TỔNG KẾT HIẾN PHÁP 1992

Địa vị pháp lý của HĐND và UBND chưa rõ ràng

Một trong những vấn đề mà hội nghị quan tâm là những hạn chế, bất cập về địa vị pháp lý của HĐND và UBND.

Ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho rằng theo hiến pháp, HĐND và UBND đều được quy định chức năng chấp hành pháp luật tại địa phương, quản lý địa phương theo quy định của pháp luật. Trong đó, HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân địa phương, còn UBND là cơ quan chấp hành của HĐND và là cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương.

Như vậy, quy định này đã tạo ra sự nhận thức không thống nhất về HĐND và UBND. UBND vừa trực thuộc HĐND cùng cấp vừa trực thuộc cơ quan hành chính nhà nước cấp trên. Trong khi đó, mối quan hệ giữa HĐND với các cơ quan cấp trên lại không được xác định cụ thể. Ngoài ra, theo vị này, hiện tính chất của HĐND chưa rõ thuộc nhóm cơ quan thực hiện quyền lực nào, hành pháp hay lập pháp.

“Theo xu hướng hiện hành, UBND dường như đang có xu hướng thuộc hệ thống các cơ quan hành chính. Xu thế này đang có vấn đề không lý giải được là UBND dường như đang tách mình khỏi cơ quan tạo lập ra mình là HĐND - cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương và cũng là cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân” - ông Cao nói thêm.

Cũng theo ông Cao, hiện tổ chức chính quyền địa phương ở nước ta đang xây dựng theo mô hình ba cấp chính quyền hoàn chỉnh (trừ những nơi đang thực hiện thí điểm). Tuy nhiên, HĐND lại là thiết chế còn mang tính hình thức do thiếu sự phân định rõ ràng về khuôn khổ, phạm vi trách nhiệm cũng như phương thức đại diện. “Vì thế, vấn đề ở đây là nên tổ chức mấy cấp chính quyền là phù hợp, hai cấp hay ba cấp như hiện nay” - ông Cao nói.

MAI PHƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm