HỌ ĐÃ NHẬP CUỘC NHƯ THẾ NÀO - BÀI 5:

Đi biểu tình bằng máy bay của Nguyễn Cao Kỳ

Cuộc đấu tranh của họ thu hút sinh viên các nước tham chiến ở Việt Nam cùng tham gia.

Tổng hội Sinh viên Sài Gòn quy tụ 17 phân khoa. Chủ tịch ban đại diện 17 phân khoa mỗi năm họp lại và bầu ra Ban đại diện Tổng hội. Chính quyền Sài Gòn bằng nhiều cách muốn nắm lấy Tổng hội Sinh viên, lực lượng cách mạng cũng đưa người tranh cử vào Tổng hội. Thường có ít nhất hai liên danh tranh cử. Mỗi phân khoa được bầu một phiếu. Liên danh nào đạt chín phiếu là thắng cử. Muốn có được chín phiếu, trước hết phải ra tranh cử ở các lớp, vào ban đại diện các phân khoa, tranh cử chủ tịch ban đại diện sinh viên nhà trường.

Tranh cử vào Tổng hội Sinh viên không dễ

Sau cuộc đảo chính Ngô Đình Diệm, Tổng hội Sinh viên Sài Gòn hoạt động mờ nhạt do chủ tịch Tổng hội thời đó là Lê Hữu Bôi và Nguyễn Trọng Nho là thành viên Quốc dân đảng, có khuynh hướng chống Cộng. Nhiệm kỳ 1965-1966, Tổng hội Sinh viên Sài Gòn cũng bị Tô Lai Chánh thân chính quyền nắm vai trò chủ tịch. Giữa năm 1966, hàng trăm sinh viên y khoa đã kéo đến bao vây trụ sở Tổng hội (số 4 Duy Tân), chất vấn Tô Lai Chánh, khiến Chánh phải nhảy qua cửa sổ và bỏ trốn về Cần Thơ. Sinh viên đấu tranh đã chiếm trụ sở và phát động phong trào “tự trị đại học” do Hồ Hữu Nhựt làm chủ tịch. Ngày 30-4-1967, tại số 4 Duy Tân diễn ra cuộc bầu cử lịch sử giữa hai liên danh là Hồ Hữu Nhựt và Lê Hồng Khanh, kết quả là anh Nhựt đã trở thành chủ tịch Tổng hội với 2/3 số phiếu. Từ đó hoạt động đấu tranh của Tổng hội Sinh viên Sài Gòn trong kháng chiến chống Mỹ mạnh mẽ nhất trong các giai đoạn lãnh đạo của Hồ Hữu Nhựt 1966-1967, rồi Nguyễn Đăng Trừng 1967-1968, Nguyễn Văn Quỳ 1968-1969 và Huỳnh Tấn Mẫm 1969-1970.

Đi biểu tình bằng máy bay của Nguyễn Cao Kỳ ảnh 1

Các “sinh viên Việt cộng” người nước ngoài sát cánh với sinh viên Việt Nam trong các cuộc biểu tình.

Trong giai đoạn này, Tổng hội Sinh viên Sài Gòn đã gắn kết phong trào học sinh, sinh viên của nước ta với phong trào học sinh, sinh viên quốc tế. Tổng hội Sinh viên Sài Gòn đã tổ chức Đại hội sinh viên thế giới, ra hiệp ước hòa bình thế giới… Từ đấu tranh đòi chống thu phí trường công, chống tăng giá giấy tập học sinh, đòi cải tổ giáo dục đến đấu tranh đòi hòa bình dân chủ, đòi hòa giải hòa hợp dân tộc rồi đòi quân Mỹ rút về nước, Nguyễn Văn Thiệu từ chức…

Hàng loạt cuộc biểu tình phản đối việc bắt giữ trái phép sinh viên của chúng ta diễn ra rầm rộ trên thế giới, đặc biệt là những nước có quân đội tham chiến ở Việt Nam. Thậm chí có nhiều sinh viên nước bạn được mệnh danh là “sinh viên Việt cộng”.

Lấy dinh phó tổng thống làm trụ sở

Từ năm 1968 trở đi nội bộ Thiệu, Kỳ mâu thuẫn gay gắt. Nguyễn Cao Kỳ đã tranh thủ sinh viên, học sinh để thêm lực lượng. Tổng hội Sinh viên tận dụng thời cơ đòi Kỳ hoãn quân sự học đường trong thời gian ôn thi, được Nguyễn Cao Kỳ chấp thuận. Kỳ còn giao một phòng trong dinh Quốc khách để làm trụ sở của Tổng hội Sinh viên, cung cấp phương tiện văn phòng, xe cộ, lựu đạn MK3 dùng cho huấn luyện. Đặc biệt, Kỳ còn cho máy bay đưa sinh viên ra miền Trung… biểu tình.

Anh Huỳnh Tấn Mẫm (Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn) nhớ lại: “Ngày 28-7-1971 lần đầu tiên bầu ra Tổng hội Sinh viên miền Nam Việt Nam, tôi được bầu làm chủ tịch. Sau đó vài hôm phái đoàn sinh viên liên viện ra mắt tại Huế. Anh em Tổng hội Sinh viên Sài Gòn, Vạn Hạnh, Cần Thơ cùng Tổng đoàn Học sinh Sài Gòn, Tổng đoàn Học sinh Cần Thơ, An Giang tập trung tại Tổng vụ Thanh niên Phật tử rồi kéo lên phi trường Tân Sơn Nhất đi Huế bằng trực thăng của Kỳ do một viên trung tá quân đội cầm lái”.

Khi ra đến nơi, đoàn đã ra mắt trước hàng ngàn sinh viên Đại học Sư phạm Huế. Kết thúc hội nghị, sinh viên kéo nhau xuống phòng huấn luyện quân sự học đường phóng hỏa đốt phòng. Chưa dừng lại, hàng ngàn học sinh, sinh viên lại kéo nhau xuống đường, qua cầu Trường Tiền hô vang khẩu hiệu “Đả đảo đế quốc Mỹ, đả đảo Nguyễn Văn Thiệu tay sai bán nước”. “Không hiểu sao trưởng Ty cảnh sát Liên Thành thấy biểu tình đông như thế, khẩu hiệu mạnh mẽ như thế nhưng không đưa cảnh sát ra đàn áp như những lần trước...” - anh Mẫm vừa cười và cho biết thêm.

Đang bị truy nã vẫn trả lời phỏng vấn BBC

Ngay trước kỳ bầu cử tổng thống (tháng 10-1971), cảnh sát truy bắt các lãnh tụ sinh viên và học sinh. Tháng 6-1971, hai anh Lê Văn Nuôi - Chủ tịch Tổng đoàn Học sinh Sài Gòn và Lê Hùng Dũng - Chủ tịch Tổng đoàn Học sinh An Giang cùng hàng loạt sinh viên Sài Gòn bị bắt. Huỳnh Tấn Mẫm là đối tượng mà chúng nhắm đến đầu tiên, hàng chục tên mật thám theo dõi anh suốt ngày đêm. Biết vậy nhưng anh không thể ngừng hoạt động vì sẽ làm mất tinh thần đấu tranh của học sinh, sinh viên.

Trước kỳ bầu cử, đài BBC đã phỏng vấn Huỳnh Tấn Mẫm về phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên tại khách sạn Caravelle. Biết tham dự phỏng vấn sẽ bị bắt nhưng anh Mẫm vẫn dự.

Đi biểu tình bằng máy bay của Nguyễn Cao Kỳ ảnh 2

Anh Huỳnh Tấn Mẫm (giữa) trong một cuộc biểu tình.

Rượt đuổi như trên màn bạc

Anh Huỳnh Tấn Mẫm từng giữ nhiều chức vụ chủ tịch từ năm 1969 đến 1972. Anh là chủ tịch Ban đại diện sinh viên y khoa, chủ tịch Ban đại diện sinh viên đại học xá Minh Mạng, chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn, chủ tịch Ban Chấp hành lâm thời Tổng hội Sinh viên miền Nam. Khi đất nước thống nhất, anh được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa 6. Năm 1986, anh sáng lập và làm tổng biên tập báo Thanh Niên. Năm 1990, anh chuyển sang công tác tại Hội Chữ thập đỏ TP.HCM. Từ đó đến nay, anh sống hết mình vì các hoạt động từ thiện.

Anh Mẫm nhớ lại: “Ngay khi kết thúc, tôi nhanh chóng rời khỏi khách sạn. Cảnh sát theo dõi đến tận cổng Tổng vụ Thanh niên Phật tử. Bọn chúng tiến thẳng vào trụ sở và cử hàng trăm lính gác đứng chặn khắp các tuyến đường xung quanh. Tưởng rằng không thể thoát, ấy vậy mà cuối cùng tôi cũng có quý nhân giúp đỡ”. Một sinh viên Phật tử Đà Lạt đẩy Mẫm vào phòng mình rồi ra ngoài khóa trái cửa lại giống như không có ai bên trong. Cảnh sát lùng sục khắp nơi không thấy nên bao vây.

Biết tin, chị Nguyễn Thị Yến (thủ quỹ Tổng hội Sinh viên Sài Gòn) đã gọi điện thoại nhờ dân biểu Hồ Ngọc Nhuận giúp. Ông gọi điện thoại cho Kỳ, Kỳ cử hai trung tá đi xe Jeep cùng với dân biểu Nhuận tới giải vây. “Do cảnh sát không dám xét hỏi xe của các sĩ quan quân đội và xe của dân biểu nên đoàn xe này vào được cổng Tổng vụ. Tôi thay áo quân phục lính cộng hòa cùng với vài sinh viên khác lên xe và chạy ra hướng sân bay về tư dinh của Kỳ. Xe cảnh sát đuổi theo bám riết lấy đoàn xe chở tôi. Xe của dân biểu Nhuận đánh lạc hướng, chạy thẳng tới sân bay để thu hút đám cảnh sát. Hai chiếc xe của sĩ quan quân đội chở tôi về chợ Bến Thành. Cảnh sát cũng chia làm hai hướng và rượt đuổi quyết liệt. Chiếc Jeep thứ nhất chở tôi chạy trước, chiếc còn lại làm nhiệm vụ cản đường. Phải mất gần 1 giờ đồng hồ sau đến chợ Bến Thành, tôi nhảy xuống và nhờ các má phong trào che giấu trong các sạp hàng” - anh Mẫm cho biết thêm.

HÀN GIANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm