KỶ NIỆM 100 NĂM NGÀY BÁC HỒ RA ĐI TÌM ĐƯỜNG CỨU NƯỚC

Hành trình của tấm lòng yêu nước cháy bỏng

Cách đây 100 năm, từ Cảng Sài Gòn, Người đã bắt đầu cuộc hành trình ra đi tìm đường cứu nước (5.6.1911 - 5.6.2011), đánh dấu một mốc son trong lịch sử vĩ đại của dân tộc. Nói như PGS-TS Phạm Hồng Chương, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh: “Đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong lịch sử đấu tranh vì sinh tồn và phát triển của dân tộc Việt Nam”.

Có lẽ chưa bao giờ bài hát Tiếng hát từ thành phố mang tên Người lại vang lên một cách ấm áp và xúc động đến thế, nhất là khi người hát bài hát này là một diễn giả chứ không phải ca sĩ. Đó là những phút giây khiến hàng trăm đại biểu lặng người thật sâu để tưởng nhớ về Bác, về một người con vĩ đại của dân tộc Việt Nam tại Hội thảo khoa học “Chủ tịch Hồ Chí Minh - Hành trình tìm đường cứu nước” diễn ra sáng 31-5 tại TP.HCM.

Đau đáu một lòng với nước, với dân

Nhiều ý kiến tại hội thảo cùng chung một điểm nhìn, đó là chính tấm lòng yêu nước, thương dân cháy bỏng là động lực to lớn nhất, sâu xa nhất để người thanh niên Nguyễn Tất Thành quyết chí thực hiện cuộc hành trình xuất dương đầy gian lao để tìm đường cứu nước.

Hành trình của tấm lòng yêu nước cháy bỏng ảnh 1

Các đại biểu đang trao đổi tại hội thảo (từ trái sang: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; ông Lê Thanh Hải, Bí thư Thành ủy; nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu; ông Đinh Thế Huynh, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương).

PGS-TS Phạm Hồng Chương phân tích: Bắt đầu từ năm 13 tuổi, Nguyễn Tất Thành đã “muốn đi ra nước ngoài xem nước Pháp”, “muốn làm quen với nền văn minh Pháp”. Nhưng đi không chỉ để thỏa mãn ước mơ hiểu biết của tuổi trẻ mà là “muốn tìm xem ẩn giấu đằng sau” những gì đã làm nên văn minh và sức mạnh của phương Tây; muốn xem cho rõ “sự làm ăn ra sao” của những cường quốc mà các nhà yêu nước Việt Nam đương thời kỳ vọng có thể giúp nước mình thoát khỏi ách thống trị của thực dân và “sau khi xem xét họ thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào ta”.

Linh mục Nguyễn Công Danh, Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam, phân tích: Tình thương yêu nhân dân chính là ngọn lửa đầu tiên nhen nhóm trong lòng Bác, thôi thúc Bác tìm cách cứu lấy đồng bào. Trong phần trả lời nhà văn Mỹ Anna Louis Strong về quyết định của mình, Bác nói: “Nhân dân Việt Nam, trong đó có ông cụ thân sinh ra tôi, lúc này thường tự hỏi nhau ai sẽ là người giúp mình thoát khỏi ách thống trị của Pháp. Người này nghĩ là Nhật, người khác nghĩ là Anh, có người lại cho là Mỹ…” và Bác đã quyết định đi tới tận những nơi đó để xem cho rõ họ như thế nào rồi sẽ quay về giúp dân, giúp nước.

Người đã bôn ba khắp năm châu bốn biển, đến những nơi có cùng cảnh như dân tộc Việt Nam. Và “nhận thấy nguồn gốc trực tiếp nỗi khổ đau chung của các dân tộc thuộc địa và những người lao động, không phân biệt chủng tộc màu da trên hành tinh này. Người đi tới khẳng định: Vấn đề giải phóng dân tộc, giải phóng con người không chỉ là nhu cầu của dân tộc và con người Việt Nam mà là của các dân tộc bị áp bức và nhân dân cần lao trên thế giới” - PGS-TS Chương phân tích.

Với động lực to lớn ấy, Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã tìm ra con đường cho cách mạng Việt Nam, con đường đến với Chủ nghĩa Mác-Lênin, con đường độc lập dân tộc gắn liền với CNXH.

Vững bước trên con đường Người đã chọn

Từ tìm đường cứu nước đến giải phóng dân tộc là cả một hành trình đầy gian nan. Dân tộc Việt Nam đã hy sinh không biết bao nhiêu máu xương để có điều đó. Và đến thời đại ngày nay, một nhiệm vụ cũng khó khăn muôn vàn là giữ gìn thành quả to lớn ấy!

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu nhấn mạnh chúng ta phải kiên trì đi theo con đường mà Bác Hồ, Đảng và nhân dân lựa chọn. Để làm được điều đó thì trong mọi hoạt động của Đảng phải lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam. Nguyên Tổng Bí thư đặc biệt lưu ý về vấn đề: thực thà tự phê bình và phê bình từ dưới lên trên và từ trên xuống dưới, đặc biệt từ cấp lãnh đạo, các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước, trong cán bộ cao cấp, trung cấp. “Sức mạnh của một đảng bộ, mỗi đảng viên không chỉ ở chỗ phát huy ưu điểm, mà còn là nhận ra, nhận rõ và kiên quyết sửa chữa khuyết điểm của mình” - nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu nói.

Với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, vững bước trên con đường Người đã chọn là “tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” để mang lại ấm no cho dân. Thủ tướng nói: “Ngay sau khi cách mạng thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: Nếu nước độc lập mà dân không được hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì. Người khẳng định đời sống nhân dân chỉ có thể thật dồi dào khi chúng ta dùng máy móc để sản xuất thật rộng rãi, dùng máy móc trong công nghiệp và trong nông nghiệp. Đó là con đường phải đi của chúng ta, con đường công nghiệp hóa nước nhà”. Thủ tướng cũng gửi gắm: Chính TP.HCM, nơi cách đây 100 năm Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, phải tiên phong trong vấn đề này, trở thành đầu tàu của nền kinh tế cả nước.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải nói: “Đảng bộ và nhân dân TP nguyện xây dựng Đảng bộ thật sự trong sạch vững mạnh để vững bước trên con đường Người đã chọn, để xứng đáng mãi mãi là TP mang tên Hồ Chí Minh!”.

MINH CƯỜNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm