Hiệu quả giám sát của Quốc hội chưa cao

(PL)- Sáng 10-9, tại TP Hội An, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội (QH) đã tổ chức hội thảo “Nâng cao kỹ năng giám sát và lồng ghép vấn đề bình đẳng giới”. Các vấn đề liên quan đến giám sát QH đã được các đại biểu đưa ra mổ xẻ. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ hợp tác giữa Ủy ban với Cơ quan Phát triển quốc tế Canada (CIDA).

Bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban, nhận định: Hoạt động giám sát QH vẫn chưa thực sự phát huy hiệu quả như mong muốn. Bà phân tích: “Phạm vi giám sát quá rộng. Nếu như đa số các nước thường hướng trọng tâm giám sát vào cơ quan hành pháp ở trung ương thì QH nước ta không những giám sát hoạt động của Chính phủ mà còn giám sát hoạt động của cả Chủ tịch nước, TAND tối cao, VKSND tối cao. Ngoài ra, còn có khoảng cách nhất định giữa luật pháp và thực tiễn do luật còn quy định chung chung về hoạt động giám sát”.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Tiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban, băn khoăn về chất lượng chất vấn: “Tôi được biết hiện nay nhiều đại biểu QH không am hiểu tình hình địa phương”. Phản biện lại ý kiến này, một đại biểu nói: Nhiều vị đại biểu là chủ tịch, là phó bí thư UBND nên khá am hiểu. Lại nữa, yêu cầu chất vấn là không chất vấn những vấn đề cụ thể mà chỉ đề cập những vấn đề chung.

Trao đổi với Báo Pháp Luật TP.HCM, đại biểu QH Nguyễn Minh Thuyết, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa-Giáo dục-Thanh niên-Thiếu niên và Nhi đồng, cho biết: “Chất lượng chất vấn chưa đạt hiệu quả là do một số đại biểu, nhất là đại diện cho địa phương còn nể nang, ngại chất vấn các vị lãnh đạo vì sợ ảnh hưởng địa phương. Ngoài ra, nhiều trường hợp bộ trưởng, trưởng ngành trả lời vòng vo, không đúng”.

Theo ông, quan trọng là sau cuộc chất vấn, không có gì ràng buộc bộ trưởng. Chất vấn phải kèm theo nghị quyết trả lời chất vấn, trong đó có những điều buộc bộ trưởng phải làm và có đánh giá vị bộ trưởng ấy.

Ông nói: “Thực ra hiện nay chất vấn vẫn còn phụ thuộc nhiều vào thiện chí của bộ trưởng. Có những bộ trưởng rất thiện chí tự thừa nhận khuyết điểm và cam kết sửa nhưng cũng có những người phủ nhận và cho rằng đó là khuyết điểm của bộ khác. Như vậy thì cuối cùng buổi chất vấn đó cũng không có kết luận gì”.

Tham gia ý kiến tại hội thảo, ông Joe Jordan, nguyên nghị sĩ đại diện khu vực bầu cử Leeds-Grenville (Canada), cho biết tại Canada, mỗi ngày có 45 phút dành cho các nghị sĩ chất vấn. Các đại biểu sẽ chất vấn các bộ trưởng. Phiên chất vấn sẽ được truyền hình trực tiếp, góp phần làm cho chính phủ phải chịu trách nhiệm trước dân chúng về hành động của mình.

MAI PHƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm