Hơn cả sự cầu thị

Thông tin đưa ra từ cuộc họp cho biết quan điểm của Bộ Tư pháp là do quản lý nhà nước từ khâu sản xuất, nhập khẩu, lưu thông, bán MBH không được tốt nên trên thị trường đang lưu hành nhiều loại mũ có hình dáng giống MBH, mũ giả, mũ không đúng tiêu chuẩn. Đây là loại hàng hóa có tiêu chuẩn phức tạp nên người dân rất khó phân biệt, thậm chí khả năng phân biệt thật - giả cũng “đánh đố” đối với cả lực lượng CSGT. Do đó, theo Bộ Tư pháp, quy định buộc người dân phải biết mũ thật, mũ giả và việc sử dụng nhầm loại mũ không “hợp quy” (không có tem CR) bị coi là căn cứ để xử phạt vi phạm hành chính là thiếu thuyết phục.

Trước đó việc bốn bộ họp bàn, soạn thảo, ban hành thông tư liên tịch này diễn ra trong hoàn cảnh... hết sức “bí mật” nên đến khi tuyên bố sắp tới sẽ xử phạt người dân sử dụng MBH thiếu tem khiến dư luận hoàn toàn bất ngờ. Bất ngờ vì một chính sách tác động đến 70% người tham gia giao thông (đang sử dụng mũ không có tem CR - bị coi là mũ rởm) nhưng lại không hề được công khai, lấy ý kiến đối tượng bị tác động như quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Trong khi đó chính họ lại buông lỏng quản lý suốt thời gian dài, mặc cho các loại mũ không tem bày bán công khai, người dân sử dụng trở thành rất phổ biến...

Vì thế việc lắng nghe dư luận, xác định tính khả thi của một quy phạm pháp luật để quyết định ngừng thực thi như trường hợp Thông tư 06/2013 là sự cầu thị đáng hoan nghênh từ các cơ quan quản lý nhà nước. Đáng hoan nghênh hơn nữa là hành động này diễn ra trong bối cảnh có hàng loạt các quy phạm pháp luật khác do các bộ soạn thảo bị đánh giá là kém khả thi, thậm chí có quy phạm còn bị đánh giá là đã chứa các quy định vi phạm các luật khác.

Thế nhưng đằng sau sự cầu thị là ngừng thực hiện thông tư rất cần thiết đó dư luận vẫn đòi hỏi cần có việc kiểm điểm, xử lý thỏa đáng với những cán bộ làm trái quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật khiến cơ quan nhà nước mang tiếng như thế.

BẰNG LĨNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm