Đếm khách để cho tăng đầu xe!

Sau sáu lần dự thảo, lấy ý kiến của các cơ quan, hiệp hội, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) và doanh nghiệp..., Nghị định 91/2009/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô vừa được ban hành. Nghị định này sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 15-12-2009. Tuy nhiên, hiện nó đang gây một số ý kiến không đồng tình.

Đủ khách mới được tăng đầu xe

Theo Nghị định 91, khi hệ số có khách trên tuyến đạt trên 50% thì cơ quan quản lý tuyến (là Sở GTVT hoặc Cục Đường bộ Việt Nam) sẽ quyết định tăng số doanh nghiệp hoạt động trên tuyến đó. Tương tự, khi hệ số có khách trên xe của từng doanh nghiệp đạt trên 50% thì cơ quan quản lý tuyến sẽ ra quyết định buộc doanh nghiệp đó phải tăng số đầu xe trên tuyến.

Theo một chuyên viên Vụ Pháp chế, Bộ GTVT, quy định này nhằm ngăn ngừa tình trạng các doanh nghiệp đang hoạt động trên tuyến thỏa hiệp với nhau không cho “đối thủ” tăng số doanh nghiệp và số đầu xe khi lượng khách tăng lên.

Đếm khách để cho tăng đầu xe! ảnh 1

Việc tăng giảm số doanh nghiệp, đầu xe chạy trên tuyến là do doanh nghiệp quyết định theo lượng khách tăng giảm. Ảnh: LƯU ĐỨC

Ông Lâm Văn Phấn, Chủ nhiệm Hợp tác xã Việt Thắng, nhận định: “Quy định trên là không phù hợp với kinh tế thị trường, Luật Doanh nghiệp và Luật Hợp tác xã. Việc tăng giảm số lượng doanh nghiệp và số đầu xe trên tuyến của từng doanh nghiệp là do các doanh nghiệp tự quyết định theo diễn biến thị trường”.

“Cơ quan quản lý tuyến không nên can thiệp, quyết định việc này vì như thế sẽ quay lại cơ chế xin-cho cách đây hơn 10 năm” - ông Phấn nói. Cũng theo ông Phấn, trong trường hợp phát hiện các doanh nghiệp có sự thỏa thuận để khống chế thị trường vận tải, cơ quan bảo vệ pháp luật có thể xử lý theo quy định của luật cạnh tranh, không cần thiết phải quan ngại và đặt ra quy định như trên.

Ông Lê Trung Tính, Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT TP.HCM, băn khoăn: “Nếu phải thực hiện theo quy định trên thì Sở GTVT hay bến xe có trách nhiệm đếm số lượng khách, đầu xe để ra quyết định tăng doanh nghiệp, tăng đầu xe? Mặt khác, các doanh nghiệp chưa đủ sức tăng đầu xe sẽ lách bằng cách cho xe xuất bến luôn có số lượng khách trên xe chỉ dưới 50% số ghế, sau đó ra ngoài bến đón khách dọc đường”. “Nếu vậy, e bến “cóc”, xe “dù” lại xuất hiện” - ông Tính nói.

Cam kết thừa

Theo Nghị định 91, xe khách chạy theo hợp đồng từ trên 100 km phải có danh sách hành khách. Tương tự, xe khách du lịch chạy theo tuyến, điểm du lịch cũng phải có danh sách. Ông Nguyễn Anh Phương, Chủ nhiệm Hợp tác xã số 2, cho rằng quy định này chỉ làm khó thêm cho cả chủ, lái xe và hành khách vì nhiêu khê.

Trong các dự thảo trước, vấn đề buộc xe của xã viên phải đứng tên sở hữu của hợp tác xã đã gây sự không đồng thuận trong giới kinh doanh vận tải. Nghị định 91 nay đã bỏ vấn đề trên nhưng lại quy định: Xã viên có xe phải làm cam kết với hợp tác xã về quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ quản lý, sử dụng, điều hành xe...

Các đại diện doanh nghiệp vận tải cho rằng quy định như vậy là thừa vì giữa xã viên và hợp tác xã đã có sự ràng buộc về quyền và nghĩa vụ thông qua Luật Hợp tác xã và điều lệ. “Luật và điều lệ hợp tác xã là cơ sở pháp lý cao nhất để điều chỉnh quyền, nghĩa vụ thì cần gì phải có thêm bản cam kết cho nhiêu khê!?” - ông Lê Trung Tính nói thêm.

Theo Nghị định 91, xe du lịch có niên hạn sử dụng không quá 10 năm trong khi dự thảo trước đây là 15 năm. Theo ông Nguyễn Tấn Lộc, Chủ nhiệm Hợp tác xã Xe du lịch Hồng Hà, quy định này là không phù hợp và không cân đối với các loại xe buýt, xe chạy trên tuyến cố định (có niên hạn từ 15 đến 20 năm). Vì lẽ xe du lịch có hệ số vận doanh, hoạt động luôn thấp, khoảng 400-500 km/ngày trong khi các loại xe chạy trên tuyến luôn là 800-1.000 km/ngày. Lại nữa, xe du lịch có suất đầu tư cao hơn nên không lý nào lại áp niên hạn thấp.

LƯU ĐỨC - HOÀNG LONG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm