BỘ TRƯỞNG BỘ KH&ĐT BÙI QUANG VINH:

Cứ tăng giá là phản ứng thì khó phát triển!

“Lâu nay chúng ta cứ nói một đường làm một nẻo. Kinh tế thị trường lẽ ra phải tính đủ nhưng rồi lại không đủ. Mâu thuẫn trong phát triển của chúng ta là chỗ đó và nếu không có giải pháp thì năm 2014, thậm chí 2015 thì kinh tế-xã hội (KT-XH) cũng thế thôi”.

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng phát biểu như trên tại phiên thảo luận của Ủy ban Thường vụ QH ngày 11-10 về tình hình KT-XH năm 2013 và dự kiến kế hoạch phát triển năm 2014.

Đổi mới còn ngập ngừng

Trình bày tờ trình KT-XH, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh cho hay trong số 15 chỉ tiêu QH đề ra trong kế hoạch phát triển KT-XH năm 2013 thì dự báo có 11 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch; hai chỉ tiêu đạt xấp xỉ kế hoạch là tốc độ tăng trưởng GDP và tạo việc làm; hai chỉ tiêu không đạt là tỉ lệ bội chi ngân sách và tỉ lệ vốn đầu tư phát triển toàn xã hội.

Cứ tăng giá là phản ứng thì khó phát triển! ảnh 1

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh trình bày báo cáo tại phiên họp. Ảnh: TTXVN

Tuy nhiên, ông Vinh cũng nhìn nhận nền kinh tế vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế khi kinh tế vĩ mô chưa thực sự vững chắc, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp… Một hạn chế, yếu kém khác không được đề cập trong bản báo cáo của Chính phủ nhưng được ông Vinh nêu ra là do chủ trương, quan điểm phát triển khác nhau. Điều này dẫn đến “đổi mới thể chế còn ngập ngừng”, nhất là kinh tế thị trường.

“Đường sá lẽ ra phải thu phí cao lên nhưng chúng ta chỉ thu dăm mười ngàn thì không thể đáp ứng được. Rồi dịch vụ công trong đó có dịch vụ y tế, giáo dục lúc thế này lúc thế kia thì rất là khó khăn” - ông Vinh nói và dẫn chứng tiếp: “Giáo dục mầm non trước đây tư thục rất nhiều nhưng sau đó chúng ta lại quay lại bao cấp gần như toàn bộ. Việc quay lại đó chưa hẳn đã là đúng. Đây cũng là cái ngập ngừng mà chúng ta đang vướng. Chúng ta bao cấp còn nặng nề. Cứ tăng giá là phản ứng thì chắc chắn đất nước không phát triển được”.

Muốn chất lượng thì phải minh bạch

Chia sẻ với những nhận định trên, Ủy ban Kinh tế cũng cho rằng nền kinh tế đang đứng trước thách thức là phải sớm chấm dứt can thiệp thị trường bằng các công cụ hành chính để tránh méo mó về các chính sách và phân bổ nguồn lực. Trong khi đó, những khó khăn kinh tế vĩ mô khiến áp lực lạm phát tăng cao luôn tiềm ẩn và mỗi quyết định điều chỉnh chưa hợp lý về lộ trình và liều lượng sẽ gây nên những tác động đến kinh tế vĩ mô, ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý thị trường, tác động xấu đến an sinh xã hội…

Ngoài ra, sự “ngập ngừng” đó còn thể hiện rõ khi thị trường lao động - việc làm, cải cách tiền lương phải xử lý theo hướng tình thế, chưa có khả năng cải cách triệt để, đúng bản chất, không phản ánh năng suất lao động, hao phí lao động.

“Việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN chưa đạt kết quả cao, có cả nguyên nhân do năng lực xây dựng pháp luật, tổ chức thực hiện chưa tốt, thậm chí còn bị chi phối bởi lợi ích ngành. Nhu cầu xây dựng pháp luật có thể nói là quá tải cả với cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra” - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu nêu ý kiến.

Theo Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, muốn có một nền kinh tế chất lượng thì đòi hỏi phải có một nền kinh tế minh bạch. “Chứ nói vậy mà không phải vậy, nói một đường làm một nẻo thì sao được” - ông nói và cho rằng lưu ý để giải quyết chất lượng nền kinh tế thì các yếu tố thị trường phải đi nhanh hơn chứ không thể để tình hình xấu thêm.

THÀNH VĂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm