ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI ĐỀ NGHỊ

Giám sát việc luật chờ nghi định

Theo đề xuất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, năm 2010, chương trình giám sát tối cao của Quốc hội tập trung vào hai nội dung: giáo dục cao đẳng, đại học, sau đại học và việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực liên quan trực tiếp đến công dân và doanh nghiệp.

Tại phiên thảo luận tổ hôm qua, các đại biểu đều nhất trí với nội dung giám sát thứ nhất. Tuy nhiên, với nội dung thứ hai, nhiều đại biểu đã đề xuất một chương trình thay thế. Một số đại biểu cho rằng cần phải giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) hướng dẫn việc thi hành luật, pháp lệnh. Một số khác kiến nghị cần giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Văn bản ban hành chậm, sai trái nhiều

Đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) nêu con số, hiện có khoảng 300 nội dung trong luật và pháp lệnh chưa được hướng dẫn thi hành. Đây là tình trạng tồn tại phổ biến, kéo dài nhiều năm nay: luật có hiệu lực nhưng chưa triển khai được trên thực tế do thiếu nghị định, thông tư hướng dẫn.

Giám sát việc luật chờ nghi định ảnh 1

Tăng mức phạt vi phạm giao thông ở Hà Nội và TP.HCM là một trong những văn bản bị Bộ Tư pháp “thổi còi”. Trong ảnh: CSGT TP.HCM lập biên bản xử lý vi phạm. Ảnh: HTD

Đại biểu Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) bổ sung một thực tế khác, mỗi năm có hàng ngàn văn bản, quy định ra đời, trong số này có rất nhiều văn bản, quy định sai trái, không phù hợp, thiếu tính khả thi.

“Có những nội dung khi trình ra Quốc hội không nhận được sự đồng ý nhưng sau đó các bộ, ngành lại hợp thức hóa bằng cách đưa vào các nghị định, thông tư hướng dẫn của Chính phủ, của bộ” - ông Quyền nói. Theo ông Quyền, nhiều địa phương cũng đã ban hành các văn bản không hợp lý, liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người dân, nhất là trong lĩnh vực phí, lệ phí...

Xuất phát từ thực tế trên, cả ông Minh và ông Quyền đều đề nghị cần giám sát việc ban hành các VBQPPL hướng dẫn việc thi hành luật, pháp lệnh. Đồng tình, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội) kiến nghị thêm, từ năm 2010, đề nghị Chính phủ có báo cáo định kỳ trước Quốc hội về việc này.

Gay gắt hơn, đại biểu Ngô Văn Minh còn đề xuất chế tài: “Nếu “ông” nào nợ hướng dẫn thì đề nghị Quốc hội không xem xét thông qua dự án luật mà “ông” đó soạn thảo”.

Giải quyết khiếu nại: “Đá bóng” trách nhiệm

Cạnh đó, nhiều đại biểu khác kiến nghị chương trình năm 2010 nên tập trung giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong nhân dân.

“Chính phủ nói tỷ lệ giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của người dân đạt 84% nhưng thực tế không phải vậy. Có những vụ việc kéo dài cả chục năm không thể giải quyết được. Có những vụ đồng chí này quyết thì đồng chí khác lại bác. Nhiều vụ trên nói nhưng dưới không chịu thực hiện. Thậm chí có vụ Thủ tướng Chính phủ quyết, chỉ đạo rồi nhưng cấp dưới không chấp hành...” - đại biểu Nguyễn Văn Lưu (Cà Mau) bức xúc.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi nêu một thực tế: Khi trả lời đơn thư của người dân, các bộ, ngành, địa phương thường “đá bóng” qua nhau. Bộ thì nói thẩm quyền giải quyết ở dưới địa phương, địa phương thì đẩy lên bộ, ngành này thì chuyển ngành kia, ủy ban A nói chuyển sang ủy ban B. Thậm chí có chuyện ủy ban này giải quyết một đường, ủy ban kia giải quyết một nẻo... “Xin nói thật với các đồng chí là rất khổ dân” - ông Lợi chua xót.

Theo ông Lợi, đây chính là vấn đề bức xúc nhất của người dân hiện nay. Ông đề xuất nên giao cho Ban Dân nguyện làm đầu mối chủ trì xem xét, phối hợp với các ủy ban để giải quyết vấn đề này.

Bổ sung thêm, đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) kiến nghị Quốc hội nên lựa chọn tập trung giám sát cụ thể một số vụ khiếu kiện kéo dài của dân để có biện pháp xử lý.
“TP.HCM có những vụ khiếu nại kéo dài nhiều năm mà không có cách giải quyết. Chúng tôi đã đề nghị cùng Ủy ban Pháp luật tham gia giám sát nhưng chưa được quan tâm...” - ông Lịch cho biết.

Quy định bị tuýt còi không hiếm

- Năm 2008, dư luận xôn xao trước quy định “thấp bé, nhẹ cân, ngực lép” không được điều khiển xe máy trên 50 cc; học sinh, sinh viên các trường nghệ thuật không được biểu diễn ở các quán bar, vũ trường; muốn được tham gia kinh doanh vận tải hành khách thì phải chuyển đổi sở hữu...

Cục Kiểm tra VBQPPL (Bộ Tư pháp) sau đó vào cuộc, khẳng định những văn bản nói trên là sai trái, đã hạn chế quyền hiến định của công dân, đồng thời yêu cầu cơ quan ban hành phải thu hồi, hủy bỏ, ngừng ban hành những quy định nói trên.

- Năm 2009, Bộ Tư pháp tiếp tục bận rộn với việc “thổi còi” hàng loạt văn bản của các bộ, ngành, địa phương như đề xuất tăng mức phạt vi phạm giao thông ở Hà Nội và TP.HCM của Bộ Giao thông Vận tải; văn bản quy định cấm quảng cáo bên mặt ngoài xe buýt của UBND TP.HCM...

ĐỨC MINH - THÀNH VĂN

dotung

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm