Hoạt động thí điểm thừa phát lại: Người dân và Nhà nước cùng có lợi!

Ngày 16-4, Đoàn đại biểu QH TP.HCM đã giám sát hoạt động thừa phát lại (TPL) trên địa bàn TP.

Nhẹ ngân sách, chất lượng khả thi

Theo Sở Tư pháp, nhu cầu lập vi bằng của người dân rất lớn, đa dạng. Trong giai đoạn thí điểm (từ 21-5-2010 đến 31-3-2012), các văn phòng TPL chỉ mới tập trung lập vi bằng trên các lĩnh vực: ghi nhận việc giao nhận tiền, giao nhận giấy tờ trong giao dịch dân sự; ghi nhận hiện trạng nhà ở đang sử dụng, hiện trạng quyền sử dụng đất; ghi nhận thỏa thuận phân chia tài sản giữa vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân, việc cấp dưỡng cho con sau khi ly hôn…

Bà Trần Thị Hồng Việt, Chánh văn phòng TAND TP, cho biết TAND TP và TAND 24 quận, huyện đã ký hợp đồng dịch vụ với các văn phòng TPL để tống đạt văn bản cho ngành tòa án TP. Năm trước, ngân sách dự toán cấp 6 tỉ đồng để thực hiện nhiệm vụ này nhưng kết quả trả phí dịch vụ cho TPL thấp hơn dù số lượng văn bản cần tống đạt tăng lên. Hiện biểu giá tống đạt đi tỉnh mà các văn phòng TPL đưa ra rất hợp lý, thấp hơn tổng chi phí nếu cử một cán bộ tòa án trực tiếp đi tống đạt nhưng hai bên vẫn chưa thỏa thuận được do vướng quy định của Bộ Tài chính nên phải chờ hướng dẫn thêm.

Bà Hồng Việt cũng phân tích thêm về 16 tình huống khó tống đạt mà đương sự cố tránh né không nhận “trát tòa” để trì hoãn phiên tòa hoặc khiếu nại đòi giám đốc thẩm hủy án nếu xử vắng mặt với lý do là chưa nhận được thư mời, không biết ngày xử… Phó đoàn đại biểu QH TP Trần Du Lịch kể thêm, có trường hợp đương sự ký nhận thư bảo đảm nhưng đến phiên xử vẫn vắng mặt rồi “vặn vẹo” rằng chỉ nhận được bao thư rỗng, bên trong không có văn bản tòa nên không biết ngày xét xử. Do vậy, việc TPL tống đạt “trát tòa” tận tay đương sự hay niêm yết ở địa phương sẽ góp phần hạn chế nhiều “chiêu quái” trong tố tụng.

Hoạt động thí điểm thừa phát lại: Người dân và Nhà nước cùng có lợi! ảnh 1

TPL Đỗ Phi Thường - Văn phòng TPL quận 1 tiến hành lập vi bằng trong lĩnh vực xây dựng. Ảnh: TRẦN HUY

Theo TAND TP.HCM, việc lập vi bằng đã góp phần hỗ trợ tích cực cho cá nhân, tổ chức xác lập chứng cứ, hạn chế tranh chấp, rủi ro trong giao dịch dân sự, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho người dân. Đến nay, một số tòa cũng đã sử dụng vi bằng của TPL làm chứng cứ trong xét xử. Bà Việt kể trong vụ kiện nhà hàng xóm đặt lò bánh mì sát vách gây nóng bức, vi bằng được lập rất chi tiết nên đã hỗ trợ tòa rất nhiều trong việc xét xử.

Cạnh tranh phục vụ dân tốt hơn

Kết quả thực hiện thi hành án (THA) của năm văn phòng TPL chưa nhiều, chỉ mới hoàn tất được 21 vụ, thu phí 170 triệu đồng nhưng bước đầu đã tạo hiệu ứng tốt. Một số trường hợp người dân sau thời gian dài mòn mỏi chờ đợi THA nhưng chấp hành viên thực hiện không hiệu quả nên đã rút yêu cầu, chuyển qua nhờ TPL thực hiện THA, phá thế “một mình, một chiếu” trong lĩnh vực THA.

Phó Chánh án TAND TP.HCM Huỳnh Ngọc Ánh khuyến cáo: “Dân đóng thuế nuôi bộ máy công vụ, khi bị xâm phạm quyền lợi đã vất vả đi kiện, thắng kiện rồi nhưng “tắc” ở khâu THA thì quá khổ. Dân cũng đóng phí THA, công chức hưởng lương từ ngân sách, tức là từ tiền thuế, từ phí THA của dân thì phải có trách nhiệm phục vụ người dân”. Chính sự năng động của các TPL đã cảnh tỉnh các cơ quan công quyền trong lĩnh vực này xem xét lại trách nhiệm thực thi công vụ, khẳng định xu thế xã hội hóa các hoạt động bổ trợ tư pháp để đem lại hiệu quả phục vụ người dân tốt hơn.

Ông Phạm Huy Hoàng - Phó Cục trưởng Cục THA dân sự TP.HCM công bố “nóng”: Cục THA đã có chương trình mới cho phép người có yêu cầu THA được quyền chọn lựa chấp hành viên (kế hoạch này có hiệu lực ngay từ hôm nay). Cục THA sẽ công bố danh sách thành tích trong hai năm của mỗi chấp hành viên để người dân tự lựa chọn ai sẽ tiến hành THA vụ việc được yêu cầu. Ông Hoàng khẳng định có thêm đơn vị song hành trong cùng lĩnh vực hoạt động cũng là điều hay để so sánh, cạnh tranh, tạo động lực thúc đẩy chấp hành viên nâng cao năng lực, trách nhiệm.

BÌNH MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm