Hiện tượng Obama

Trên hành trình đó, Obama là một “hiện tượng” nổi bật đáng suy ngẫm. Với “hiện tượng Obama” cùng với những diễn biến dồn dập của thời cuộc ở hai thập niên cuối thế kỷ XX và thập niên đầu tiên của thế kỷ XXI bước vào thiên niên kỷ mới đang khẳng định một sự thật: chuẩn mực chính là sự thay đổi!

Sinh năm 1961 tại Hawaii, vị tổng thống nước Mỹ thứ 44 không giống như phần lớn những người từng bước vào nhà trắng với niềm kiêu hãnh của người xuất thân từ những danh gia vọng tộc như Roosevelt, Kennedy, nhiều đời là thống đốc, thượng nghị sĩ hay đã hai đời làm tổng thống như Adams, như Bush. Mẹ của Obama là một phụ nữ da trắng kết hôn với một người Kenya. Quá khứ trắc trở so với các bạn da trắng cùng lứa tuổi ở trường trung học đã khiến Obama từng uống rượu, hút cần sa, thậm chí hít heroin để “đẩy ra khỏi đầu câu hỏi: tôi là ai”. Trong vận động tranh cử, Obama không ngần ngại giới thiệu vợ mình, luật sư Michelle Obama, vốn mang dòng máu nô lệ da đen!

May mắn là chàng trẻ tuổi với những năm tháng tuổi trẻ khá buồn tủi ấy đã không rơi xuống vực, được vào học tại đại học Occidental, để rồi tại đây khởi đầu con đường mới bằng một bài phát biểu trong cuộc biểu tình của sinh viên chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc. Luật sư Obama tiến vào con đường sự nghiệp chính trị bằng bản lĩnh và năng lực nổi trội của chính mình mà không hề có một bảo trợ về quá khứ gia đình hoặc bất cứ một ô dù nào. Obama tự tin chinh phục cử tri của mình bằng quan điểm và trình độ hiểu biết sâu sắc của một người đã chiếm lĩnh được tri thức qua sự khổ luyện và dấn thân, với sự am hiểu thấu đáo về tầng lớp trung lưu và biết cách diễn đạt ý tưởng chính trị, hoài bão thay đổi nước Mỹ đi thẳng được vào lòng người. Ông được họ lắng nghe, ủng hộ đúng như lời của McCain trong phát biểu chúc mừng thắng lợi của Obama: “Người Mỹ đã lên tiếng”! Chính sự “lên tiếng” đó ghi nhận “hiện tượng Obama” một biểu tượng của sự biến đổi!

Người Mỹ đã bỏ phiếu cho một khát vọng đổi mới cuộc sống. Khát vọng đó đủ sức vượt qua những cản ngại ghê gớm về tệ phân biệt chủng tộc, về gốc gác chính trị hay sức mạnh tài chính của bản thân người sẽ đứng đầu Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Họ hiểu rằng còn có nhiều nghịch lý, nhiều sự thật phũ phàng bất công, những mâu thuẫn chồng chất trong lòng nước Mỹ và thế giới nhưng chính vì vậy họ mong chờ một sự thay đổi. Họ chọn Obama mặc dầu biết con đường phía trước còn nhiều chông gai.

Cuộc sống luôn nảy sinh những nhân tố mới, những tương tác mới tạo ra khả năng nảy sinh những hợp trội không dự báo trước được.Vì thế, cần một đôi mắt mới nhìn vào cuộc sống để phân tích và hành động. Hiện tượng Obama là một dữ kiện có ý nghĩa lớn lao thôi thúc những cái đầu biết tư duy phải tự nhìn lại sự hạn hẹp của nhận thức đã có, nhặt ra những thô thiển, những ngộ nhận để tự bổ sung những tri thức mới, giúp thay đổi cách nhìn, cách nghĩ sát với sự vận động của cuộc sống.

TƯƠNG LAI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm