụ bắt buộc phải kê khai tài sản, những người “có quyền hạn” trực tiếp quản lý ngân sách, tài sản công, người trực tiếp giải quyết công việc của tổ chức, cá nhân cũng phải kê khai.

Kế toán, thủ quỹ... phải kê khai

. Thưa ông, “có quyền hạn” trong lĩnh vực nào thì phải kê khai tài sản?

Công chức thường cũng phải kê khai tài sản ảnh 1+ Các lĩnh vực quản lý nhà nước như tổ chức cán bộ, tài chính-ngân hàng, công thương, xây dựng, giao thông, tài nguyên -môi trường, đầu tư-ngoại giao, nông nghiệp... chúng tôi chia làm hai nhóm. Một là những người trực tiếp quản lý ngân sách, tài sản như kế toán, thủ quỹ, thủ kho, mua sắm, cấp phát tài sản. Hai là người làm các công việc liên quan tới cấp phép, thẩm định hồ sơ, giám sát, kiểm tra, những việc trực tiếp liên quan tới tổ chức, công dân. Cán bộ cấp phép ra một tờ báo hay cấp phép cho bãi gửi xe hoạt động, nhân viên thu thuế, quyết toán thuế... đều phải kê khai tài sản.

. Công chức thường chỉ là người thừa hành, tham mưu, còn quyết định vẫn phải là cấp trên của họ - người có chức vụ. Vậy tại sao lại buộc họ phải kê khai tài sản?

+ Thực tế thì công chức vẫn có thể gây nhũng nhiễu, khó khăn cho dân. Chẳng hạn trong lĩnh vực tổ chức có những hoạt động có nguy cơ tham nhũng như tuyển dụng, tiếp nhận, phân công, bổ nhiệm cán bộ. Trong lĩnh vực hải quan thì anh cán bộ kiểm hóa thường cũng có thể “linh hoạt” áp mã thuế khác nhau cho doanh nghiệp để hưởng lợi. Trong quản lý xây dựng, anh cán bộ phòng cấp phép chỉ cần trả đi trả lại hồ sơ đôi ba lần thì dân đã tự biết phải “cách nào đấy” để đẩy nhanh công việc của mình...

Kê khai ngay từ giữa tháng 7

. Như vậy, cả nước sẽ có bao nhiêu người “có quyền hạn” thuộc diện bắt buộc kê khai tài sản?

+ Chúng tôi có đề nghị các bộ, ngành đưa ra danh sách cụ thể nhưng họ không báo cáo được. Bởi vì tổ chức, bộ máy ở mỗi đơn vị, mỗi địa phương, từng cấp rất khác nhau. Cũng là cấp phép hoạt động karaoke nhưng có huyện heo hút vài ba năm mới có một hồ sơ đăng ký. Do đó, nhiều nơi phải bố trí cán bộ kiêm nhiệm công việc khác nhau.

. Không thống kê được cụ thể thì làm sao quản lý, đôn đốc được kê khai, minh bạch tài sản, thưa ông?

+ Thủ tướng đã yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, HĐND, UBND các tỉnh dựa trên bản danh mục mô tả công việc này để lập danh sách những người phải kê khai tài sản. Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước, hệ thống VKS, TAND và các cơ quan trung ương của Đảng cũng dựa vào đây để triển khai.

. Người có chức vụ đã phải kê khai tài sản từ 31-12-2007. Vậy số người có quyền hạn phát sinh theo danh mục này sẽ phải kê khai tài sản từ thời điểm nào?

+ Với những người có quyền hạn theo danh mục này thì mốc kê khai là từ ngày quyết định của Thủ tướng có hiệu lực, tức khoảng giữa cuối tháng Bảy này.

. Xin cảm ơn ông.

Nhiều nơi vẫn “án binh bất động”

Báo cáo Chính phủ trong phiên họp đầu tháng 7, Thanh tra Chính phủ cho biết cho tới cuối tháng 6 vẫn còn một bộ, sáu cơ quan thuộc Chính phủ, 14 địa phương chưa báo cáo kết quả kê khai tài sản. Bộ Công an đến nay vẫn chưa tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ kê khai và dự kiến phải tháng 7 này mới khởi động. Hải Phòng, Lào Cai, Lâm Đồng, Thanh Hóa, Trà Vinh... không lên danh sách được bao nhiêu cán bộ thuộc diện phải kê khai tài sản.

Hầu hết các báo cáo đều cho biết không phát sinh các trường hợp phải xác minh tính trung thực của kê khai tài sản. Riêng Đồng Nai có tới 411 trường hợp phải xác minh nhưng không phát hiện vi phạm. Tại Cà Mau, viện trưởng VKSND tỉnh bị phát hiện không kê khai bốn căn nhà và năm lô đất ở.

NGHĨA NHÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm