GÓP Ý LUẬT PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG SỬA ĐỔI

Công khai tài sản: Không nên xem là việc nội bộ

Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) sửa đổi đã luật hóa quy định về công khai bản kê khai tài sản. Theo đó, bản kê khai tài sản của cán bộ được công khai tại nơi công tác, theo hình thức công bố trong cuộc họp hoặc niêm yết tại trụ sở đơn vị. Đây là một bước tiến so với Luật PCTN hiện hành (quy định công khai bản kê khai tài sản hiện nay mới chỉ ở tầm nghị định - PV). Tuy nhiên, công khai như vậy đã đáp ứng yêu cầu của công cuộc đấu tranh phòng ngừa tham nhũng hay chưa là vấn đề được nhiều chuyên gia cho ý kiến khi góp ý dự luật này.

Cán bộ cấp nào thì công khai cấp đó

Công khai tài sản: Không nên xem là việc nội bộ ảnh 1
Việc công khai bản kê khai là hết sức bình thường, không có gì nhạy cảm cả. Đã là cán bộ, tức là anh trở thành người của công chúng, quan hệ của anh trong việc công khai bản kê khai tài sản không còn mang tính riêng tư nữa. Công chúng có quyền giám sát sự trung thực của anh, thậm chí họ có quyền yêu cầu anh phải giải trình về nguồn gốc của tài sản nếu thấy có gì bất ổn.

Về phạm vi công khai, tôi nghĩ cần tuân thủ nguyên tắc cán bộ đại diện, đảm trách phạm vi tới đâu thì công khai tới đó. Ông cán bộ nào đang ở cấp phường, xã thì phải công khai cho toàn bộ bà con ở phạm vi đó; ông nào nắm cấp quận, huyện thì công khai ở phạm vi quận, huyện. Như vậy, ông nào đang đứng đầu quốc gia thì cũng công khai cho cả nước biết.

Sao lại chỉ quy định công khai trong cơ quan, mang tính nội bộ? Sao lại xem bản kê khai tài sản của cán bộ là tài liệu mà chỉ có một số người được biết, thậm chí là thuộc hàng tài liệu hạn chế công bố? Phải mở rộng hình thức công khai ra, chí ít là công khai nơi cư trú cho bà con nơi đó biết về người cán bộ của mình thế nào. Ta nói tai mắt của nhân dân sẽ giúp Nhà nước phát hiện tiêu cực, tham nhũng, vậy thì dự thảo Luật PCTN sửa đổi không nên hạn chế sức mạnh giám sát này mà phải tạo điều và khuyến khích.

Công khai tài sản: Không nên xem là việc nội bộ ảnh 2

Công khai tài sản là một hình thức đấu tranh phòng ngừa tham nhũng. Trong ảnh: Một phiên xét xử tham nhũng tại TAND TP.HCM. Ảnh: HTD

Tôi không tán thành cái kiểu nghi ngại việc công khai bản kê khai tài sản với nhiều lý do khác nhau. Chính cái tâm lý nghi ngại ấy đã cho người ta thấy có điều gì đó bất minh trong tài sản của cán bộ của ta, cho nên ngại công khai ra, ngại để người dân tham gia giám sát. Nếu tài sản của anh hoàn toàn trung thực thì ai dám vu khống anh?

Nếu đã xem tham nhũng là giặc nội xâm, ảnh hưởng to lớn đến uy tín của Đảng, sự tồn vong của chế độ thì phải quyết tâm hành động để phòng, chống nó. Những gì trong nghị quyết của Đảng (Nghị quyết Trung ương 3, nhất là Nghị quyết Trung ương 4 mới đây) phải trở thành sức mạnh hành động thật sự. Chúng ta không thể cứ đi diệt con sâu tham nhũng chỗ này, rồi lại chỗ kia. Cái quan trọng là ta phải hình thành một môi trường để hạn chế tối đa sự phát triển, sinh sôi của loài sâu đó, mà hành lang pháp lý liên quan đóng vai trò hết sức quan trọng.

Luật sư TRẦN QUỐC THUẬN, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

Cần có cách buộc khai đúng tài sản

Công khai tài sản: Không nên xem là việc nội bộ ảnh 3
Trong dự thảo Luật PCTN sửa đổi có nêu các hình thức công khai tài sản như công bố tại cuộc họp của đơn vị, niêm yết tại trụ sở đơn vị và cho phép người đứng đầu có quyền chọn lựa. Nghe qua thì có vẻ vấn đề công khai tài sản sẽ được giải quyết nhưng thật ra chưa hẳn. Cái quan trọng nhất trong việc công khai tài sản không phải là niêm yết tại trụ sở cơ quan hay ở đâu, công khai bằng hình thức nào mà là biện pháp nào để người ta phải kê khai chính xác tài sản của mình. Khi không có biện pháp làm sao cho người ta khai đúng thì đừng nghĩ đến chuyện công khai ở đâu.

Những người có tài sản chân chính thì chẳng ngại ngần gì trong kê khai. Mục tiêu chính của kê khai là để tìm ra tài sản bất minh. Nếu phát hiện ra tài sản bất minh thì phải có cơ chế để xử lý, thậm chí phải bị tịch thu. Bởi Việt Nam đã tham gia Công ước của Liên Hiệp Quốc về PCTN, trong Công ước quy định “tài sản không giải trình được, bất minh là phải tịch thu”.

Thường người có tài sản bất chính trước khi kê khai họ sẽ tẩu tán tài sản cho người này, người nọ đứng tên. Cần phải có biện pháp tìm ra xem tài sản đó thật sự là của ai. Ở các nước phát triển mọi thứ đều thông qua tài khoản ngân hàng, không dùng tiền mặt nên điều tra cũng dễ. Mình thì tài sản tầng tầng lớp lớp dùng tiền mặt, vàng, đất đai… nên khó kiểm soát được. Do vậy để xác minh khối tài sản thật của một người gần như không khả thi. Khi người ta đã tẩu tán được tài sản thì cái phần tẩu tán đó tự nhiên trở thành hợp pháp, người ta yên tâm kê khai phần còn lại. Khi ấy vấn đề công khai bằng hình thức nào không có ý nghĩa gì nữa và tôi e là việc công khai tài sản sẽ chỉ mang tính hình thức.

TS NGUYỄN HỮU NGUYÊN, Trung tâm  Nghiên cứu kinh tế miền Nam

Cần mở rộng công khai nơi cư trú

Hiện nay, việc công khai bản kê khai tài sản chủ yếu có mấy hình thức phổ biến: Công khai trong cuộc họp tại cơ quan và niêm yết tại trụ sở cơ quan trong vòng 30 ngày (dự thảo Luật PCTN sửa đổi cũng quy định tương tự - PV).

Theo tôi, cả hai cách trên nghe qua thì có vẻ bản kê khai sẽ được nhiều người biết tới nhưng xét kỹ thì hiệu quả lại không có bao nhiêu. Với cơ quan ít người thì hai hình thức đó có lẽ là tiện nhất, song với những đơn vị vài chục đến cả trăm người, thực tế sẽ có bao nhiêu người nghe những bản kê khai đó trong những cuộc họp? Thậm chí, nếu người ta có đọc trên bản tin thì cũng đọc để mà biết rồi quên chứ mấy ai nhớ nổi mà giám sát.

Để khắc phục điểm này, theo tôi hình thức công khai bản kê khai tài sản của cán bộ tại nơi cư trú là cần thiết. Tôi cho rằng đây là kênh hiệu quả, người dân sẽ dễ dàng giám sát hơn (vì khó có sai phạm hay gian lận nào mà qua mắt được người dân một thời gian dài). Tuy nhiên, công khai bản kê này như thế nào, ở đâu trong khu dân cư mới là điều phức tạp. Nếu đọc bản kê tại cuộc họp tổ dân phố, có nghe người ta cũng dễ quên. Còn nếu là hình thức dán bản kê thì dán ở đâu để nhiều người dân được đọc, ai sẽ trông coi chúng để những người thiếu ý thức không xé, viết thêm bớt nọ kia… cũng đã là cả một vấn đề.

Ngoài ra, để mỗi bản kê khai chất lượng hơn, nên có thêm phần giải trình nguồn gốc tài sản ngay từ đầu, không nên đợi tới khi có tố cáo mới xem xét lại. Cái chính ở đây vẫn là người khai phải có ý thức kê khai trung thực, đầy đủ bởi nếu người khai cố tình giấu giếm (cho con em đứng tên tài sản) thì người khác cũng khó mà biết được.

Ông HUỲNH VĂN TƯ, Chánh Thanh tra quận 10 (TP.HCM)

M.CƯỜNG - T.MẬN - T.HƯƠNG ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm