Dự án luật quản lý nợ công: Địa phương được tự tìm nguồn vay nước ngoài

Các vấn đề được nhiều đại biểu thảo luận là có nên đưa các khoản nợ nước ngoài của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) vào phạm vi điều chỉnh không; phân định thẩm quyền của QH và Chính phủ trong việc quyết định vay nước ngoài ra sao; địa phương có được tự ý ký vay trực tiếp không...

Đối với các khoản vay nợ nước ngoài của DNNN, tại kỳ họp QH trước, một số đại biểu cho rằng nếu không được điều chỉnh trong luật thì sẽ tạo “khoảng trống” pháp lý, có thể khiến các DNNN “vung tay quá trán”... Tuy nhiên, đại diện cho Ủy ban Tài chính-Ngân sách, Phó Chủ nhiệm Trịnh Huy Quách lý giải rằng: Theo quy định của pháp luật, DNNN có quyền tự vay, tự trả nợ, tự chịu trách nhiệm trước các chủ nợ. Nhà nước chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của doanh nghiệp nếu được Chính phủ bảo lãnh vay nên chỉ nội dung này được điều chỉnh trong dự luật.

Theo dự luật, QH chỉ phê duyệt “các chỉ tiêu an toàn về nợ công”, “tổng mức vay, trả nợ của Chính phủ hàng năm cùng với dự toán ngân sách nhà nước”. Các công cụ quản lý nợ khác như “chiến lược nợ dài hạn”, “chương trình quản lý nợ trung hạn, kế hoạch vay và trả nợ Chính phủ hàng năm” sẽ do Chính phủ và Thủ tướng phê duyệt. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận không đồng tình với quy định như vậy. “Nợ quốc gia thuộc ngân sách nhà nước, thẩm quyền quyết định là ở QH. Nếu quy định như vậy thì QH chỉ quyết cái rất chung chung, không có gì rõ ràng nên QH sẽ không nắm được cụ thể. Tại sao lại quy định Chính phủ vừa xây dựng chiến lược nợ lại vừa phê duyệt nó?”- ông Thuận băn khoăn.

Ủy ban Tài chính-Ngân sách cũng cho rằng không nên hạn chế các địa phương trong việc chủ động tìm nguồn vốn vay nước ngoài. Tuy nhiên, để quản lý chặt chẽ thì cần quy định UBND cấp tỉnh có thể tự tìm kiếm, xúc tiến nguồn vay nhưng sau khi tìm được nguồn vay thì phải báo cáo để Chính phủ ký kết thỏa thuận vay. Nghĩa là địa phương phải vay theo hình thức Chính phủ vay về cho vay lại.

Về quy định trách nhiệm cung cấp thông tin trong quản lý nợ công, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Nguyễn Minh Thuyết cho rằng cần phải quy định thật cụ thể: Trường hợp nào thì cung cấp; cung cấp cho ai; đối tượng nào thì được cung cấp đến mức nào; nếu không cung cấp thì bị xử lý ra sao. “Tôi nghĩ rằng cần phải quy định rõ, ví dụ như đại biểu QH thì được quyền yêu cầu cơ quan nào cung cấp, báo chí thì được quyền cung cấp những thông tin gì, theo luật nào chứ nói chung chung thì rất khó” - ông Thuyết kiến nghị.

LÊ KIÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm