Gần tháng nữa họp, vẫn chưa thấy 'bóng dáng' Luật Biểu tình

Gần tháng nữa họp, vẫn chưa thấy 'bóng dáng' Luật Biểu tình ảnh 1
Tổng thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc cho biết kỳ họp thứ 11 sẽ diễn ra từ  ngày 21-3 đến 9-4-2016

Theo đó, các đại biểu băn khoăn, chưa đầy một tháng nữa kỳ họp thứ 11 sẽ diễn ra nhưng nội dung của Luật Biểu tình vẫn chưa được phía Chính phủ đưa vào chương trình làm việc và điều này sẽ ảnh hưởng đến chương trình lập pháp của Quốc hội…
Trình bày tờ trình về việc chuẩn bị kỳ họp 11 của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: Dự kiến kỳ họp sẽ diễn ra từ ngày 21-3 đến 9-4 tới. Nội dung kỳ họp chủ yếu tập trung cho công tác tổng kết nhiệm kỳ khóa XIII; xem xét, thông qua bảy dự án luật đồng thời cho ý kiến về dự án Luật Biểu tình.
“Đối với bảy dự án trình Quốc hội xem xét, thông qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về bốn dự án luật tại phiên họp thứ 44, trong đó có ba dự án luật được gửi xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội, ba dự án luật còn lại vừa được thông qua tại phiên họp này (phiên 45). Riêng dự án Luật Biểu tình theo dự kiến sẽ trình Quốc hội cho ý kiến, UBTVQH sẽ cho ý kiến tại phiên họp thứ 46 (tháng 3-2016)” - ông Phúc nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh Nguyễn Kim Khoa cho hay đến giờ Chính phủ vẫn chưa có chương trình xem xét dự án Luật Biểu tình

Trước khối lượng công việc khá lớn, nhiều ý kiến tỏ ra lo lắng sợ tiến độ công việc đề ra trong dự thảo chương trình kỳ họp 11 không đảm bảo chất lượng, tiến độ, đặc biệt là Luật Biểu tình. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh Nguyễn Kim Khoa cho hay hiện ủy ban này đã lên kế hoạch thẩm tra sơ bộ và thẩm tra chính thức dự án Luật Biểu tình, tuy nhiên đến nay Chính phủ chưa có chương trình xem xét dự án luật này.
"Nếu trong tháng này Chính phủ không có chương trình xem xét dự án luật này thì không thể nào làm được, bởi đây là một dự án luật rất nhạy cảm. Nếu Chính phủ không có kế hoạch xem xét trong tháng này thì cũng đề nghị dừng lại, chứ không làm vội vàng, không đảm bảo yêu cầu. Cái đó sẽ báo cáo Quốc hội” - ông Khoa nói.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cũng nêu quan điểm: “Tôi rất lo chất lượng của kỳ họp, chúng ta quyết định chương trình phải căn cứ vào mức độ chuẩn bị, căn cứ vào cái có trong tay. Nhiều cái vào ta đây bàn nhưng chưa có gì trong tay cả”.
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu khẳng định: “Kỳ họp 11 là kỳ họp tổng kết, làm một số việc cần thiết. Ta đã đồng ý Luật Biểu tình vẫn phải đảm bảo tinh thần này, Bộ Chính trị đã đồng ý và UBTVQH cũng quyết rồi”. Theo đó, ông Lưu đề nghị nên giữ như kế hoạch là kỳ họp 11 sẽ cho ý kiến về dự án Luật Biểu tình.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội đã có ý kiến nên không có lý do gì không nghe. “Việc chuẩn bị chưa xong thì tiếp tục phối hợp giữa các bên để thực hiện đúng nội dung chương trình như kết luận của chủ tịch Quốc hội tại đầu phiên họp 45 của UBTVQH” - bà Tòng Thị Phóng nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm