Đừng trốn vào tập thể để phủi trách nhiệm

Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn chính là một hình thức giám sát. “Phải xem nó như một cuộc thi vấn đáp giữa tập thể đại biểu Quốc hội (ĐBQH) với lãnh đạo các cơ quan nhà nước. Mà đã là thi thì phải có điểm, có nhận xét chứ không phải cứ kết luận chung chung cho qua chuyện”. TS Vũ Đức Khiển, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH, đã phát biểu như thế tại Hội thảo nâng cao hiệu quả hoạt động chất vấn của QH gắn với triển khai thực hiện Hiến pháp do Văn phòng QH phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức tại Đà Nẵng ngày 22-7.

Chất vấn phải tới cùng

Ông Khiển cho rằng “tư lệnh” ngành phải chịu trách nhiệm cho những sai sót của ngành mình chứ không thể đổ lỗi trách nhiệm cho tập thể khi đăng đàn trả lời chất vấn. “Trốn ở đâu cũng bị phát hiện ra nhưng trốn vào tập thể thì không ai phát hiện ra cả” - TS Khiển ví von.

ĐB Trần Du Lịch, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP.HCM, cũng cho hay đã chất vấn và trả lời chất vấn phải đi đến cùng sự việc và truy cho ra trách nhiệm của bộ trưởng đến đâu. Chứ không thể bộ trưởng nói “tôi xin nhận trách nhiệm” mà lại không rõ trách nhiệm gì và xử lý ra làm sao. Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của QH hiện nay chỉ giống kiểu hỏi đáp.

Theo Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn, để đi đến cùng vấn đề trong chất vấn và trả lời chất vấn thì QH phải để ĐB đặt câu hỏi lại. Tuy nhiên, việc hỏi lại cần phải có lập luận chặt chẽ, đi thẳng vào nội dung không đồng tình. “Các ĐBQH có thể chất vấn nhiều lần về một vấn đề cho đến khi vấn đề đó được xử lý mới chấm dứt” - ông Sơn cho hay.

Bà Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp QH, cũng ủng hộ quan điểm chất vấn đến cùng để quy trách nhiệm mà không nên giới hạn thời gian quá ngắn như hiện nay.

ĐB Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, chất vấn về vấn đề án oan sai. Ảnh: CTV

Nghị quyết phải cột được trách nhiệm

Về hậu chất vấn, theo ông Sơn để tạo chuyển biến cho các lĩnh vực được chất vấn nghị quyết chất vấn và trả lời chất vấn cần đưa ra các mốc thời gian hợp lý, trách nhiệm triển khai đối với từng cơ quan, tổ chức. Đồng thời nghị quyết đó cần quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân nếu không thực hiện nhiệm vụ được giao trong nghị quyết.

TS Khiển cũng cho rằng giám sát sau chất vấn là một vấn đề hệ trọng. “Giám sát là phải như bác sĩ bắt mạch, bấm huyệt. Bắt mạch được bệnh gì là phải xử lý ngay không thể để tới định kỳ mới xử lý. Còn bấm huyệt là để cho “cơ thể” của ngành đó vận động tốt hơn” - ông Khiển nói.

ĐB Lịch cho rằng nghị quyết chất vấn và trả lời chất vấn phải nêu cho rõ “cái nào là trách nhiệm của bộ trưởng, cái nào là trách nhiệm của địa phương và cái nào là trách nhiệm của Thủ tướng” - ông Lịch đề nghị.

Theo ĐB Nga, sau khi chất vấn và trả lời chất vấn thì phải ra nghị quyết và ràng buộc trách nhiệm thực hiện. “Nếu không thì ĐBQH cứ nói mà người được chất vấn làm cứ làm. Ví dụ, trước đây ĐBQH cứ nói nhưng bên tòa, viện, công an làm cứ làm mà chẳng có sự ràng buộc trách nhiệm nào” - bà Nga nói.

TS Đinh Xuân Thảo (Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của QH) cũng dẫn chứng nếu không có giám sát oan sai sau chất vấn thì việc bồi thường cho ông Nguyễn Thanh Chấn không biết khi nào mới được thực hiện.

Ủng hộ ĐBQH dùng hình ảnh, clip để chất vấn

Theo Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn, câu hỏi của các ĐBQH có thể kết hợp với việc trình chiếu hình ảnh, đoạn clip do ĐBQH hoặc PV ghi hình cung cấp. “Đây là vấn đề mà HĐND một số tỉnh, thành đã làm. Tôi hoan nghênh và hy vọng tới đây QH sẽ vận dụng cho phép các ĐBQH trưng các hình ảnh, clip chứng minh cho điều mình nói để truy trách nhiệm đến cùng khi tiến hành chất vấn” - Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn cho hay.

Cùng quan điểm này, bà Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp QH, cho hay bà hoàn toàn ủng hộ việc cho phép các ĐBQH sử dụng hình ảnh, clip để chất vấn các bộ trưởng, người đứng đầu các ngành để tránh tình trạng đôi co không ai phục ai. Bà Nga nói bà cũng đã từng đưa ra ví dụ về một đồng tiền xu bị rỉ sét để chứng minh cho việc không nhất thiết phải làm ra đồng tiền này.

Ông Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp QH, dẫn chứng ĐB Danh Út (Kiên Giang) đã từng phải đôi co với nguyên Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng về việc không khớp nối cầu cho người dân. Chỉ đến khi ĐB Út đưa ảnh ra thì ông Dũng mới phục và vào xử lý ngay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm