Công ước chống tham nhũng có hiệu lực với VN

Gần ba tháng sau khi Chủ tịch nước phê chuẩn công ước của Liên Hợp Quốc (LHQ) về chống tham nhũng, ngày 24-9, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã họp báo công bố thông tin về quá trình đàm phán, ký kết và phê chuẩn công ước quan trọng này.

Phó Tổng thanh tra Trần Đức Lượng cho biết ngày 19-8, bộ văn kiện của Việt Nam về việc phê chuẩn công ước đã được gửi đến Tổng Thư ký LHQ. Tính theo thời điểm này, 30 ngày sau, tức 18-9, công ước LHQ về chống tham nhũng bắt đầu có hiệu lực với Việt Nam.

TTCP cho biết rà soát cho thấy hệ thống pháp luật trong nước về cơ bản đáp ứng được các yêu cầu trong công ước. Tuy nhiên, Việt Nam bảo lưu không bị ràng buộc bởi quy định về thủ tục giải quyết tranh chấp trong công ước với lý do việc đưa tranh chấp liên quan đến giải thích và áp dụng công ước ra trọng tài hay tòa án quốc tế cần phải có đồng thuận của tất cả các bên liên quan đến tranh chấp. Ngoài ra, Việt Nam tuyên bố không bị ràng buộc bởi quy định về hình sự hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp và quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân. Bởi đây là quy định tùy nghi và chưa được pháp luật hình sự trong nước quy định. Việt Nam cũng tuyên bố không áp dụng trực tiếp các quy định của công ước, mà phải nội luật hóa trước khi áp dụng tại Việt Nam.

Công ước có quy định bắt buộc là các quốc gia thành viên cần giám sát chặt chẽ tài khoản của những người đã hoặc đang giữ các chức vụ chủ chốt trong bộ máy nhà nước, thành viên trong gia đình hoặc cộng sự thân tín của họ để phát hiện kịp thời các giao dịch đáng ngờ. Theo TTCP, pháp luật trong nước đã có quy định về kê khai tài sản, về trả lương qua tài khoản nhưng thời gian tới cần tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện. Tương tự, công ước yêu cầu các quốc gia thành viên “tham gia ký kết hiệp định hoặc thỏa thuận với quốc gia khác để tái định cư những người đã đưa ra bằng chứng hoặc chứng thực liên quan đến các tội phạm... bảo vệ cả thân nhân và những người gần gũi với họ khỏi nguy cơ trả thù hay đe dọa”. Pháp luật trong nước về bảo vệ nhân chứng sẽ phải hoàn thiện, bổ sung thêm để đáp ứng quy định này.

“Chính phủ đang xây dựng tiếp kế hoạch thực thi công ước. Những yêu cầu về hoàn thiện pháp luật nêu trên sẽ được nghiên cứu để đưa vào kế hoạch này” - ông Lượng nói.

NGHĨA NHÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm