KỶ NIỆM 83 NĂM NGÀY THÀNH LẬP ĐẢNG (3-2-1930 - 3-2-2013)

Gặp lại người “xé luật, phá rào”

Gặp lại người “xé luật, phá rào” ảnh 1

Ông Mười Thơ - Ảnh: Q.Việt

Ông là người từng trực tiếp đi cứu đói dân thời khó khăn.

Đang vật vã chống chọi căn bệnh ung thư ở tuổi 88, nhưng ông Nguyễn Thành Thơ (tức Mười Thơ) vẫn nhớ mồn một, thậm chí từng chi tiết những chuyện xảy ra cách đây hàng chục năm.

Những điều trông thấy

Ông Mười Thơ đau đáu kể mình từng là chứng nhân của nhiều nạn đói kém, từ nạn đói khủng khiếp năm 1945 đến các đợt đói hụt bữa rải rác thời kỳ kháng chiến. Nhưng trận đói Thanh Nghệ Tĩnh (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh) hồi đầu thập niên 1980 vẫn ám ảnh ông mãi, vì chính ông là người đã được trung ương cử đi xem xét, cứu đói. Ông đi cứu đói, được ăn cơm chế độ công vụ mà nghẹn ngào không nuốt nổi khi nhìn cảnh bà con phải ăn cả lá khoai mì, rễ rau má cầm hơi...

Lần giở lại những tấm ảnh ố màu thời gian, ông Mười Thơ bùi ngùi nói: “Một hôm, Ban Bí thư kêu tôi đến, cho biết tình hình nhân dân Thanh Hóa, Nghệ An đói rất dữ. Nhân dân Bình Trị Thiên cũng đói nhưng ở mức thấp hơn”. Ông kể khi nhận nhiệm vụ đi xem xét, cứu đói cho đồng bào, chính người bạn Trần Bạch Đằng lúc đó đang học ở Hà Nội cũng lo cho ông.

Đêm trước hôm đi, ông Trần Bạch Đằng thức với bạn đến 3g sáng, nói những lời thẳng bụng như hồi còn nằm bưng kháng chiến: “Bao Công được vua giao đi cứu đói, có lệnh tiễn. Các quan phải quỳ, bảo mở kho cứu đói, họ thi hành răm rắp. Còn mày đi cứu đói không có gì thì làm sao làm được?”. Thấy bạn lo cho mình, ông Mười Thơ cười nhưng trong bụng cũng rất căng thẳng.

Về đến Thanh Hóa, ông Mười Thơ xuống ngay với dân. Đến giờ, nhiều năm đã trôi qua, ông vẫn không thể quên được những gì mình nhìn thấy. Trong một gia đình mà ông đi từ đầu nhà ra sau bếp không thể tìm thấy thức gì có thể bỏ vào miệng được. Người con trai run run thắp nén hương cho cha mới mất, rồi nghẹn ngào tâm sự: “Bố tôi trăng trối rằng trước sau gì thì ông cũng chết, chỉ thương đám con cháu đang chịu cảnh đói khát”.

Buổi tối đó, ông Mười Thơ không thể ăn cơm. Mỗi lần ông nuốt lại nghẹn ở cổ. Ông hỏi thẳng địa phương có gạo dự trữ để chia sẻ cho dân không. Họ gọi điện thoại một lát, rồi trả lời: “Chỉ có dự trữ đủ cho cán bộ, nhân viên cơ quan nhà nước ăn thôi”.

Các ngày sau, ông tiếp tục đi xuống dân và gặp nhiều tình cảnh đói đến thắt lòng. Có nhà một bà cụ từ trước đến sau chỉ thấy thúng lá cây mà chính ông cả đời nằm rừng, lang thang khắp bưng biền kháng chiến cũng không hiểu nó có ăn được hay không. Có nhà, người già và phụ nữ mang thai, trẻ em nheo nhóc cả chục đứa nhưng trong bếp chỉ còn một, hai củ khoai lăn lóc. Có phụ nữ đang kỳ cho con bú vẫn phải nhường khoai cho chồng ăn để có sức đi làm. Đến lúc đói quá, người phụ nữ này xỉu luôn trên chõng tre, mặc đứa bé ngằn ngặt khóc day vú mẹ.

Ông Mười Thơ ngược lên các huyện miền núi. Ở Con Cuông, Nghệ An, tình trạng đói cũng trầm trọng. Tuy nhiên, dân rừng còn đào củ này củ nọ. Ở đồng bằng, cái đói gay gắt, dữ dội hơn. Ông ra chợ gần ga xe lửa, thấy có người tranh nhau mua được vài lon “nhảy dù” (gạo lậu). Lúc đong gạo bán, bị rớt ra vài hột, người ta lại tranh nhau nhặt. Gạo lẫn trong đất, lẫn cả mồ hôi, nước mắt người đói!

Gặp lại người “xé luật, phá rào” ảnh 2

Ông Mười Thơ (đứng giữa) trong một lần đi thăm sản xuất ở Thanh Hóa sau nạn đói - Ảnh do nhân vật cung cấp

“Tôi chỉ biết làm sao cho dân hết đói”

Ông Mười Thơ kể chính hình ảnh hạt gạo “nhảy dù” được lén lút đong bán ngoài chợ đã làm ông lóe lên suy nghĩ: “Thực tế đâu phải nơi nào cũng thiếu gạo. Nơi này thất mùa thì cũng có nơi kia trúng. Vấn đề ở chỗ hạt gạo bị ngăn sông cấm chợ, nơi thừa không đến được nơi thiếu thôi”. Tuy nhiên, chính nhận thức này đã làm ông bị “bầm giập”.

Nhiều báo cáo chính thức chỉ nói nguyên nhân đói thất mùa, giáp hạt, tránh hết nguyên nhân do cơ chế làm tắc nghẽn lưu thông. Riêng ông thì phân tích thẳng: một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến nạn đói là hạt gạo bị cản đường, không ra chợ, không đến được người cần. Nơi thừa gạo không biết bán cho ai, nơi thì đói mà không kiếm đâu ra được hạt gạo để ăn. Một số cán bộ từ địa phương đến trung ương chỉ trích ông dữ dội vì dám động vào vấn đề cơ chế, chính sách. Ông trả lời ngắn gọn: “Tôi được phân công đi cứu đói. Tôi chỉ biết nhiệm vụ làm sao cho dân hết đói. Nếu có gì sai, mình tôi chịu trách nhiệm”.

Từ nhận thức của mình, ông Mười Thơ triệu tập các cuộc họp để lắng nghe lòng dân, đồng thời thông báo ban cứu đói sẽ mua gạo từ miền Nam ra phân phối cho đồng bào. Ai có tiền thì chuẩn bị. Ai có hàng hóa đan lát gì thì gửi xe tải vào Nam bán để lấy tiền đong gạo. Rồi ông gọi điện cho bí thư huyện Bình Chánh (TP.HCM) chuẩn bị tập kết gạo để xe của ban cứu đói vào lấy.

Vài ngày sau, đoàn xe tải đầu tiên vào đến Bình Chánh. Họ gọi điện báo cho ông Mười Thơ vẫn đang túc trực ở Thanh Hóa rằng TP.HCM đã chuẩn bị gạo rồi, chỉ còn lo các trạm kiểm soát trên đường đi thôi. Ông Mười Thơ nhấn mạnh: “Cứ nói rõ ràng đây là gạo cứu đói của trung ương cho đồng bào Thanh Nghệ Tĩnh. Nếu ai làm khó dễ gì, tôi sẽ đến thẳng đó”.

Ít ngày sau, gạo miền Nam đã đến được với người đói. Ban cứu đói vui như hội. Các đoàn xe tải quay vòng liên tục, kể cả xe lửa cũng được chở. Sau vài tuần, nạn đói dịu xuống, nhưng lúc này lại xuất hiện một ý kiến cứng nhắc: chỉ cho mỗi hộ mua tối đa 1 tạ gạo để đề phòng “đầu cơ”. Là người sâu sát, hiểu rõ nhu cầu thực tế đồng bào, ông Mười Thơ buồn lắm. Ông nghĩ mãi mới tìm ra cách lách quy định này: “Bà con mua gạo xong cứ im lặng vác về nhà rồi quay ra mua tiếp”. Vậy là nhiều nhà đã “quay vòng” mua được vài tạ gạo, con cái được cầm chén cơm mà mừng đến phát khóc.

Cái gì lợi cho dân thì làm!

Sau lần cứu đói Thanh Nghệ Tĩnh này, ông Mười Thơ về phụ trách Hội Nông dân VN. Đây cũng là dịp để ông tìm hiểu, giúp đỡ đời sống người dân các vùng miền đang gặp khó khăn. Đến đâu ông cũng hỏi thẳng vào lòng dạ người dân. Và ông luôn nghĩ ra nhiều cách giúp dân, trong đó có cả những cách không đúng quy định lúc đó.

Nhiều cán bộ địa phương đi theo rất cảm ơn ông chuyện này, nhưng không ít người khó chịu, thậm chí lặng lẽ làm báo cáo về ông. Họ nói cán bộ trung ương gì mà cứ hay hỏi dân những câu “nhạy cảm”, cứ đòi “xé luật, phá rào” này nọ. Ông Mười Thơ biết hết nhưng vẫn quyết tâm làm. Đi kháng chiến từ nhỏ, đến nay đã 88 tuổi, ông trải thăng trầm nhiều chức vụ, công việc khác nhau. Thời gian và sự gần dân đã đủ để ông nghiệm thấu xương tủy câu nói cái gì lợi cho dân, được lòng dân thì làm.

Chiều cuối năm, ngồi tâm sự chuyện đời, chuyện người, ông Mười Thơ rất mệt nhưng vẫn không muốn nghỉ. Ông kể ngày trước hai con ông chảy cả máu đầu vì giành nhau chén cơm trắng. Bạn thân ông thiếu ăn, đến đá cửa nhà ông hỏi: “Mười Thơ, gạo đâu mà ăn mày?”. Ông phải đem bao gạo chế độ của vợ con ra chia cho bạn. Đến giờ, ông đọc báo thấy con em mình không có cơm ăn mà buồn lắm. Thời khó khăn còn san sẻ, đùm bọc nhau được. Thời kỳ gạo thừa này mà để tình trạng đó xảy ra thì đau xót quá!

Theo QUỐC VIỆT (TTO)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm