Giá lúa và chuyện “đến hẹn lại… la”

Dường như năm nào, mùa nào cũng vậy, trúng mùa thì thất giá, thất mùa thì được giá. Trúng mùa, trái cây đầy vườn, lúa đầy đồng nhưng hàng dội chợ, giá cả sụt giảm thê thảm, nông dân than trời. Còn thất mùa, sản lượng ít, nhu cầu tăng, được giá, dân mừng rơn, “ca hát om sòm”!

Chuyện giá lúa dường như loay hoay năm nào cũng bàn. Từ chuyện thu mua, tạm trữ đến chuyện giá thành, chuyện bán phá giá…đủ thứ. Nhưng ai bán phá giá? Chỉ có doanh nghiệp mua lúa giá thấp mới bán phá giá chứ doanh nghiệp mua lúa giá có lợi cho nông dân thì làm sao bán phá giá!

Trong các cuộc họp, có lúc người ta nói phải mua thấp nhất 4.500 đồng/kg lúa, lúc lại bảo giá bảo hiểm thấp nhất là 4.000 đồng/kg. Nhưng không có đơn vị nào định ra giá thành hạt lúa giờ nó trượt đến đâu theo giá đầu vào đầu tư cho cây lúa. Cứ ước ước mà nói. Đầu năm ai cũng nói tình hình xuất khẩu khả quan, đến khi dân la làng lên thì ngồi lại bàn chuyện hợp đồng, chuyện tạm trữ.

Lãnh đạo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) trấn an dân rằng lúa sẽ tăng giá, cứ tạm trữ đó chờ giá. Chờ sao được! Gặt lúa xong phải trả nợ vay ngân hàng, trả nhân công, trả vật tư nông nghiệp mua trước trả sau... Trữ lúa chỉ đối với nông dân ít đất, còn với người nhiều đến vài chục công thì chỗ đâu chứa. Nhà khá giả còn vay tiền trả nhân công được, nhà nghèo, đủ ăn thì không thể vay nợ tiếp để neo lúa chờ đó kiểu “cám treo, heo nhịn đói” được. Thế là họ bấm bụng bán đổ bán tháo lo thân mình.

Không ít người đặt vấn đề, một năm có hai vụ chính là hè thu và đông xuân, thế tại sao trước mỗi vụ VFA không lên kế hoạch cụ thể về hợp đồng xuất khẩu đến đâu, bao nhiêu, dự kiến mua trữ thế nào, thiếu thừa ra sao so với lượng lúa sản xuất, qua đó mà tìm kiếm thêm thị trường, hay chuẩn bị tư thế hỗ trợ nông dân khi vào vụ lúa sụt giá. “Nước đến mũi mới nhảy chứ không phải nước đến chân” - như lời một giảng viên đại học ví von chuyện mua lúa gạo xuất khẩu.

Hàng triệu nông dân đồng bằng sông Cửu Long cứ mỗi giạ lúa họ mất đi vài ngàn đồng thôi thì ở vụ đông xuân này họ mất một khoản tiền không nhỏ. Đằng sau chuyện thu nhập của nông dân có cả bài toán kích cầu cho hàng loạt mặt hàng tiêu dùng, hàng công nghiệp khác ở vùng đất 17 triệu dân này. Với câu chuyện giá lúa, việc đáng bàn bây giờ có lẽ là một cách làm bài bản, khoa học để làm chiến lược chứ không phải “đến hẹn lại lên” ngồi lại xử lý vụ việc.

NGUYÊN VẸN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm