Cuộc tháo chạy tai họa- Kỳ 1: Quyết định ngạc nhiên của Nguyễn Văn Thiệu

“Mất Plei-cu. Mất Kon Tum. Mất Buôn Ma Thuột. Mất Huế. Mất tất cả”, một nhân viên xuất nhập cảnh tại sân bay Tân Sơn Nhất nói.

Cuộc chiến tưởng còn lâu mới tới hồi kết tại miền Nam Việt Nam đã chuyển hướng đầy bất ngờ. Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã buộc phải từ bỏ ¼ lãnh thổ miền Nam Việt Nam - 7 tỉnh với dân số ước tính hơn 1,7 triệu người – khi bị Việt Cộng tấn công. Trên những con đường làng và quốc lộ ven biển đầy bụi đã diễn ra cuộc tháo chạy lớn nhất kể từ khi Việt Nam bị chia cắt. Các lực lượng tăng cường của Việt Cộng đã tiến hành chiến dịch công kích ác liệt nhất kể từ dịp lễ Phục sinh năm 1972.

Cuộc tháo chạy tai họa- Kỳ 1: Quyết định ngạc nhiên của Nguyễn Văn Thiệu ảnh 1

Ngụy quân tháo chạy khỏi Tây Nguyên sau khi Pleiku thất thủ. Ảnh: tư liệu internet

Quyết định từ bỏ các tỉnh, thành phố dường như còn khả năng phòng thủ của Tổng thống Thiệu khiến cho hầu hết mọi người phải ngạc nhiên, kể cả cơ quan tình báo của Mỹ. Những bước tiến thần tốc của lực lượng Việt Cộng cũng tạo ra sự choáng váng không kém.

Hai tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Schlesinger vẫn còn nói cứng rằng, sẽ không có bất kỳ cuộc công kích lớn nào của Việt Cộng cho đến năm 1976, thời điểm diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Có thể do Đại sứ Graham Martin đang nghỉ phép ở quê nhà và cũng có thể là do Tổng thống Việt Nam Cộng hòa hờn dỗi việc Oasinhtơn rút khỏi cuộc chiến và không tăng viện trợ nên đã không tham vấn các quan chức Mỹ trước quyết định liều lĩnh của mình. Nhưng ngay cả nhiều tư lệnh của quân lực Việt Nam Cộng hòa cũng chỉ biết việc tháo chạy qua báo chí Sài Gòn.

Kon Tum và Đắc Lắc ở Tây Nguyên là các tỉnh thất thủ đầu tiên. Sau đó là đến lượt Quảng Trị, một tỉnh ở phía Bắc Vùng 2 chiến thuật đóng quân bị thất thủ hoàn toàn. Mặc dù Sài Gòn chưa chính thức tuyên bố, song Thừa Thiên, bao gồm cả Cố đô Huế có vẻ cũng đã rơi tay vào Bắc Việt. Một tỉnh phía Nam là Phước Long chỉ cách Sài Gòn khoảng 80 km đã rơi vào tay Cộng sản từ đầu năm 1975. Bên cạnh đó, nhiều tỉnh thành khác ở miền Nam Việt Nam cũng đang bị lực lượng Cộng sản đe dọa nghiêm trọng.

Thiệu cho rằng quyết định rút lui của mình như canh bạc sinh tử nhằm cứu vãn tình thế. Ông ta hi vọng rằng đây là cuộc tháo chạy cuối cùng. Tuy nhiên, đối với những người Mỹ tham chiến tại Việt Nam thì việc đầu hàng là vô cùng tồi tệ.

Dưới sự áp tải của Quân lực Việt Nam Cộng hòa, hơn nửa triệu thường dân (?) đã di tản bằng xe máy, xe bò, xe đạp và bằng chân đến những nơi mà Sài Gòn còn kiểm soát. Khoảng 200.000 người rời Quảng Trị, Huế chạy vào Đà Nẵng. Hàng trăm nghìn người từ Tây Nguyên đổ về miền duyên hải. Tại Vùng 2 chiến thuật, thành phố nghỉ dưỡng Đà Lạt bỗng nhiên  không còn một bóng người dù chưa có bất kỳ dấu hiệu tấn công nào của Việt Cộng. Hàng không Việt Nam tăng chuyến, từ một lên 5 chuyến bay mỗi ngày từ Đà Lạt về Sài Gòn. Giá vé chợ đen leo lên mức 300 USD, trong khi giá bình thường là 9,5 USD.

Hầu hết những người di tản và thậm chí cả đội quân tháo chạy cũng không bị Việt Cộng tấn công. Thậm chí, tại Quảng Trị, ban đêm xe tăng của Việt Cộng còn rọi đèn cho người dân di chuyển. Những người tị nạn di tản vì nhiều lí do. Nhưng không ít người sợ trúng bom khi quân đội Sài Gòn phản công. Thực tế, ngay sau Hiệp định Pari, Sài Gòn thường xuyên không kích các vùng đất do Việt Cộng kiểm soát.

Tại Sài Gòn, lệnh giới nghiêm ban đêm được kéo dài thêm 2 giờ, bắt đầu từ 22 giờ. Thậm chí những tên ngỗ ngược nhất, hay những người bán hàng rong cũng ra khỏi những con phố trước giờ giới nghiêm 1 giờ đồng hồ. Thủ đô của Việt Nam Cộng hòa có vẻ còn khá bình yên. Nhưng đó là sự bình yên mong manh.

(còn nữa)

Khánh Linh biên dịch (QĐND)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm