Huyền thoại về nghề

Huyền thoại về nghề ảnh 1

Bạn hãy cho phép tôi viết lá thư này cho bạn, như một độc giả thích thú đọc những bài tường thuật đầy hơi thở cuộc sống chỉ có thể được viết bởi những nhà báo trẻ yêu nghề và can đảm như bạn. Tôi đã hàng giờ ngồi đọc và sau đó bàn tán bài viết của bạn với những ông bạn già khác trong quán cà phê, thậm chí trong bữa cơm gia đình cùng bà xã và các con tôi. Quả là những phóng sự và tin tức chiến tranh đã hấp dẫn chúng tôi đến nhường nào! Phải nói là tôi có một chút ghen tị với bạn vì chính nỗi say mê của mình dành cho tin bài của bạn.

Nhưng những huyền thoại (myths) về nghề bao giờ cũng dễ làm chúng ta - những nhà báo ở mọi lứa tuổi - sa vào cạm bẫy.

I. HUYỀN THOẠI TƯỜNG THUẬT CHẾN TRANH

1.Huyền thoại "nhanh nhất"

Nhà báo nổi tiếng Peter Arnett - người đầu tiên vào Bagdad để đưa những thông tin đầu tiên về cuộc tập kích không quân của Mỹ ngày 2-8-1990 và phản ứng của Iraq và nhờ vậy, thù lao trả cho ông lên đến 1 triệu đô la Mỹ - có lần đã nói: “Tôi thường cảm thấy có tội khi lẽ ra một tin có thể đưa hôm nay tôi lại để trễ đến ngày mai.”

Nhưng tội lỗi đó còn ít tệ hại hơn là vì muốn phục vụ bạn đọc nhanh nhất bởi những thông tin mới nhất mà bạn lại đưa tin không chính xác. Chính Peter Arnett (2001) đã đưa ra thuật ngữ “mediathon” để nói về cuộc chạy đường trường của báo chí với khát khao tới đích trước nhất so với đồng nghiệp khác. Tôi đã vô cùng khâm phục khi đọc dòng tin đầu tiên về chiến tranh bùng nổ ở Afghanistan khi “quân Mỹ đã đổ bộ”, và thất vọng biết bao khi biết rằng thực sự quân Mỹ lúc đó vẫn còn án binh bất động trong những căn cứ bên trong nước Mỹ. Tôi cũng vô cùng sửng sốt, khi, có lẽ vì muốn trở thành nhà báo hay tờ báo đưa tin nhanh nhất, mới nhất và đầy đủ nhất mà bạn chọn đăng cả một bản đồ hành quân của Liên minh quốc tế chống khủng bố, với đầy đủ quân số, máy bay, xe tăng và…hàng không mẫu hạm. Trên bản đồ hành quân này có vẻ không thiếu một nước nào. Làm sao mà cuộc chiến tranh vào một nuớc Afghanistan nghèo khổ và đã quá tan nát vì nội chiến, lại có thể “thuyết phục” được nhiều quốc gia tham chiến đến thế. Bạn còn xếp cả Pakistan và Ấn độ vào những nước Trung Đông trên bản đồ tác chiến này thì thật là… huyền thoại.

Hiện nay “nhanh nhất” còn có nghĩa là “đồng thời”, là “sống” (live), mà ta gọi là “trực tiếp”.Báo in chắc chắn không thể làm điều này. Thật là sai lầm về chữ nghĩa khi bạn dùng thuật ngữ “tường thuật trực tiếp” từ chiến trường Afghanistan cho tờ báo in của bạn. Cho đến hôm nay, chỉ có kỹ thuật truyền hình - và Internet - mới cho phép tường thuật trực tiếp (live) các sự kiện mà thôi. Tờ báo in của bạn không thể có một “tường thuật trực tiếp” như thế, cho dù bạn có mặt tại chỗ và gọi điện thoại cầm tay về tòa soạn.

2. Huyền thoại về tính dự báo

Mặc dù không muốn chiến tranh xảy ra cho nhân dân Afghanistan bất hạnh, bạn chắc phải vô cùng cân nhắc khi “dự báo” rằng: Mỹ sẽ không dám nhảy vào Afghanistan - nơi mà họ tin rằng những kẻ chủ mưu tấn công vào nước Mỹ, gây ra cái chết thê thảm cho trên 4000 người vô tội, đang náu mình ở đó. Và lẽ nào bạn lại không cẩn trọng khi đưa ra “dự báo” về thời điểm chiến tranh bùng nổ, không thể nói “có thể” trong trường hợp này: “Chiến sự có thể bùng nổ ngày mai, ngày kia, tuần sau, hay tháng tới”.

Huyền thoại về “tờ báo có nhiều dự báo chính xác” sẽ dễ làm tổn thương, không phải thanh danh tờ báo, mà chính là người đọc, khi bạn đưa ra những dự báo … rất “duy ý chí”. Bạn có biết rằng hàng trăm ngàn độc giả đang đặt niềm tin vào bạn, vào tờ báo đầy uy tín của bạn, sẽ thất vọng đến nhường nào không?

Vâng, “nhanh nhất” là bản chất của tin tức, nhưng dự báo không thể thay thế cho sự kiện. Nhiều tờ báo chỉ dám trích lời các chuyên gia, với địa chỉ thật rõ ràng, để chia sẻ bớt trách nhiệm trước người đọc. Chúng tôi biết rằng rất nhiều độc giả yêu quý của chúng ta từng trách rằng: trong vụ khủng hoảng tài chính, bắt đầu từ Thái Lan, vào năm 1997, các nhà báo ở đâu? Tại sao, báo chí vốn là cái hàn thử biểu nhạy cảm của thị trường tài chính, lại không đưa ra nổi một dự báo nào? Đó là một trong những đòi hỏi nghiêm khắc và chính đáng. Nhưng cái khả năng đáp ứng yêu cầu của bạn đọc cũng chỉ là khả năng, có nghĩa là có - giới - hạn của báo chí mà thôi. Một trong những tính chất của tin báo chí là “tương đối” . Đừng vì những hào quang do tán thưởng của công chúng mang lại mà nhà báo chúng ta rơi vào những sai lầm không thể tha thứ. Bạn không thể dùng bất cứ một đính chính nào cho loại tin dự báo sai như kiểu: “Mỹ sẽ tấn công Afghanistan trong vài ngày tới ” trong số báo ra đúng vào cái ngày mà Mỹ đã thật sự dội bom xuống đó.

3. Huyền thoại về phóng viên chiến trường

Một nhà báo người Việt đã đi vào lịch sử báo chí thế giới, với giải thưởng vinh quang nhất của các nhà báo Mỹ và thế giới, giải Pulitzer, chính là một phóng viên ảnh chiến trường có tên là Nick Ut. Tác phẩm sống mãi với thời gian của anh là ảnh chụp em Phan Kim Phúc bị cháy bởi bom na pan của Mỹ ở Tây Ninh trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Nick Ut có lần đã nói với tôi: “Hầu hết các trường đại học báo chí đều có mời tôi dạy, chủ yếu kể về kinh nghiệm chụp ảnh chiến trường.” Huyền thoại về phóng viên chiến trường đã là nguồn cảm hứng cho biết bao thế hệ các nhà báo xông pha trận mạc và ghi tên mình dưới những phóng sự đầy sự kiện mà chỉ đem mạng sống của mình trả giá mới có thể viết (chụp hay quay phim) được.” Ở Viện bảo tàng Báo chí (Newseum) Virginia, gần tòa soạn báo USA Today (năm 2007 đã dời đến Washington, D.C.), có cả một đài tưởng niệm làm bằng thủy tinh khắc tên và hình những phóng viên chiến trường cùng những nhà báo đã “sinh nghề tử nghiệp”, trong đó có nhà báo Việt Nam đã hy sinh trên mặt trận biên giới phía Bắc năm 1979.

Tuy vậy, bạn nên cảnh giác đối với ước mơ trở thành một phóng viên chiến trường lừng danh, nếu bạn chỉ quanh quẩn viết tin, hay tường thuật, thậm chí chụp hình tại chỗ những diễn biến bên lề cuộc chiến, bên lề sự kiện. Nếu ở “bên lề” thì gọi đúng tên là “bên lề”, chứ không thể nói là “đang ở tâm điểm của cuộc chiến.”

4. Huyền thoại về tăng vọt số lượng

Vào những ngày xảy ra cuộc tấn công khủng bố (11-9) báo bán chạy như tôm tươi. Trên báo Sài Gòn Tiếp Thị có cả một tường thuật về thị trường báo chí sôi động trong tuần lễ đầu tiên sau khi nước Mỹ bị tấn công, với hàng loạt tờ báo tăng vọt số lượng. Tờ báo còn minh họa sự tăng vọt số lượng bằng biểu đồ rất rõ ràng. Theo bài báo này, có phụ trang mới ra trong những ngày này đã nhảy lên gần 80.000 tờ/kỳ xuất bản.

Người đọc và công chúng chính là “sự may mắn” của báo chí chúng ta. Nhưng, quả thật nhiều tờ báo của chúng ta chưa được chuẩn bị để đáp ứng nhu cầu thông tin của bạn đọc về cuộc chiến tranh. Nếu tìm lại những số báo cũ, xuất bản trong những ngày này, và còn kéo dài cho đến hôm nay, thì hẳn sẽ thấy những nguồn thông tin hết sức mơ hồ, không biết từ đâu đến, không biết trích từ đâu, dịch từ đâu.

Cho đến nay, tôi vẫn chưa có nguồn kiểm chứng nào về tin Bin Laden là rể của thủ lĩnh tinh thần Taliban Omar và ngược lại Omar cũng lấy con gái của Bin Laden. Đặc biệt, “để bảo vệ bí mật nguồn tin”, hầu hết các ảnh đăng trên báo về sự kiện khủng bố 11-9 và chiến tranh ở Afghanistan đều không đăng nguồn và tên tác giả ảnh. Thử giở bất cứ số báo nào trong thời gian chiến tranh Afghanistan, sẽ thấy quá nhiều bức ảnh thời sự không nguồn gốc. Chính vì muốn tạo ra “huyền thoại bùng nổ số lượng báo” khi có các sự kiện hấp dẫn xảy ra như chiến tranh, xì căng đan, tham nhũng…mà các nhà báo không ngần ngại “quên” nguyên tắc phối kiểm của nghề báo khi viết theo tin đồn hay nguồn tin vỉa hè không căn cứ.

Nhà báo chúng ta dễ rơi vào ngụy tín khi cho rằng vào những thời điểm có sự kiện “nóng” thì dư luận sẽ thích thú đối với loại tin “nhân cảm” (human interest) mà không cần kiểm chứng (chẳng hạn như với cái tin Bin Laden là rể của Giáo chủ Omar đã nêu ở trên). Có thể cho đến giờ, công chúng vẫn đoan chắc hầu hết những người bị tử hình trong các vụ án kinh tế trong thời kỳ “chuyển dạ” đau đớn từ kinh tế quan liêu - bao cấp sang kinh tế thị trường vào thập niên 90, đều có một đời tư sa đọa. Nhưng nghiên cứu kỹ các bài báo về “lối sống” của những tử tù kinh tế đó, chúng tôi khó tìm ra dẫn chứng cụ thể, hay nói theo kiểu chuyên nghiệp - thiếu nguồn tin cậy.

Chúng ta - cộng đồng những nhà báo - sẽ đồng loạt lên án khi một phó giám đốc Sở Giáo dục TPHCM - buột miệng phê phán báo chí “dậu đổ bìm leo” trong vụ bê bối thi tuyển tại trường trung học Lê Quý Đôn (TPHCM) cách đây mấy năm - nhưng tính về số lượng thông tin “bên lề” các sự kiện nóng, thì phải nói là nhà báo chúng ta đã có phần lạm dụng hay khai thác quá nhiều những nguồn tin vỉa hè. Nên nhớ rằng bản chất của báo chí là “nói có sách, mách có chứng”, chứ không phải “nói láo ăn tiền.” Nếu bạn nghiêm túc với những gì mà các giảng viên báo chí đã dạy khi nhập môn nghề báo, thì bạn sẽ giúp xóa dần thành kiến đó, sẽ không cho người khác - dù là quan chức hay các nhà lãnh đạo chính trị - có cơ hội “lên lớp” bạn về chính cái nghề mà họ chưa bao giờ được học như bạn.

5. Huyền thoại người đầu tiên

Với từ “đầu tiên”, người ta đã tạo nên lịch sử. Ví dụ: người đầu tiên tìm ra châu Mỹ là Kha Luân Bố (Christopher Columbus); nhà báo đầu tiên đưa tin về chiến tranh vùng Vịnh là Peter Arnett. Còn nhà báo Việt Nam đầu tiên là ai, hẳn bạn cũng biết. Đó chính là ông Pétrus Ký, hay Trương Vĩnh Ký (1837-1898) mà ngôi trường trung học uy tín nhất hiện nay ở Thành phố Hồ Chí Minh - trường Lê Hồng Phong - trước đây đã tự hào mang tên ông. Ông đã làm tổng biên tập của tờ báo tiếng Việt đầu tiên của nước ta là tờ Gia Định Báo, xuất bản số đầu tiên ngày 15-4-1865. Hơn 130 năm sau ngày ấy, tạp chí chính thức của Hội nhà báo Việt Nam, tờ Nhà Báo và Công Luận ra ngày 16 - 22-6-1997, mới có bài công nhận “nhà báo Việt Nam đầu tiên là Trương Vĩnh Ký” . Tuy vậy, cho đến nay, “huyền thoại” nhà báo Việt Nam đầu tiên cũng còn là “huyền thoại” vì hàng năm giới nhà báo chúng ta vẫn không có một kỷ niệm nào để tưởng nhớ đến “ông tổ” nghề vì những hàng rào của “giới hạn lịch sử”. Do vậy, bạn đừng bao giờ dùng chữ “đầu tiên” để nói về những gì mà nguồn tin bảo với bạn đó là “đầu tiên”, càng không tự xưng “đầu tiên” cho những đóng góp của cá nhân mình. Tôi rất nghi khi có bài báo tự xưng là nhà báo Việt Nam đầu tiên đặt chân lên Nam Cực. Hay những nhà báo Việt Nam đầu tiên lên đỉnh Everest…

Có một nhà quản lý báo chí về hưu vui vẻ nói với tôi: “Kỳ này rất hay là ta có nhà báo Việt Nam đầu tiên… vào Afghanistan. Đó là một tự hào cho nền báo chí chúng ta.” Nhưng phải chăng đây cũng chỉ là một huyền thoại? Thật ra, bạn cũng chưa vào ở những điểm nóng hổi nhất của cuộc chiến vì những hạn chế vật chất là chủ yếu. Tôi đã đọc kỹ cái tít mới giật gân làm sao: “Tại sao nhà báo VN thoát chết?” Hóa ra vì bạn ít tiền. Quả là “chuyện như đùa”. Nhưng một điều mà chúng tôi rất tin là những đồng nghiệp nước ngoài đã chết khi cùng quân giải phóng phương Bắc tiến vào Kabul, biết rất rõ hiểm nguy và biết rất rõ rằng họ có thể chết, dù có trả đến 10.000 đô la Mỹ đi nữa. Tổng thống Ý đã phát biểu sau khi nghe tin cái chết của nhà báo Cutuli làm việc cho tờ Corriere della Sera: “Nhà báo bị đe dọa tính mạng cao hơn là người lính vì họ không có vũ khí”.

Nhiều phóng viên của chúng ta quả thật là dũng cảm, vượt qua nhiều hàng rào thủ tục để được hành nghề ngay tại trung tâm điểm của sự kiện và ai cũng mong muốn ghi tên mình vào “lịch sử” báo chí Việt Nam như nhà báo Việt Nam đầu tiên vào chiến trường Afghanistan. Chính “huyền thoại đầu tiên” này đã “ngọt ngào” đến mức mà bạn (hay người biên tập) đã đặt những tựa báo rất kêu như: “nhà báo Việt Nam đầu tiên có mặt tại chiến trường Afghanistan”, “nhà báo VN đầu tiên vào tâm điểm cuộc chiến”, “nhà báo VN đầu tiên nộp đơn xin visa tại Tổng lãnh sự Taliban ở Pakistan”, “nhà báo VN đầu tiên phỏng vấn Lãnh sự Taliban”...

Nói cho công bằng, đó cũng là những nỗ lực vượt trội trong tác nghiệp của nền báo chí có xuất phát điểm còn thấp của chúng ta. Hãy tỉnh táo, đừng để “huyền thoại người thứ nhất” bấm vào đúng tử huyệt của nghề làm báo: khoa trương. Mới đây, tôi có thấy một bức ảnh chụp anh lính phương Bắc tên Gul đang cầu nguyện tại một nhà thờ Hồi giáo ở Kabul và người chụp ảnh là phóng viên người Việt tên Hoàng Đình Nam làm việc cho hãng tin Pháp AFP. Tôi không biết anh ấy có phải là phóng viên người Việt đầu tiên vào Kabul hay không?

6. Huyền thoại về "sự có mặt”

“Có mặt tại hiện trường đổ nát của tòa nhà Trung tâm Thương mại thế giới, hay có mặt tại “chiến trường” biên giới Pakistan hay thủ đô kháng chiến của Liên minh phương Bắc …”, phóng viên chúng tôi đã gởi tin (bài, phóng sự ảnh, đoạn phim…) sau đây về … Đây là đoạn giới thiệu thông dụng trong những ngày xảy ra cuộc tấn công khủng bố nước Mỹ hay ngày bùng nổ chiến tranh Afghanistan, thu hút mọi sự chú ý của dư luận. Để chứng thực, bạn thường chụp ảnh chính bạn ngay tại hiện trường. Khi thì với cảnh, khi thì với người, khi với súng đạn, vũ khí. Thậm chí bạn còn “công khai” luôn thủ thuật để chụp được ảnh với những chiến sĩ nước ngoài. Tôi vẫn áy náy, không phải về cái thủ thuật mà bạn áp dụng, nhưng tôi không tin người lính nước ngoài vốn có kỷ luật lại có thể vì tò mò muốn biết thế nào là máy ảnh kỹ thuật số mà đồng ý cho bạn chụp ảnh ở nơi bị cấm. Còn để chứng thực cho sự có mặt tại chiến trường, bạn đã cho phép biến hình mình thành logo của các cột tin đặc biệt từ vùng nóng gởi về. Nhưng không may, đây là tấm hình giả, vì đuợc ghép với cảnh chiến trường Afghanistan y như bạn đang đứng ở đó mà không một lời chú thích nào.

7. Huyền thoại về tính nhân văn

Đây là điều mà tôi không cho là huyền thoại. Tính nhân văn là có thực trong tin tức về chiến tranh hay xung đột. Nhà báo Mathew Chance, người tường thuật trực tiếp của đài truyền hình CNN tại Kabul không quay cảnh xác lính Taliban chết trên đường vào thủ đô Kabul cùng “giải phóng quân” phương Bắc. Những cảnh máu me, ghê rợn đã được thấy ít đi trên báo chí hay truyền hình lần này. Tuy vậy, những đoạn phóng sự ngắn của bạn gởi về từ mặt trận của Liên minh phương Bắc đã “xúc phạm” biết bao.

Một đồng nghiệp của tôi, cũng là một nhà xã hội học, đã nói với tôi, sau khi đọc bài của bạn: “Tôi thấy bây giờ anh em viết báo chúng ta quá đùa dai với bạn đọc.” Té ra anh vừa đọc bài phóng sự trong đó bạn chê những người lính phương Bắc và cả Taliban đều “lười” không chịu nã pháo để các nhà báo chụp hình! Bạn có biết những giây phút yên tĩnh ở chiến trường quý giá đến thế nào đối với người lính hay không?

Suốt thời gian xảy ra sự kiện khủng bố 11-9 và chiến tranh ở Afghanistan, tôi chưa đọc thấy một phóng sự nào viết theo thể loại “như đùa” hay châm biếm trên báo chí khác, như các phóng sự bên lề của bạn. Tính nhân văn trong báo chí không phải là huyền thoại. Mục đích cuối cùng của tin tức là chống lại cái ác. “Tin có thể gây thương tích, nhưng phần lớn tin lại chữa lành” - nhà báo Úc nổi tiếng Burchett đã nói. Câu thông thường của người Việt chúng ta: “Đừng đùa trên sự đau khổ của kẻ khác” hẳn cũng là lời cảnh giác thực tế đối với các nhà báo chúng ta - những người, bất luận thế nào, cũng phải sử dụng ngôn từ như một bộ đồ nghề chính thức.

II. HUYỀN THOẠI BÁO CHÍ CÔNG DÂN

Báo chí công dân là một thể loại báo chí mới (một thể loại nhấn mạnh sự tương tác giữa nhà báo và công chúng; ví dụ những người viết blog trên các mạng xã hội hay trên các báo trực tuyến - online), khuyến khích nhà báo dấn thân với cộng đồng và cùng chịu trách nhiệm những vấn đề của cộng đồng.

Chúng ta đang sống trong một thời đại mà cả nhà báo và người đọc đang cố gắng cùng đạt được ý kiến thống nhất về nền tảng của báo chí. Để cho báo chí tiếp tục hấp dẫn người đọc và người xem thì chính người đọc phải nhất trí rằng báo chí đang đóng một vai trò chủ yếu trong đời sống xã hội, tác động trực tiếp vào những đổi thay của đời sống công dân.

Mặc dù vậy, mới đây đã có nhiều ý kiến không đồng ý như thế. Theo cuộc điều tra “Báo chí và công chúng” do Viện nghiên cứu PEW tại Hoa Kỳ thực hiện tháng 6-2000 cho thấy công chúng đang hướng sự bất bình của mình về phía báo chí. “Ngạo mạn, vô trách nhiệm, không chính xác, và khiêu dâm rẻ tiền” là những từ ngữ mà công chúng sử dụng để định tính báo chí. Theo tài liệu này thì: hơn một nửa số người tham gia trả lời - 53% - nghĩ rằng báo chí có quá nhiều tự do. Tỷ lệ này đã tăng 15% so với cuộc điều tra tương tự vào năm 1997. Chỉ có 45% cho rằng báo chí bảo vệ công lý và dân chủ, giảm so với 54% trong một điều tra tương tự năm 1985. Có 38% cho rằng chính báo chí làm hại nền dân chủ và đời sống công dân. Khoảng 65% nói rằng không thể cho phép báo chí xuất bản một cách tự do. 10% cho rằng báo chí không thể được phép phán quyết hay buộc tội người khác, cũng không nên cho báo chí sử dụng máy quay phim hay máy ảnh bí mật để thu lượm lén tin tức hay hình ảnh và cũng không nên cho báo chí đưa công khai những bí mật của chính phủ. Giáo sư Jan Schaffer, Giám đốc điều hành Trung tâm Báo chí công dân (Civic Journalism Center), chia báo chí Mỹ ra bốn mô hình: (1) “lapdog”: “chó cưng”, ngoan ngoãn làm ra tiền cho chủ báo; (2) “attack dog”: “chó dữ”, làm cho người ta sợ vì nghe lén, chụp lén; (3) “watch dog”: “chó coi nhà”, giám sát chính quyền; và (4) “guide dog”: “chó dẫn đường”.3

Theo ông, thời đại ngày nay, báo chí đang đi theo mô hình “chó dẫn đường", thay cho mô hình “chó coi nhà” trong thế kỷ trước. Báo chí hiện đại không những chỉ đơn thuần thông tin, mà còn hướng dẫn người đọc làm tròn nghĩa vụ công dân của mình.

Tại Việt Nam chúng ta, ngày càng xuất hiện nhiều ý kiến cho rằng báo chí đang bị “thương mại hóa” theo nghĩa tiêu cực của từ này. Chính vì vậy vấn đề là: liệu các nhà báo chúng ta có biết cách (hay tìm cách) điều chỉnh lại ý kiến đó hay không?

Tình trạng số lượng phát hành của các tờ báo đang tăng vọt, đặc biệt sau sự kiện khủng bố ngày 11-9-2001 ở Mỹ và chiến tranh chống khủng bố ở Afghanistan.

Và rồi vụ án trùm xã hội đen Năm Cam năm 2000. Có báo tăng gần gấp rưỡi vào

cuối tháng 9-2001 ; có báo tăng lên gấp 3 lần. Tuy nhiên, cuộc rượt đuổi về số lượng phát hành có thể đưa các tờ báo sa đà vào những tin tức giật gân mà theo cách nói hiện nay là “thương mại hóa”.

Vậy nhà báo có thể làm gì?

Trong nền báo chí công dân, đương nhiên nhà báo phải hành động nhiều hơn là một người thợ đưa tin.

Nhà báo Trần Hà của Viện Poynter trong bài viết có tựa đề “Hành trình qua bãi mìn đạo đức” kể câu chuyện một phóng viên khi viết bài phóng sự điều tra về sự

ngược đãi trẻ em, đã phải đối mặt với một tòa án lương tâm của chính anh: tại sao không hành động nhanh hơn để cải thiện cuộc sống của các em? 4 Nhà báo Sonia Nazario của báo Los Angeles Times đã mất 5 tháng điều tra và thêm hai tháng nữa để hoàn thành bài phóng sự điều tra về nạn bạo hành trẻ em tại thành phố Los Angeles. Vấn đề là: có thể làm gì hơn trong thời gian đó để giảm đến mức thấp nhất những đau khổ của các em? 5

Ông Terence Oliver, Giám đốc trình bày của tờ Akron Beacon Journal, cho rằng phóng viên không cần phải mất đến 5 tháng để thu thập các dữ kiện. “Tôi nghĩ rằng chỉ chủ đề về nạn bạo hành trẻ em đã tạo nên một vụ nổ trong dư luận rồi. Đâu cần một khối chất nổ lớn quá - phải mất đến 5 tháng để chuẩn bị.” Trong thời gian đó, nhiều em bị đói hay bị hành hạ đến chết. “Nếu chúng ta - nhà báo - hành động nhanh hơn, may ra có thể cứu đuợc các em”- ông Oliver nói

Tương tự: một nhà báo nghe tin một vụ giết người do bọn xã hội đen mưu tính thực hiện. Anh ta sẽ phải đối mặt với hai vấn đề: âm thầm điều tra và sẽ “nổ” trên báo một tin hấp dẫn, lúc ấy tờ báo của anh ta sẽ thêm độc giả và tên tuổi của người phóng viên sẽ nổi như cồn. Hai là: sẽ phải báo cơ quan thẩm quyền để ngăn chặn bàn tay đẫm máu của bọn giết người. Khi đó anh ta sẽ cứu hai mạng: người bị hại và một án tử hình cho kẻ giết người. Đổi lại, anh ta sẽ không nổi tiếng như một nhà báo năng nổ, có tài săn tin.

Một phóng viên ảnh có mặt ngay lúc mới xảy ra vụ cháy tại Trung tâm Thương mại quốc tế TPHCM cuối tháng 10-2002 kể rằng lúc thấy những nạn nhân kêu cứu, thoạt đầu anh nghĩ ngay sẽ bấm những bức ảnh “khoảnh khắc tuyệt vời” ghi lại mức độ khủng khiếp của tai họa, nhưng anh lại hành động khác: thay vì dành thì giờ để bấm máy, anh đã nhảy vào vòng khói lửa và giúp đưa nạn nhân ra ngoài. Tờ báo của anh không có tấm ảnh nào “sống động”, bản thân bị phê bình “không làm tốt nghề”, lại hao tài vì máy ảnh cũng bị bể, nhưng anh cảm thấy một niềm an ủi lớn lao là đã hành động theo bản năng của NGƯỜI chứ không phải bản năng của NGHỀ.

Nhà báo ảnh gốc Việt Nick Ut (tức Huỳnh Văn Út) đã kể lại rằng ngay khi chụp bức ảnh em Phan Kim Phúc bị cháy bom na pan, anh đã bị thôi thúc một ý muốn phải cứu lấy em bé và anh bất chấp bom đạn chạy tới ôm lấy em bé đang kêu la tuyệt vọng. “Cùng các đồng nghiệp khác, chúng tôi cố lấy những bình toong nước dội lên người em bé cho bớt nóng, rồi bế em lên xe. Một đồng nghiệp đã lái xe ra khỏi vùng đang bị dội bom, chạy về hướng bệnh viện Củ Chi.” Cuối cùng Nick Ut và các đồng nghiệp khác đã cứu em bé Phúc (ngày nay là bác sĩ Phan Kim Phúc,

Đại sứ hòa bình của Liên Hiệp Quốc, sống ở Canada cùng chồng và hai con). Nick Ut nói khi gặp chúng tôi tại Việt Nam tháng 4-2000: “Lúc đó, tôi chỉ hành động theo bản năng. Nhưng cái quan trọng là sự hỗ trợ của đồng nghiệp, để giành lấy mạng sống của em bé.” Nhà báo đuợc giải thuởng Pulitzer này cho rằng sự nghiệp làm báo của anh thành công phần lớn nhờ vào sự hỗ trợ của đồng nghiệp. Anh cũng

cho rằng một nhà báo trước hết phải đứng bên trong xã hội, sống chết cùng sự kiện và chịu trách nhiệm về những sự kiện mà mình biến nó thành tin.

Tuy thế, một nền báo chí công dân ngày càng đòi hỏi các chủ thể của nó tức là các nhà báo phải viết nhiều bài phóng sự điều tra tội ác hơn. “Những bài báo như vậy - những bài báo phản ảnh xã hội dưới hình thức sinh động nhất - cần phải được viết thường xuyên” - Tena Ezzadine, một nhà báo chuyên viết phóng sự điều tra của tờ báo lớn nhất Hoa Kỳ - The Washington Post - nói. “Tôi cho rằng điều tồi tệ nhất đối với một nhà báo chính là quay lưng lại với những bài báo chống tiêu cực vì sợ gây ra tâm trạng tiêu cực trong công chúng” 6 - Ezzadine nói tiếp.

Không thể viết những bài điều tra chống tiêu cực mà lại không gây ra một thiệt hại hay bất bình nào. Vấn đề là liều lượng. Chính phóng viên trước hết phải cân nhắc về vấn đề này, rồi sau đó mới đến tòa soạn và ban biên tập. Anh không thể ký tên dưới bài báo mà lại không phải là người chịu trách nhiệm cao nhất.

Đây là điều nhắc nhở rằng một nền báo chí lớn không thể chấp nhận cứu cánh của nó là những bài báo “có hậu”, và “dĩ hòa vi quý”. Nhà báo Pulitzer, mà giải thưởng lớn về báo chí tại Mỹ mang tên ông, đã từng nói: “Sức mạnh của một bài

báo (hay tin tức) chính là ở chỗ nó không được đưa ra một đoạn kết dễ dãi nhằm xoa dịu dư luận quần chúng.” 7 Đại loại như, sau khi đọc một tường thuật chi tiết về nạn kẹt xe tại TPHCM, chúng ta thường thấy những câu như: “Đề nghị chính quyền các cấp lưu tâm vấn đề này”; hay: “Các ban, ngành có liên quan cần thiết phải giải quyết vấn đề này” .v.v. và v.v…

Thực ra, nếu bài báo chống tiêu cực hay những bài điều tra mà không thể đưa ra đuợc những đề nghị giải pháp giải quyết vấn đề, thì một kết luận “quy trách nhiệm cụ thể và rõ ràng” cũng hoàn toàn mang tính xây dựng.

Nếu chúng ta thực sự tin rằng sức mạnh của bài báo nằm ở chỗ cứu cánh là phục vụ con người trong cộng đồng thì, dù cho những bài chống tiêu cực có kết luận đả kích mạnh mẽ nhất, cũng có thể nhìn thấy được một tinh thần xây dựng xuất phát từ tính “công dân” của nhà báo.

-----------------------------------------------

1 Helen Sissons (2006), Practical Journalism, London, Sage Publications

2 Nguyễn Công Khanh: Lịch sử báo chí Sài Gòn - TPHCM, Nhà xuất bản Tổng hợp TP.Hồ Chí Minh, Sài Gòn, 2001, trang 22-23.

3 Theo văn hóa Mỹ thì chó là con vật được cưng, được yêu quý. Cách so sánh này có thể khá nhạy cảm ở Việt Nam chúng ta, do vậy, chúng tôi chỉ nêu lên như một trường hợp tham khảo

4 Trần Hà: A journey on the ethical mines, Poynter Institute, 2000.

5 Los Angeles Times, 2 April 1999.

6 Washington Post, June 17,2000.

7 Denis Brian: Pulitzer: A Life, Columbia University Press, New York, 2001.

Trần Ngọc Châu

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm