Học hành, sân chơi lên bàn nghị sự “Quốc hội trẻ”

Đại biểu tham dự kỳ họp phải mang thẻ đeo bảng tên, thẻ này cũng dùng để biểu quyết; các đại biểu ngồi đúng vị trí đã đặt bảng tên, có ghi tên đoàn; khi thảo luận cũng chia theo tổ... Khi nghe đọc có đại biểu ở đoàn đại biểu số 1 ngồi không nghiêm túc, thường xuyên gục mặt xuống bàn liền bị các điều phối viên nhắc nhở phải tập trung vào kỳ họp! Đây là hình ảnh đã diễn ra tại Kỳ họp thứ nhất “Quốc hội trẻ” do Trung tâm Thanh Thiếu niên miền Nam tổ chức tại TP.HCM vào ngày 28-3.

Khả năng tự học kém

Mở màn phần phát biểu của đại biểu tại hội trường, em Trần Hoàng Anh, học sinh tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, góp ý: “Học thêm đang là một vấn nạn. Bố mẹ ép con cái học thêm nhiều quá. Em nghĩ nên giảm bớt việc học thêm, tăng thời gian tự học thì tốt hơn”. Chia sẻ ý kiến này, em Huỳnh Võ Hoàng Sơn (TP.HCM) cho rằng nhiều học sinh bị cha mẹ ép đi học thêm nhưng chính bản thân phụ huynh lại không biết thực chất giáo viên đó có dạy giỏi thật không?!

Một đại biểu của TP.HCM đặt vấn đề: Học sinh TP liệu có khả năng ở nhà tự học hay không? Phương pháp tự học như thế nào? Nếu không giải quyết được hai vấn đề này thì dạy thêm vẫn đang là việc cần thiết để phụ huynh quản lý con cái. Đáp lại, em Nguyễn Tấn Lộc (Trường THPT Ngô Quyền tỉnh Đồng Nai) cho rằng: “Hiện chúng ta chưa có cách tự học chứ không phải là không có. Kiến thức thì có nhiêu đó, quan trọng là có ý thức học hay không là tự bản thân mỗi người”.

Học hành, sân chơi lên bàn nghị sự “Quốc hội trẻ” ảnh 1

Giải lao 15 phút, đại biểu được xem màn nhảy quốc tế “cây nhà lá vườn”. Ảnh: N.NAM

Về vấn đề thi cử, đại biểu Nguyễn Ngọc Lan Anh cho rằng: “Do cách giáo dục của chúng ta ưu ái hơn cho thi tự luận nên vô hình trung đẩy học sinh đến chỗ học vẹt”. Nhiều đại biểu có ý kiến nên thay đổi cách thi cử, ưu tiên thi trắc nghiệm và thi đề mở để học sinh tự tích lũy kiến thức và không phụ thuộc vào thầy cô. Đó cũng là cách để học sinh tiếp cận với giảng đường đại học nhanh hơn.

Giảm giờ học, tăng sân chơi

Đa số ý kiến đại biểu góp ý tại tổ về vấn đề sân chơi cho học sinh đều cho rằng “thiếu nghiêm trọng”. Khó khăn chung của các trường là khuôn viên nhỏ, sân trường dành để xe đã chiếm hết chỗ chơi của học sinh, sinh viên. Em Trần Gia Đức, học sinh Trường Á Châu, kể trường mình có xây một hồ bơi trước cổng trường nên không ai dám mặc đồ bơi ra bơi. Đặc biệt hơn, sân tennis được đưa lên sân thượng, mỗi lần đánh bóng mạnh tay thì phải xuống đất lượm. “Xây như vậy chỉ để làm phong thủy được thôi” - Đức nói.

Có ý kiến còn cho rằng nhà trường có sân rộng nhưng cứ hết giờ là đóng cửa không cho học sinh vào chơi đá banh vì sợ làm... bể cửa kính hay hư hại cái gì đó. Cũng có trường nằm kế bên UBND quận, do sân chơi nhỏ nên học sinh kéo sang sân ủy ban chơi thì bị đuổi. Không sân chơi, đi thuê thì không có tiền nên nhiều khi học sinh phải rủ nhau ra vỉa hè đá banh!

Góp ý cho vấn đề sân chơi, nhưng các đại biểu cũng cho rằng thời gian học nhiều quá không còn thời gian để chơi. Do đó, việc trước tiên là phải thay đổi quan niệm về học. Các đại biểu đều muốn một ngày được giảm khoảng một đến hai giờ học để dành cho các môn thể thao tự chọn.

Kết thúc kỳ họp, các đại biểu đã tổng hợp một số ý kiến gửi Quốc hội chính thức: Đưa kỹ năng sống vào chương trình học tập và đưa môn tâm lý vào học đường; thi đề mở để tránh gian lận trong thi cử; định hướng nghề nghiệp cho học sinh từ cấp II; hai tiết cuối nên là tiết tự học có sự hướng dẫn của giáo viên; giảm bớt giờ học lý thuyết, tăng giờ chơi, sân chơi; nhà trường nên mở cửa 24/24 giờđể tạo điều kiện cho học sinh có thêm sân chơi; tăng cường sân chơi học thuật…

đại biểu Quốc hội Phạm Phương Thảo đồng thời là Chủ tịch HĐND TP.HCM cho biết góp ý của các em rất xác đáng, liên quan đến những vấn đề lớn mà Quốc hội đang quan tâm là chất lượng giáo dục, thi cử, đạo đức học sinh… “Đơn đặt hàng của các em, tôi xin ghi nhận. Tôi mong muốn các em rèn luyện, học tập để trở thành người có ích cho gia đình và xã hội. Tôi mong các em không chỉ có kiến thức mà còn tích lũy được nhiều kỹ năng sống hơn nữa” - bà Thảo nhấn mạnh.

120 đại biểu tuổi từ 12 đến 21 là học sinh, sinh viên đến từ bảy tỉnh thành (TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Cần Thơ, Long An, Bình Dương và Đà Nẵng) đã tham dự kỳ họp thứ nhất “Quốc hội trẻ”.

“Quốc hội trẻ” năm 2010 có bốn kỳ họp vào bốn quý. Nội dung các kỳ họp tiếp theo là Mùa hè đích thực (quý II); Học phí, giới tính, tiết kiệm và bạo lực học đường (quý III); Nói không với tiêu cực trong thi cử, quản lý các trò chơi trực tuyến và một số vấn nạn xã hội (quý IV).

NHẪN NAM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm