Đề nghị giám sát tối cao dự án bauxite Tây Nguyên

Tại phiên họp thứ 17 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc ngày 9-4, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: Nhiều ý kiến đề nghị tiến hành giám sát tối cao dự án bauxite Tây Nguyên trong năm 2014 để đánh giá lại hiệu quả đầu tư và xem xét các khía cạnh liên quan, nhất là sau khi Thủ tướng đồng ý tạm dừng đầu tư xây dựng cảng Kê Gà.

Xem lại hiệu quả đến đâu

Giải trình về sự cần thiết tiến hành giám sát tối cao đối với các dự án bauxite Tây Nguyên, Văn phòng Quốc hội cho rằng sau khi có Quyết định số 167/2007 của Thủ tướng đến nay, dự án Tân Rai - Lâm Đồng đã hoàn thành đầu tư và đã có sản phẩm alumin đầu tiên. Còn nhà máy alumin Nhân Cơ đã thực hiện 72/73 hạng mục, toàn bộ thiết bị chủ yếu đã tập kết đến chân công trình, nhà thầu đang tiến hành lắp đặt thiết bị, khối lượng hoàn thành đạt khoảng 51%, dự kiến nhà máy hoàn thành và có sản phẩm vào giữa năm 2014.

Tuy nhiên, ngay khi dự án bauxite tại Tây Nguyên hình thành đã có nhiều ý kiến, kiến nghị về phương án kỹ thuật, hiệu quả kinh tế, tính khả thi của dự án. Ngoài ra, Văn phòng Quốc hội cũng cho rằng sau khi Thủ tướng đồng ý tạm dừng đầu tư xây dựng cảng Kê Gà, dư luận có nhiều ý kiến đề nghị xem lại hiệu quả tổng thể về kinh tế, xã hội gắn với đảm bảo an ninh, quốc phòng của các dự án bauxite đang triển khai. Do đó, báo cáo nêu rõ: “Do tính chất quan trọng của dự án, việc tổ chức giám sát nội dung này là yêu cầu cần thiết, giúp Quốc hội có điều kiện đánh giá lại hiệu quả đầu tư và xem xét các khía cạnh liên quan của dự án”.

Đề nghị giám sát tối cao dự án bauxite Tây Nguyên ảnh 1

Nhiều ý kiến đề nghị tiến hành giám sát tối cao dự án bauxite Tây Nguyên trong năm 2014. Trong ảnh: Dự án Alumin Tân Rai, Lâm Đồng. Ảnh: TTXVN

“Mạnh ai nấy làm” sân bay, cảng biển

Văn phòng Quốc hội cũng cho hay hiện cả nước có 39 cảng biển và 22 cảng hàng không đang hoạt động. Tuy nhiên, công tác quy hoạch chưa tốt, còn hiện tượng “mạnh ai nấy làm” nên hệ thống cảng biển bị chia cắt, manh mún, dự báo mức tăng trưởng hàng hóa thiếu chính xác.

Tương tự, hệ thống sân bay cũng đầu tư dàn trải. Thậm chí có dự án xây dựng sân bay không xuất phát từ thế mạnh thực sự của địa phương, chưa dự báo chính xác nhu cầu vận tải hành khách và hàng hóa, dẫn đến sử dụng không hết công suất, chi phí quá cao, hiệu quả kinh tế thấp.

“Việc giám sát nội dung này nhằm thấy được bức tranh chung về công tác quy hoạch tổng thể về sân bay, cảng biển; xác định được những dự án phải dừng, phải điều chỉnh hoặc được tiếp tục triển khai. Đồng thời, có thêm cơ sở để sửa đổi, bổ sung các chính sách pháp luật có liên quan” - báo cáo nêu rõ.

Đối với việc giám sát thủy điện, báo cáo của Văn phòng Quốc hội cũng nêu rõ thực trạng một số dự án đã bộc lộ những khiếm khuyết như phát triển thiếu quy hoạch hoặc quy hoạch chưa hợp lý, chất lượng công trình không đảm bảo. Bên cạnh đó, cơ chế vận hành công trình còn nhiều vấn đề đã gây nên những bức xúc, lo ngại, thậm chí đã gây ra tình trạng ngập lụt tại một số địa phương trong mùa mưa bão, gây thiệt hại cho người dân.

Nhiều kết luận giám sát không được giám sát lại. Chúng ta cần phải giám sát tới cùng, tránh trường hợp đã giám sát rồi nhưng hậu quả vẫn xảy ra như Vinalines, Vinashin.

Trưởng ban Công tác các đại biểu Nguyễn Thị Nương

Vấn đề liên quan đến tái cơ cấu kinh tế, đặc biệt là tái cơ cấu các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và hệ thống ngân hàng thương mại là rất quan trọng. Tôi cho rằng cần lựa chọn chuyên đề này để giám sát.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện

THÀNH VĂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm