Không biết điện mà làm thủy điện: Phải loại ngay!

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã chỉ đạo như thế tại hội nghị đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết 11/2014 của Chính phủ về tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành, khai thác công trình thủy điện do bộ này chủ trì, diễn ra sáng 6-8. Hội nghị có sự tham dự của Bộ NN&PTNT, Xây dựng, KH&ĐT, TN&MT cùng 38 tỉnh, TP có dự án thủy điện.

Loại 415 dự án khỏi quy hoạch

Tại cuộc họp này, ông Đặng Huy Cường, Tổng Cục trưởng Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương), cho biết hiện đang có 204 dự án đang thi công và dự kiến từ nay đến năm 2017 sẽ vận hành phát điện (cùng với 284 công trình thủy điện với công suất lắp máy trên 14.698,10 MW đang vận hành). Bên cạnh đó, có 250 dự án đang nghiên cứu đầu tư và 78 dự án chưa nghiên cứu đầu tư, chưa có nhà đầu tư đăng ký. Theo ông Cường, cho đến nay qua rà soát, Bộ Công Thương đã loại khỏi quy hoạch 12 dự án thủy điện nhỏ vì hiệu quả thấp. Trước đó, vào năm 2013, Thủ tướng đã đồng ý loại khỏi quy hoạch 405 dự án đầu tư thủy điện, trong đó có 403 dự án đầu tư nhỏ. Như vậy sẽ có 415 dự án thủy điện nhỏ bị loại khỏi quy hoạch.

Trong số các thủy điện vừa và nhỏ, ông Cường cho rằng phần lớn chủ đầu tư là doanh nghiệp tư nhân, chuyên môn về thủy điện còn hạn chế nên quản lý dự án chưa chặt chẽ. “Nhiều đơn vị tư vấn mới thành lập thiếu kinh nghiệm, nhà thầu thi công thiếu thiết bị và nhân lực. Trong quá trình đầu tư xây dựng, thậm chí có một số chủ đầu tư tự ý điều chỉnh quy mô, thay đổi thiết kế bán vẽ so với hồ sơ được duyệt” - ông Cường nêu thực tế.

Người dân sống ở vùng hạ du khổ sở vì vụ vỡ đê quai đập thủy điện Ia Krel 2 (Gia Lai). Ảnh: LÊ GIA

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Xuân Tiến, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, cho biết Lâm Đồng có 83 dự án thủy điện vừa và nhỏ, qua khảo sát đã đề nghị loại bỏ 46 dự án vì không hiệu quả do liên quan đến đất rừng, vấn đề môi trường. “Quan điểm của tỉnh là đối với các dự án thủy điện nhỏ, tác động nhiều diện tích đất rừng và không có hiệu quả thì tiếp tục kiến nghị bỏ, trừ khu vực vùng sâu, vùng xa cần giải quyết nhu cầu về điện cho đồng bào dân tộc thiểu số. Bộ Công Thương nên lưu ý đến các đơn vị ngoài ngành điện để đảm bảo hiệu quả chung” - ông Tiến cho biết.

Qua lắng nghe ý kiến địa phương, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng yêu cầu các tỉnh phải siết chặt hơn nữa các khâu từ khảo sát, thiết kế đến thi công và giám sát công trình. Nếu phát hiện những nhà đầu tư thiếu năng lực, thiếu chuyên môn về ngành điện thì dứt khoát loại bỏ.

Không trồng rừng thay thế, sẽ rút giấy phép

Cùng với những hạn chế trên, tại cuộc họp, nhiều địa phương cũng phản ánh tình trạng nhiều dự án thủy điện không trồng rừng thay thế như cam kết. Ông Tiến tiếp tục cho biết việc trồng rừng thay thế ở các dự án thủy điện rất khó triển khai. Lâm Đồng có tám đơn vị đăng ký trồng rừng thay thế thì hai đơn vị xin đất trồng, còn lại xin nộp tiền và cam kết nhưng chưa ai thực hiện. “Vậy chế tài nào để ép người ta thực hiện. Mình không có quyền yêu cầu ngừng phát điện. Đây là vướng mắc về cơ chế” - ông Tiến bày tỏ.

Chia sẻ thêm, ông Lê Trọng Quảng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu, nói: “Hiện tỉnh gặp khó khăn trong việc bố trí đất cho các chủ đầu tư trồng rừng thay thế. Hơn nữa, nếu để các chủ đầu tư tự trồng thì khả năng cao là “10 cây chết, một cây gật gù”, bởi chủ đầu tư không có chuyên môn về trồng rừng”. Theo ông Quảng, thay vì để chủ đầu tư trồng rừng thì chuyển bằng tiền cho địa phương và địa phương sẽ hỗ trợ cho các gia đình có đất nương rẫy chuyển sang trồng rừng, cho phép trồng cả các cây kinh tế như cao su, mắc cao, cây ăn quả… “Nếu cứng nhắc phải có đất thì mới trồng rừng thì chắc chắn sẽ vướng” - ông Quảng kiến nghị.

Bên cạnh trồng rừng thay thế thì câu chuyện chi trả dịch vụ môi trường rừng cũng được các địa phương nêu ra. Ông Quảng cho hay trong năm 2014, tỉnh thu hơn 200 tỉ đồng nhưng có một số nhà máy (không thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam) việc đôn đốc thu hồi rất khó. Do vậy lãnh đạo tỉnh Lai Châu đề xuất cần có chế tài xử lý các trường hợp chậm trả phí môi trường rừng.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng khẳng định vấn đề trồng bồi thường rừng, Bộ Công Thương đã có văn bản đôn đốc việc này. Tuy nhiên, do văn bản yêu cầu hơi gấp nên trong điều kiện các đơn vị chưa trồng bồi thường rừng ngay được thì cấp giấy phép tạm thời trong một năm. Sau thời gian đó nếu không trồng bù rừng thì xem xét rút giấy phép chủ đầu tư.

TRÀ PHƯƠNG

Cần lắp đặt hệ thống cảnh báo dưới hạ lưu

Bộ Công Thương cần chỉ đạo việc xây dựng, lắp đặt hệ thống cảnh báo dưới hạ lưu đập để rút kinh nghiệm sau đợt lũ 2013, xả lũ mà người dân không nắm được. Mặt khác, các công trình thủy điện ở miền Trung và miền Nam có xu hướng giao quản lý quy trình vận hành hồ trong mùa lũ cho các tỉnh thay vì để chủ hồ tự vận hành, do đó các địa phương cần quan tâm, chỉ đạo sâu sát trong điều hành ngay mùa lũ năm nay. Mặt khác, chủ tịch các tỉnh cần tuyên truyền, phổ biến cho nhân dân về quy trình vận hành để giảm thiệt hại do xả lũ cho vùng hạ du.

Ông CHÂU TRẦN VĨNH, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước, Bộ TN&MT

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm