THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG CHỈ ĐẠO:

Khẩn trương cứu trợ, vệ sinh môi trường vùng lũ

Huy động lực lượng tìm kiếm người dân còn mất tích, khẩn trương cứu trợ những gia đình có người bị nạn, không để bất cứ người dân nào thiếu đói, giúp dân sửa sang, dọn dẹp và ổn định chỗ ở. Ngành y tế huy động toàn lực chăm sóc sức khỏe người dân, vệ sinh môi trường, không để dịch bệnh bùng phát; khôi phục giao thông, điện sinh hoạt… Ngày 9-10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã về Quảng Bình chỉ đạo như trên.

Trước đó, Thủ tướng đã đi thị sát những nơi còn bị ngập. Thủ tướng đã thăm, tặng quà cho bà con vùng lũ tại xã Duy Ninh, huyện Quảng Ninh và động viên, chia sẻ những thiệt hại, mất mát mà bà con đã gánh chịu.

Tại xã Tân Hóa (huyện Minh Hóa), hàng trăm người dân vẫn phải sống chen chúc trong hang đá và đang đối mặt với dịch tiêu chảy, sốt và đau mắt đỏ. Một số trẻ em bị bệnh nặng đã được đoàn cứu hộ đưa về bệnh viện trung tâm thị trấn điều trị. Tại huyện Minh Hóa vẫn còn nhiều thôn bị ngập lũ. Bốn canô chuyên vận chuyển hàng cứu trợ, lương thực và nước uống cho người dân vẫn không đáp ứng nổi.

Khẩn trương cứu trợ, vệ sinh môi trường vùng lũ ảnh 1

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm hỏi, động viên nhân dân xã Duy Ninh, huyện Quảng Ninh. Ảnh: TTXVN

Sở Y tế Quảng Bình cho biết đoàn cứu trợ của Sở đã vào cấp thuốc và khám chữa bệnh cho người dân xã Tân Hóa, đưa cán bộ y tế về đây để chủ động phòng chống dịch bệnh, giúp người dân xử lý nước, làm sạch môi trường. Tỉnh đã phân bổ 150 cơ số thuốc và 150 kg Cloramin B bột và 300.000 viên Cloramin B về các vùng ngập lũ. Sở cũng đã tăng cường cán bộ y tế về các xã để hỗ trợ phòng chống dịch bệnh, khám chữa bệnh cho người dân…

Các mặt hàng rau quả, nước uống và chất đốt khan hiếm. Không có điện nên người dân không thể mang lúa đi xay xát, mì tôm vẫn là lương thực chủ yếu. Theo thống kê của Ban PCLB&TKCN tỉnh Quảng Bình, đến ngày 9-10 tỉnh này có 42 người chết, 17 người mất tích, ba tàu cá với 16 thuyền viên vẫn chưa liên lạc được, hàng ngàn ngôi nhà bị sập và lũ cuốn trôi…, thiệt hại ước tính gần 1.300 tỉ đồng. Tỉnh đã tiếp nhận sự chia sẻ từ các tổ chức, cá nhân trong cả nước hơn 6 tỉ đồng và mang hơn 100 tấn mì tôm, gần 100 tấn gạo, 2.000 thùng nước uống, 800 lít dầu ăn… đi cứu trợ, phân phát cho bà con.

 Rau trở thành thức ăn xa xỉ. Giá rau đắt hơn cả thịt, cá. Tại huyện Bố trạch (Quảng Bình), một bó rau ngót ngày thường chỉ khoảng 2.000 đồng, giờ 7.000-8.000 đồng nhưng không có mà mua. Bắp su, cải thảo, mướp đắng... đều tăng giá từ 30% đến 40%.

Ông Nguyễn Đình Định chủ cơ sở sản xuất rau sạch ở Quảng Thành, (Thừa Thiên-Huế), cho biết toàn bộ 50 ha vùng trồng rau bị hư hại hoàn toàn.

 Tỉnh Hà Tĩnh đã cấp phát cho dân 1,5 tỉ đồng và 30 tấn mì tôm, 20 tấn gạo và phát đủ thuốc chữa bệnh và hóa chất khử trùng cho các huyện ngập lũ. Cục Y tế dự phòng và Môi trường cũng đã cấp thêm cho Hà Tĩnh 1.750 kg Cloramin B, 18 máy phun hóa chất; Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương cấp 1 tấn Cloramin B; Bộ Y tế hỗ trợ 150.000 viên Aquatabs, 100 phao cứu sinh, 100.000 viên Cloramin B… để kịp khắc phục, khử trùng sau lũ.

Tính đến chiều tối 9-10, Hà Tĩnh vẫn còn ba xã Hà Linh, Phương Mỹ, Phương Điền (huyện Hương Khê) bị ngập. Đến chiều cùng ngày, Hà Tĩnh có 12 người chết, năm người bị thương.

62 km đường sắt Bắc-Nam đoạn Hà Tĩnh-Quảng Bình đã được sửa xong. Ông Nguyễn Viết Hiệp, Trưởng Ga Vinh, cho biết: Mặc dù đã đi vào hoạt động nhưng tuyến đường sắt Vinh-Đồng Hới vẫn còn 15 điểm xung yếu phải chạy ở tốc độ tối thiểu.

Gượng dậy sau lũ dữ

Tài sản bị cuốn trôi, cái ăn hằng ngày thiếu thốn, thêm nguy cơ dịch bệnh… Là địa phương thiệt hại nặng nề nhất, sau mưa lũ, người dân Quảng Bình lại gượng dậy, tất bật dọn bùn, dựng lại mái nhà, gầy lại mảnh ruộng…

Khẩn trương cứu trợ, vệ sinh môi trường vùng lũ ảnh 2

Nước lũ ngập nhà, hai anh em Ngô Văn Hùng và Ngô Văn Dũng - học sinh Trường THCS Sơn Trạch (Bố Trạch) phải leo lên mái nhà phơi sách. “Bố em bị ung thư  máu, phải nằm bệnh viện ở Huế. Sách vở ướt nát, rách hết, không có tiền mua lại, chắc hai anh em phải bỏ học thôi”. Ảnh: HÀ LINH

Khẩn trương cứu trợ, vệ sinh môi trường vùng lũ ảnh 3

Học sinh trường THCS Châu Hóa (Tuyên Hóa) làm vệ sinh trường sau lũ. Ảnh: HÀ LINH

Khẩn trương cứu trợ, vệ sinh môi trường vùng lũ ảnh 4

Chị Trần Thị Lài ở thôn Tân Thượng, xã Quảng Hải mang lúa ra phơi để vớt vát. Nhưng lúa bị ngâm nước nhiều ngày, hơn 1 tấn lúa của vợ chồng chị đều lên mầm, bốc mùi. Ảnh: HÀ LINH

Khẩn trương cứu trợ, vệ sinh môi trường vùng lũ ảnh 5

Người dân thôn Củ Lạc (xã Sơn Trạch) đang dựng lại nhà bị sập sau lũ dữ. Ảnh: LÊ PHI

Khẩn trương cứu trợ, vệ sinh môi trường vùng lũ ảnh 6

Công nhân điện lực huyện Quảng Trạch dựng lại cột điện bị nước lũ quật ngã. Nước lũ đã làm ngập 1.740 km đường dây trung hạ thế, 218 trạm biến áp, 30.000 công tơ bị hỏng. Ảnh: HÀ LINH

NHÓM PV - CTV

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm