Hai ứng viên cho một ghế

Sự thay da đổi thịt để làm mới mình của Quốc hội nước ta trong hai mươi năm qua được minh chứng bằng những quan điểm tiến bộ đi cùng những sự kiện trở thành dấu ấn làm thay đổi lề lối hoạt động nơi nghị trường.

Nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội (QH) Mai Thúc Lân gợi ý: “Đổi mới QH nên bắt đầu từ sự kiện bầu Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng (HĐBT) có hai ứng cử viên. Sự kiện này đặc biệt lắm, có nhiều chuyện để nói lắm đấy”.

“Bản lĩnh anh Linh”

Cuộc bầu cử diễn ra trong thời điểm nền kinh tế nước ta đang bên bờ vực khủng hoảng, xuất phát từ ảnh hưởng của việc Liên Xô và hệ thống XHCN Đông Âu đang rệu rã. Lúc đó, Trung ương Đảng giới thiệu ông Đỗ Mười ứng cử vào vị trí này. Nhưng khi đưa ra QH, có tới 33 đoàn đại biểu giới thiệu thêm ông Võ Văn Kiệt.

Người nhớ rõ việc này đến từng chi tiết là ông Vũ Mão, khi đó là Chủ nhiệm Văn phòng QH và Hội đồng nhà nước (HĐNN). Ông nhớ lại: “Anh Hai Phạm Hùng mất, theo quy trình thì Trung ương Đảng họp, chuẩn bị nhân sự để giới thiệu QH bầu Chủ tịch HĐBT. Anh Đỗ Mười được Trung ương chọn làm ứng cử viên duy nhất. Khi đó, anh Mười đang là ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư. Như các lần trước, bầu chức danh lãnh đạo chủ chốt thì Trung ương giới thiệu một người, QH không giới thiệu thêm và người được đề cử luôn đạt số phiếu tín nhiệm gần như là tuyệt đối. Nhưng lần này, khi thăm dò ý kiến các Đoàn ĐBQH thì có tới 33/47 đoàn giới thiệu anh Sáu Dân (Võ Văn Kiệt), bốn đoàn giới thiệu anh Văn (đại tướng Võ Nguyên Giáp), một đoàn giới thiệu anh Nguyễn Cơ Thạch. Đây là một tình huống vô cùng mới mẻ trong công tác nhân sự, chưa từng có trong tiền lệ nước ta và cả các nước XHCN lúc bấy giờ. Không ít người cảm thấy lúng túng, bối rối.

Trước tình huống như thế, tôi tổng hợp ý kiến đại biểu QH để báo cáo những người có trách nhiệm. Tôi đến gặp các anh Võ Chí Công (lúc đó là Chủ tịch HĐNN), Lê Quang Đạo (Chủ tịch QH), cùng các Phó Chủ tịch HĐNN là anh Nguyễn Hữu Thọ, Đàm Quang Trung, Nguyễn Quyết và chị Nguyễn Thị Bình. Các anh chị đều không bất ngờ trước tình huống này và đều ủng hộ ý kiến của các đại biểu QH. Nhưng cần phải xin ý kiến Trung ương Đảng. Tình hình gấp gáp, không còn thời gian để Trung ương triệu tập cuộc họp được. Đảng đoàn QH báo cáo Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. Anh Linh nhất trí đưa vấn đề này ra Bộ Chính trị thảo luận. Sau đó, chính anh Linh là người quyết định để hai ứng cử viên là anh Đỗ Mười và anh Sáu Dân để QH bầu Chủ tịch HĐBT”.

Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (bìa trái) nói chuyện với các đại biểu QH.
Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (bìa trái) nói chuyện với các đại biểu QH.

“Đây là một sự kiện đặc biệt, phản ánh không khí dân chủ thực sự trong công tác nhân sự của QH. Nhưng phải nói rằng chỉ có bản lĩnh anh Nguyễn Văn Linh mới làm được điều đó, vì sự việc nó mới quá” - nguyên Phó Chủ tịch Mai Thúc Lân nhận xét. Đồng chí Vũ Mão tiếp lời: “Lúc đó anh Linh chỉ cần nói “Không, Trung ương đã quyết định một ứng cử viên, đề nghị QH cứ thế mà làm” thì chắc QH cũng sẽ thôi. Nhưng anh Linh tôn trọng ý kiến các đại biểu QH và ủng hộ xu thế dân chủ đó. Không phải anh Linh, chắc người khác không làm được”.

Nguyên Chủ tịch QH Nguyễn Văn An kể thêm: “Anh Linh và anh Sáu Dân là bạn chiến đấu. Nhưng ai đó cho rằng anh Linh quyết định như vậy có phần vì tình cảm cá nhân là không đúng. Ngoài đời, không phải chuyện gì anh Linh cũng ưng anh Sáu Dân đâu. Nhưng đứng trước tình huống này, anh Linh thuyết phục Bộ Chính trị quyết định như thế là cực kỳ cao cả, thể hiện con người quyết đoán của anh”.

Sôi nổi ở nghị trường

Khi Bộ Chính trị họp bàn về việc này, ông Võ Văn Kiệt lúc đó là Quyền Chủ tịch HĐBT, đi công tác vắng. Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh phân công Chủ tịch QH Lê Quang Đạo trực tiếp gặp ông Võ Văn Kiệt truyền đạt ý kiến của đại biểu QH và quyết định của Bộ Chính trị. Lúc đầu ông Kiệt xin rút. “Sau đó anh Linh nói là Bộ Chính trị đã quyết định như vậy rồi, đề nghị đồng chí Võ Văn Kiệt chấp hành. Lúc này, anh Kiệt chấp nhận” - nguyên Phó Chủ tịch QH Mai Thúc Lân kể.

Trước giờ bỏ phiếu, Hội trường Ba Đình nóng lên. Các đại biểu QH phát biểu, tranh luận gay gắt. “Không khí ấy mặc dù thời gian đã qua gần ba mươi năm nhưng vẫn còn nguyên vẹn trong ký ức tôi” - ông Vũ Mão nhớ lại - “Phiên họp đó, anh Lê Quang Đạo điều khiển. Chị Ba Thi, Giám đốc Công ty Lương thực Sài Gòn, phát biểu gay gắt: “Tôi đề nghị đồng chí Võ Văn Kiệt làm Chủ tịch HĐBT vì đồng chí là người cách mạng kiên cường, được nhân dân TP.HCM, nhân dân miền Nam yêu mến, đồng chí là người hành động, nếu làm việc sẽ thúc đẩy sự nghiệp đổi mới...”. Lập tức chị Kim Đính - khi đó là Chủ nhiệm Liên minh HTX tiểu thủ công nghiệp của tỉnh Hải Hưng đứng bật dậy: “Tôi đồng tình có hai ứng cử viên nhưng cách nói của chị Ba Thi thì tôi không đồng ý. Anh Sáu Dân là nhà cách mạng hoạt động rất tiêu biểu nhưng anh Đỗ Mười cũng là nhà cách mạng hoạt động tiêu biểu. Chúng ta đưa ra thảo luận không nên nói là thích người này, không thích người kia...”. Anh Lý Chánh Trung là trí thức, thuộc “lực lượng thứ ba” ở Sài Gòn trước giải phóng, ôn tồn: “Chuyện có hai ứng cử viên để bầu Chủ tịch HĐBT là rất tốt và nên làm. Tôi ủng hộ có hai ứng cử viên để QH bầu””.

Không khí tranh luận như thế là hiếm có trong hoạt động của QH.

Chiều 22-6-1988, các đại biểu dự kỳ họp thứ ba QH khóa VIII bỏ phiếu bầu Chủ tịch HĐBT. Ông Đỗ Mười trúng cử với 63% đại biểu QH tín nhiệm. Nguyên Phó Chủ tịch QH Mai Thúc Lân mỉm cười: “Cả người trúng cử và người không trúng cử đều vui. Các đại biểu QH thực sự phấn chấn trong một không khí dân chủ, cởi mở. Sự nghiệp đổi mới của đất nước cũng từ đó mà đi lên...”.

Để thực hiện loạt bài này, Báo Pháp Luật TP.HCM nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ quý báu của nguyên Chủ tịch QH Nguyễn Văn An; nguyên Phó Chủ tịch QH Mai Thúc Lân, Nguyễn Văn Yểu; nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Vũ Đức Khiển; đặc biệt là nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại-Chủ nhiệm Văn phòng QH Vũ Mão.

LÊ KIÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm