Khai thác tài nguyên phải cân đối ba lợi ích

LTS: Ngày 14-4, biểu thuế suất thuế tài nguyên đã không được Thường vụ Quốc hội thông qua với lý do “chưa đáp ứng được mục tiêu quan trọng là góp phần khuyến khích sử dụng tài nguyên tiết kiệm, nhất là tài nguyên không tái tạo”. Việc khai thác tài nguyên để phát triển kinh tế là cần thiết nhưng lại dễ mâu thuẫn với chiến lược giữ gìn nguồn tài nguyên bền vững và bảo vệ môi trường. Pháp Luật TP.HCM trân trọng giới thiệu bài phân tích của một nhà nghiên cứu lâu năm về kinh tế và chính sách, ông Nguyễn Trần Bạt, luật sư, Chủ tịch, Tổng Giám đốc Invest Consult Group, về vấn đề này.

Sự chú ý đến việc tìm kiếm và khai thác tài nguyên phục vụ cho phát triển kinh tế là hoạt động vừa tự nhiên, vừa bản năng, vừa tất yếu đối với chính phủ nhiều nước. Chỉ có điều chính phủ phải tính đến các phản ứng phụ của quá trình khai thác tài nguyên một cách đầy đủ.

Mất cân đối

Chúng ta đang tự giác và ý thức dần dần về vấn đề này nhưng ở trạng thái hiện nay là chưa đầy đủ. Cho nên giữa khai thác tài nguyên và bảo vệ môi trường hiện đang có sự mất cân đối rất rõ rệt. Chẳng hạn, nhìn lớp bụi than phủ lên các công trình xây dựng ở TP Hạ Long, chúng ta sẽ thấy ngay sự mất cân đối giữa khai thác tài nguyên và bảo vệ môi trường. Chúng ta có rất nhiều công ty mà trước đây gọi là công ty vệ sinh, sau này gọi là vệ sinh môi trường nhưng lực lượng làm công việc vệ sinh đơn giản nhiều hơn lực lượng bảo vệ môi trường. Cho nên lực lượng bảo vệ môi trường không theo kịp con hổ đói là lực lượng khai thác tài nguyên. Đấy là một sự mất cân đối.

Khai thác tài nguyên phải cân đối ba lợi ích ảnh 1

Hiện nay, việc khai thác tài nguyên và bảo vệ môi trường đang có sự mất cân đối rõ rệt. Ảnh minh họa: CTV

Quan trọng hơn là mất cân đối giữa quyền lợi do tài nguyên mang lại và các quyền lợi liên quan đến lãnh thổ, đến an ninh, quốc phòng. Có những loại tài nguyên nằm lọt trong lãnh thổ của chúng ta nhưng có những loại không hoàn toàn độc lập. Ở Việt Nam, không tính đến các con sông không có khả năng làm thủy điện thì không có con sông nào bắt nguồn từ trong nước cả. Nhưng dường như chúng ta quên mất điều đó khi quy hoạch thủy điện. Trong khi tính toán để khai thác tài nguyên nước, chúng ta còn quên mất điều cực kỳ quan trọng là chúng ta là một nước nông nghiệp. Nền nông nghiệp ấy sẽ trở thành con tin trong quá trình sử dụng tài nguyên nước, chúng ta sẽ rơi vào cái bẫy hạn hán hay thực ra là cái bẫy của chính sách đối ngoại. Để ý một cách toàn diện đến việc xây dựng các chính sách công nghiệp trong đó có tính đến các khía cạnh địa kinh tế, địa chính trị và các chính sách đối ngoại là bản lĩnh cần có của một chính phủ. Nếu không dành đủ thời lượng và lực lượng để nghĩ một cách toàn diện như vậy thì chúng ta sẽ luôn là con tin trong từng giai đoạn khác nhau của các chương trình kinh tế liên quan đến tài nguyên.

Tất cả bài toán khai thác tài nguyên đều là bài toán cân đối ba thứ: trong chính sách đối ngoại là cân đối lợi ích quốc gia; trong đối nội là cân đối giữa môi trường, sức khỏe người dân với lợi ích do tài nguyên mang lại; và cân đối lợi ích quốc phòng. Sự cân đối các lợi ích là đòi hỏi bắt buộc đối với các dự án khai thác tài nguyên.

Thưởng phạt nghiêm minh

Ở một nước nghèo đang thiếu vốn như chúng ta thì tài nguyên là một loại tiền vốn quan trọng, mà đã là tiền vốn thì nó phải được khấu hao. Cho nên cách tiệm cận tốt nhất đến vấn đề cân đối giữa tài nguyên và môi trường chính là phải khấu hao đối với các quá trình khai thác tài nguyên. Dùng công cụ khấu hao để kéo dài quá trình hoàn nguyên môi trường thì chúng ta vẫn đảm bảo có tương lai yên ổn mà không phải tính cùng một lúc tất cả chi phí hoàn nguyên.

Mặt khác, Chính phủ cần có một thái độ khắt khe và rõ ràng trong việc cân đối quyền lợi do khai thác tài nguyên mang lại với các quyền lợi mà một quốc gia cần phải bảo vệ. Nếu việc cân đối được những quyền lợi khác nhau xuất hiện cùng lúc với quá trình khai thác tài nguyên và được thể hiện một cách công khai, với những chế tài rành mạch, trừng phạt nghiêm khắc các trường hợp vi phạm thì chính phủ chúng ta sẽ có được uy tín theo chiều hướng: Trong khi khai thác tài nguyên vì những mục tiêu trước mắt, Chính phủ vẫn quan tâm một cách toàn diện đến quyền lợi dân tộc.

Cái khó là những lực lượng gây tác động môi trường một cách nghiêm trọng trên quy mô lớn thường chính là lực lượng các công ty nhà nước. Vì thế, nhà nước cần phải rất khách quan trong việc xử lý các công ty này. Hiện nay, mọi sự phạt của chúng ta đều ở mức phạt hành chính và phạt được xem như một loại chi phí cho quá trình kinh doanh chứ không phải là biện pháp tác động một cách sống còn đến sự tồn tại của một doanh nghiệp. Cho nên người ta sẵn sàng hạch toán tiền phạt. Vì vậy phải làm thế nào để sự trừng phạt liên quan đến sự tồn vong của doanh nghiệp phạm luật chứ không phải để biến phạt thành một quá trình hạch toán của doanh nghiệp và quá trình tăng cường nguồn thu của nhà nước.

Trong một nền kinh tế như Việt Nam, trong một trình độ phát triển như Việt Nam, chính phủ là lực lượng tiên phong của sự phát triển. Và tính tiên phong ấy được thể hiện ở chất lượng của các chính sách vĩ mô và chất lượng của sự thưởng và phạt đối với những vấn đề chiến lược cần phải tạo ra sự cân đối.

Chính sách đối ngoại phải sáng suốt

Xét một cách dài hạn, chúng ta có ba loại tài nguyên quan trọng nhất: dầu khí, đất đai và nước. Dù trực tiếp hay gián tiếp thì các tài nguyên chiến lược này đều liên quan đến đa quốc gia, cho nên phải có chiến lược khai thác dựa trên chính sách đối ngoại. Nếu chính sách đối ngoại không đủ sáng suốt, không đủ cương quyết, không đủ kinh nghiệm thì những loại tài nguyên ấy sẽ trở thành tài nguyên phụ thuộc và dần dần chúng ta sẽ trở thành quốc gia phụ thuộc.

Đánh giá địa vị tương lai của tài nguyên

Việc đánh giá khả năng chiến lược, địa vị tương lai của tài nguyên cũng phải làm sớm. Có những loại tài nguyên phải được khai thác nhanh vì cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, có thể nó sẽ không còn giá trị nữa. Còn những tài nguyên có giá trị phát triển trong một tương lai công nghệ nào đó thì phải làm chậm quá trình khai thác lại.

NGUYỄN TRẦN BẠT (ĐOAN TRANG ghi)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm