Hà Nội: Phản đối “dời đô” và trục Thăng Long

Chiều 20-8, lãnh đạo Sở Quy hoạch-Kiến trúc TP Hà Nội cho biết UBND TP Hà Nội vừa có báo cáo gửi Thủ tướng và Bộ Xây dựng, trong đó có góp ý quan trọng: Không dời trung tâm hành chính quốc gia lên Ba Vì và không làm trục Thăng Long (nay được đổi tên là trục Hồ Tây-Ba Vì). Đây cũng là những nội dung có nhiều ý kiến trái chiều nhất trong Đồ án quy hoạch chung Hà Nội mở rộng.

Ba Vì không đủ điều kiện về mọi mặt

Theo UBND TP Hà Nội, trung tâm chính trị-hành chính quốc gia luôn là chỉnh thể thống nhất không thể tách rời. Khu vực Ba Đình luôn là trung tâm chính trị-hành chính quốc gia hoặc hành chính qua các thời kỳ lịch sử của đất nước. Ba Đình luôn là vị trí được xác định là vị trí để đặt trụ sở của các cơ quan trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ.

Lý do cụ thể được TP đưa ra là: Về mặt không gian, Ba Vì không đủ các điều kiện thuận lợi về khí hậu, lịch sử, truyền thống. Mặt khác, ở đây không có khả năng tiếp cận với các loại hình giao thông, không có khả năng kết nối với các vùng xung quanh và không có khả năng gắn với một đô thị hành chính. Ngoài ra, nếu đặt trung tâm hành chính quốc gia ở đây còn ảnh hưởng đến vùng sinh thái tự nhiên đặc biệt của quốc gia và của Hà Nội. Hơn nữa, việc xây dựng trung tâm hành chính quốc gia mới tại Ba Vì sẽ phải đầu tư mới toàn bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật để đảm bảo mối liên hệ với Trung tâm Ba Đình và các vùng trong cả nước. Như vậy sẽ không phù hợp với điều kiện kinh tế của đất nước.

Hà Nội: Phản đối “dời đô” và trục Thăng Long ảnh 1

Quy hoạch Hà Nội được người dân quan tâm. Ảnh: HOÀNG VÂN

Theo UBND TP, hiện có hai khu vực đáp ứng yêu cầu xây dựng trụ sở cơ quan bộ ngành là tây Hồ Tây và khu vực Mỹ Đình-Mễ Trì. Ở đây đủ điều kiện theo các tiêu chí: có đủ quỹ đất; dễ liên kết với nơi làm việc của Chính phủ và trung tâm chính trị Ba Đình; dễ dàng tiếp cận với các loại hình giao thông, đặc biệt là giao thông công cộng.

Trục Thăng Long - lãng phí

UBND TP khẳng định khi không xây dựng trung tâm hành chính quốc gia tại Ba Vì thì việc xây dựng trục Thăng Long (nay là trục Hồ Tây-Ba Vì) không có ý nghĩa về công năng và về kinh tế - chính trị - xã hội. Mặt khác, giao thông nối trung tâm thủ đô với phía tây của thành phố có năm tuyến đường. Như vậy đã đảm bảo nhu cầu giao thông giữa thành phố trung tâm và các đô thị vệ tinh phía tây TP.

Nếu trục Hồ Tây-Ba Vì được hình thành như đề xuất sẽ có nguy cơ không chỉ phá vỡ hành lang xanh mà còn tạo cơ hội cho sự ra đời các đô thị bám hai bên trục. Mặt khác, sẽ phải di dời nhiều khu vực làng xóm. Một số khu vực hiện đã dày đặc các dự án và đang được đầu tư xây dựng. Hơn nữa, trong điều kiện kinh tế hiện nay cần phải huy động kinh phí để đầu tư phát triển đồng thời nhiều công trình trọng điểm thiết thực khác của thủ đô. Với những lý do trên thì không cần thiết phải tạo lập một tuyến giao thông có quy mô lớn như đề xuất của tư vấn.

Theo lãnh đạo Sở Quy hoạch-Kiến trúc TP, những góp ý này sẽ được mổ xẻ tại phiên họp vào cuối tháng 8 của Hội đồng thẩm định nhà nước, trong đó chủ tịch UBND TP Hà Nội là phó chủ tịch hội đồng này. Sau đó, nếu có chỉnh sửa đồ án thì các bên tư vấn và Bộ Xây dựng sẽ hiệu chỉnh rồi trình Thủ tướng.

Về ý kiến của UBND TP Hà Nội, chiều 20-8, ông Lưu Đức Hải - Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) cho biết: “Không có việc dời trung tâm hành chính quốc gia lên Ba Vì. Điều này đã được Bộ Xây dựng khẳng định”.

Ba Vì hoàn toàn đáp ứng được các điều kiện để quy hoạch là nơi làm việc của các cơ quan hành chính trong tương lai. Trong ý tưởng quy hoạch chung lần này Ba Vì chỉ nơi dự trữ xây dựng một số cơ quan của Chính phủ theo tầm nhìn đến năm 2050…

Việc dành quỹ đất dự trữ là cần thiết, tương tự như việc quy hoạch dành đất cho các công trình công cộng, y tế, giáo dục, thương mại, dịch vụ… phải được nêu trong quy hoạch dài hạn. Đây là đề xuất về tầm nhìn, cần phải có trong một đồ án quy hoạch chung...

(Trích Báo cáo bổ sung của Chính phủ về đồ án quy hoạch chung Hà Nội, được bộ trưởng Bộ Xây dựng trình bày trước Quốc hội sáng 15-6)

HOÀNG VÂN - THÀNH VĂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm