Công tác cán bộ: Tránh việc vô tình tạo nên nhóm lợi ích

“Trong công tác cán bộ (CB), cần sự thống nhất, hài hòa giữa các yếu tố: Đức và tài, kế thừa và phát triển, giữa thẩm quyền cá nhân và trách nhiệm tập thể, giữa phân cấp phân quyền và kiểm tra giám sát… Tránh hai khuynh hướng: Xa rời nguyên tắc, lơi lỏng lãnh đạo, hạ thấp tiêu chuẩn CB và bảo thủ hẹp hòi, không chịu đổi mới”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý như trên tại Hội nghị toàn quốc về công tác quy hoạch CB do Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức tại TP.HCM ngày 20-8.

Quy hoạch chưa có tầm nhìn xa

Tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Tô Huy Rứa đánh giá, trong những năm gần đây, việc quy hoạch, luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng CB ở các cấp, ngành, địa phương đã giúp cho nguồn quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý từ cấp huyện đến cấp bộ tương đối dồi dào, đảm bảo trình độ đào tạo, cơ cấu ngành nghề hợp lý. Tuy nhiên, công tác quy hoạch và luân chuyển CB vẫn còn tồn tại nhiều yếu kém. Cụ thể như ở nhiều địa phương, việc quy hoạch CB chưa gắn với đào tạo, bố trí, sử dụng dẫn đến nhiều đề án quy hoạch còn hình thức, thiếu tính khả thi. Chất lượng quy hoạch CB chưa cao, chưa đồng đều và hầu hết các đề án quy hoạch chưa có tầm nhìn xa, chưa bảo đảm cơ cấu ba độ tuổi… “Nhìn chung quy hoạch CB còn chưa có sự liên thông giữa cấp dưới với cấp trên, giữa địa phương với trung ương, giữa các ngành, các lĩnh vực công tác với nhau dẫn đến có sự cắt khúc trong công tác quy hoạch. Nơi thiếu CB thì vẫn thiếu, mà nơi thừa thì vẫn cứ thừa. Bên cạnh đó, chúng ta chưa quyết tâm xây dựng quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước, dẫn đến có sự cắt khúc trong công tác quy hoạch” - ông Rứa nhìn nhận.

Công tác cán bộ: Tránh việc vô tình tạo nên nhóm lợi ích ảnh 1

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: TTXVN

Theo ông Rứa, chính vì những yếu kém trên nên khi bầu cử hoặc thay thế CB, không ít nơi rơi vào tình trạng đáng lo ngại là bị động, lúng túng trong khâu nhân sự. Nhiệm kỳ tới đây, cả thường trực 16 tỉnh ủy, thành ủy dự kiến sẽ không đủ tuổi tái cử; 28 tỉnh, TP chỉ có một người trong thường trực còn đủ tuổi; hơn một nửa số ủy viên thường vụ cấp ủy của hơn 50 tỉnh, TP dự kiến sẽ không đủ tuổi tham gia cấp ủy khóa tới…

Đánh giá CB: Phải công tâm, có tầm nhìn

Phát biểu tại hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh công tác CB rất phức tạp do liên quan đến tâm tư, tình cảm, danh dự của CB. Vì thế càng phải bảo đảm tính dân chủ, tập thể, đồng thời phải phát huy trách nhiệm cá nhân, nhất là cá nhân người đứng đầu trong công tác CB. “Việc quy hoạch CB dứt khoát phải được điều chỉnh và làm tốt hơn vì đây là một nhiệm vụ không thể không làm. CB là hạt nhân nòng cốt của tổ chức, là người lãnh đạo dẫn dắt quần chúng, tổ chức điều hành công việc. Bởi vậy ở bất cứ lĩnh vực nào CB cũng là cái gốc của công việc, có vai trò quyết định” - Tổng Bí thư nói.

Nói thêm về công tác đánh giá CB, Tổng Bí thư cho rằng quan trọng là tâm, tầm của người đánh giá. Người đánh giá bao gồm cả thủ trưởng chịu trách nhiệm và cơ quan tham mưu phải trong sáng, khách quan, công tâm, đầy kinh nghiệm, phải có con mắt tinh đời, có tầm nhìn. Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh bố trí CB là một vấn đề cực kỳ hệ trọng, bố trí sai một ly thì sẽ đi một dặm, rất nguy hiểm. Do đó, việc quy hoạch, bố trí và sử dụng CB phải cẩn trọng, vừa chặt chẽ, vừa tỉnh táo lại vừa cần tính hợp lý nếu không sẽ dẫn đến hậu quả không ngờ là vô tình tạo nên nhóm lợi ích. Bên cạnh đó phải có chính sách trọng dụng nhân tài của đất nước.

Tôi nghĩ khi bổ nhiệm một CB cũng không nên cứng nhắc ở điểm nhất thiết CB đó phải nằm trong quy hoạch bởi làm như vậy dễ bỏ lọt người tài. Việc thi tuyển, bổ nhiệm CB giỏi, có tài mà không nằm trong quy hoạch cũng là phương pháp để ta có được CB giỏi, tốt.

Ông BÙI VĂN TIẾNG, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng

THU HƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm