Cương lĩnh chính trị 1991: Chỉ bổ sung, phát triển, không sửa đổi

Theo ông Tô Huy Rứa - Trưởng ban Tuyên giáo trung ương kiêm Chủ tịch Hội đồng lý luận, để giải quyết vấn đề này cần nghiên cứu năm nhóm nội dung lớn, gồm tính chất, tên gọi của cương lĩnh; bối cảnh quốc tế, tính chất thời đại trên các khía cạnh chính trị, kinh tế, xã hội và các mối quan hệ quốc tế; đặc trưng của CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam; nhóm các vấn đề kinh tế, như mô hình kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam khi đã là thành viên WTO, các chế độ sở hữu; nhóm các vấn đề xã hội như phân cấp giàu nghèo, liên minh công-nông-trí, mô hình xã hội dân sự; nhóm vấn đề về hệ thống chính trị và vai trò lãnh đạo của Đảng.

Tại cuộc họp, ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Phú Trọng, nguyên chủ tịch Hội đồng lý luận trung ương, đề nghị các thành viên hội đồng tranh luận đến cùng từng vấn đề. Tuy nhiên, ông cũng yêu cầu việc nghiên cứu, thảo luận phải tôn trọng các nguyên tắc mà Ban Bí thư đã đặt ra: Chỉ bổ sung, phát triển Cương lĩnh 1991 chứ không sửa đổi hay xây dựng cương lĩnh mới, không thay đổi đường lối chính trị của Đảng và con đường đi lên CNXH.

Trong nghiên cứu, thảo luận cần dựa trên cơ sở chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; giữ vững mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH, dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Tiếp tục quán triệt đường lối, quan điểm trong Cương lĩnh 1991 và các nghị quyết của Đảng trong thời kỳ đổi mới. Chỉ bổ sung, phát triển những điểm cần thiết, đã rõ, đã chín; không thay đổi làm xáo trộn bố cục cương lĩnh.

Cùng với việc nghiên cứu “bổ sung, phát triển” Cương lĩnh 1991, Hội đồng lý luận trung ương đang thực hiện đề tài độc lập cấp nhà nước về “Chủ thuyết phát triển của Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh và vận dụng trong những thập kỷ đầu của thế kỷ XXI”. Ông Nguyễn Phú Trọng nhận xét đây là vấn đề lớn, mới mẻ, nếu thành công sẽ có ý nghĩa lớn.

NGHĨA NHÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm