E ngại phân hóa mạnh giàu nghèo

Chỉ số tăng giá quá cao, chênh lệch giàu nghèo ngày càng lớn, tốc độ các dự án đầu tư triển khai chậm, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế thấp kém... là những nội dung bức xúc trong phần lớn các phát biểu của đại biểu Quốc hội trong ngày làm việc hôm qua (26-10).

“Nghẹt thở” vì giá leo thang

“Cũng từng ấy tiền thì hồi đầu năm mua được năm lạng thịt, còn bây giờ chỉ mua được ba lạng. Người dân họ đã có ý kiến. Đầu năm ở quán bà Vui bán bún ở Đà Nẵng, ăn tô bún là 10.000 đồng nhưng bữa nay là 14.000 đồng” - Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh kêu. Theo ông, tốc độ tăng giá tuy thấp hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế nhưng dễ dàng nhận thấy hàng loạt hàng hóa thuộc loại nhu yếu phẩm tăng cao, điển hình là thuốc chữa bệnh, thực phẩm.

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Đặng Ngọc Tùng lên tiếng: “Với tình trạng vật giá gia tăng như hiện tại, tăng trưởng kinh tế 8,5% thì tiêu dùng tăng 8,3%. Nếu đồng lương không tăng tương xứng thì rất khó khăn cho người lao động. Nhiều địa phương bảo rằng “trải thảm” mời nhà đầu tư nhưng chúng ta “trải” cái gì cho người lao động ổn định trên đôi chân của mình để làm việc, để cuộc sống được bền vững?”.

Giàu - nghèo phân hóa mạnh

Đại biểu Hoàng Thương Lượng dẫn ra một con số “biết nói”: Tỷ lệ hộ nghèo vùng Tây Bắc là 37,45%; Bắc Trung bộ: 25,51%; Tây Nguyên: 22,95%; Đông Bắc: 21,13%, trong khi đó tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước là 14,7%. Nếu so huyện khó khăn của miền núi với các huyện bình thường ở vùng xuôi thì hộ nghèo nơi miền núi cao gấp mười lần.

Đến từ Hậu Giang, ông Trần Hồng Việt tâm tư: “Tốc độ tăng GDP cao nhưng cùng theo đó chỉ số giá tiêu dùng cũng tăng tương ứng thì dẫn đến phân hóa giàu nghèo ngày càng mạnh hơn. Những thành quả kinh tế đạt được, dù cao nhưng nông dân không hưởng được lợi ích từ thành quả đó thì sự tăng trưởng tôi cho rằng còn tạo thêm tiềm ẩn bất lợi xã hội. Các cuộc đình công của công nhân năm nay gia tăng... Lấy sức lao động của công nhân làm hàng hóa với giá cực rẻ để cạnh tranh, thu hút đầu tư nước ngoài chăng? Số tiền lương mà họ có được không thể nào đủ chi phí nuôi sống bản thân”.

Chánh thanh tra Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Bùi Sỹ Lợi nhìn nhận, tình trạng bất bình đẳng về mặt thu nhập giữa các vùng, các ngành và địa phương là hệ quả của chất lượng lao động thấp và không đồng đều. “Năm nay tỷ lệ hộ nghèo còn 14,7% là số liệu cần phải được xem xét đánh giá lại. Do số hộ nghèo tập trung chủ yếu ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn..., một bộ phận hộ nghèo thực sự không thể tự vươn lên để thoát được nghèo. Nếu Chính phủ không tập trung đầu tư thì mục tiêu năm 2008 giảm số hộ nghèo còn 11-12%, tôi cho là khó khả thi” - ông Lợi nói.

GDP 2008: Phải từ 9%

Không chấp nhận đề nghị của Chính phủ trong việc đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2008 du di 8,5-9%, đại đa số các đại biểu Quốc hội yêu cầu tốc độ tăng trưởng năm sau phải là 9% trở lên. Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, ông Vũ Hoàng Hà kiến nghị: “Chỉ tiêu tăng GDP năm 2008 là phải 8,7-9% nhưng quyết tâm là phải đạt cho được 9%, không phải như trong dự thảo đưa ra là 8,5-9%. Về thu nhập bình quân đầu người, ít ra phải đạt 1.000-1.100 USD, vì năm nay đạt 835 USD rồi, đạt được con số đó mới thoát nghèo”. Ông Hà còn đề nghị Chính phủ không nên đưa ra con số chung chung chỉ số tăng giá (CPI) là thấp hơn GDP. Ông Hà đề xuất chỉ số CPI của năm 2008 phải dưới 8%.

Cũng băn khoăn về chỉ số CPI, ông Trần Hồng Việt kiến nghị: “GDP 9% thì CPI chỉ số giá tiêu dùng chỉ 5,5-6%, phải có con số cố định đó, nó vừa với sức chịu đựng của người ăn lương, của công nhân, của nông dân”.

Ông NGUYỄN BÁ THANH, Bí thư thành ủy Đà Nẵng:

Nhà đất: Sao không dồn một giấy?

Từ khi thi hành Luật Đất đai năm 1993 sửa đổi đến nay cũng tròn 15 năm. Những vấn đề “sổ hồng”, “sổ đỏ” chưa đâu vào đâu nên dự định đến năm 2008 làm xong là việc không tưởng. Có người còn định soạn ra thêm... “sổ xanh” nữa. Thôi thì ta dồn một sổ đi! Việc này tôi cho là việc của nhà nước chứ không phải do người dân có nhu cầu đâu, nhà nước muốn quản lý đất đai tốt thì đứng ra làm và làm giản tiện bớt đi, không để các ngành làm, ngành nào cũng muốn “ôm”.

Ông ĐẶNG NGỌC TÙNG, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam:

Làm nhiều, thiếu chỗ vui chơi

Trên 60% công nhân trong các khu chế xuất và khu công nghiệp ở Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM là những người xa nhà, phải ở thuê. Điều kiện sống khó khăn nhưng lại không có nơi sinh hoạt văn hóa, giải trí tinh thần. Các khu chế xuất và các khu công nghiệp toàn là các nhà máy, không có quy hoạch khu nhà ở, không có quy hoạch các nhà văn hóa, nhà lao động, không có những nơi vui chơi, giải trí cho những người lao động.

Chúng ta cứ nghĩ rằng làm việc cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là lương cao. Nghe lương tối thiểu hơn 900.000 đồng/tháng, ngon quá trời nhưng thu nhập thực tế của người lao động lại rất thấp, thấp vì toàn bộ các doanh nghiệp này trả lương chỉ dựa vào lương tối thiểu mà nhà nước quy định.

Ông CHU SƠN HÀ, đại biểu tỉnh Hà Tây:

Quy hoạch “đá” nhau

Chính phủ chỉ đạo công tác quy hoạch chưa kiên quyết... Lại cá biệt có chuyện quy hoạch của trung ương, của địa phương không thống nhất. Ví dụ như Khu công nghiệp An Khánh của tỉnh Hà Tây và khu công nghiệp nằm dọc theo đường Láng -Hòa Lạc. Khi thực hiện dự án mở rộng tuyến đường Láng -Hòa Lạc, trụ sở làm việc của Ban quản lý Khu công nghiệp Bắc Phú Cát vừa xây dựng xong đã phải tháo dỡ, rồi nhiều doanh nghiệp phải tháo dỡ di chuyển nhiều nhà xưởng và các thiết bị sản xuất, trong đó có những doanh nghiệp tài sản hữu hình lên đến 10 tỷ đồng...

LÊ KIÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm