Không để người tố cáo tham nhũng đơn độc

Thực tế có không ít trường hợp người phát hiện, tố cáo tham nhũng bị đe dọa, hành hung, trả thù đủ kiểu. Để bảo vệ họ cũng như tạo sự an tâm và khuyến khích mọi người tích cực tham gia tố cáo hành vi tham nhũng, UBND TP.HCM đang xây dựng Quy chế Bảo vệ và khen thưởng người phát hiện, tố cáo hành vi tham nhũng.

Quy chế này đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo người dân và các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng quy chế vẫn chưa nêu rõ trách nhiệm cũng như các biện pháp để ràng buộc trách nhiệm đối với các cơ quan có thẩm quyền khi thực hiện không đúng quy chế.

Bảo vệ cả người thân

Theo dự thảo quy chế, đối tượng được bảo vệ khi tố cáo tham nhũng không chỉ là bản thân người phát hiện và cung cấp chính xác thông tin, tài liệu, chứng cứ liên quan đến hành vi tham nhũng mà người thân của họ cũng sẽ được bảo vệ. Cụ thể là vợ, chồng, con đẻ, con nuôi, cha mẹ hoặc người thân khác của người phát hiện, làm chứng, người bị hại trong các vụ án tham nhũng. Họ sẽ được bảo vệ về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp. Việc bảo vệ sẽ được thực hiện trong suốt thời gian họ có nguy cơ hoặc đã bị tấn công, bị xâm hại do việc phát hiện, tố cáo hành vi tham nhũng.

Không để người tố cáo tham nhũng đơn độc ảnh 1

Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân, Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng TP (ngoài cùng bên trái), đang lắng nghe các gương phòng chống tham nhũng kể về hành trình tố cáo tham nhũng tại buổi họp mặt các cá nhân có thành tích trong phòng chống tham nhũng vào tháng 6-2009. Ảnh: T.HẰNG

Thanh tra, công an, VKSND TP và quận, huyện, thanh tra chuyên ngành là các cơ quan có thẩm quyền thụ lý những thông tin tố cáo tham nhũng. Theo dự thảo, các cơ quan này khi nhận được thông tin tố cáo phải có văn bản gửi về thường trực Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng TP trong thời gian 24 giờ để có chỉ đạo các biện pháp bảo vệ. Trong vòng 8 tiếng, thường trực Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng TP sẽ có trách nhiệm yêu cầu chủ tịch UBND quận/huyện, cơ quan công an và các đơn vị liên quan thực hiện biện pháp bảo vệ người tố cáo. Trong trường hợp khẩn cấp, nguy hiểm, ban chỉ đạo sẽ trao đổi trực tiếp bằng điện thoại để bảo vệ kịp thời người phát hiện, tố cáo tham nhũng. Việc bảo vệ người tố cáo tham nhũng sẽ được thực hiện gián tiếp thông qua việc giữ bí mật thông tin về người phát hiện, tố cáo tham nhũng. Ngoài ra họ và thân nhân của họ cũng được bảo vệ trực tiếp tính mạng, danh dự, nhân phẩm, tài sản và lợi ích hợp pháp khác.

Thiếu địa chỉ cụ thể

“Việc xây dựng quy chế này là cần thiết và rất đáng hoan nghênh. Nhưng để quy chế này có sức sống và đạt hiệu quả khi ban hành thì vẫn còn nhiều điều chưa được đặt ra. Cụ thể nhất là dự thảo chưa làm rõ địa chỉ trách nhiệm cụ thể của từng cơ quan có thẩm quyền thụ lý thông tin tố cáo tham nhũng. Như vậy dễ dẫn đến tình trạng đùn đẩy trách nhiệm và cuối cùng không ai chịu trách nhiệm cả” - TS Lê Văn In, chuyên gia hành chính, nói.

Theo ông In, dự thảo chỉ mới nêu chung chung về quy trình bảo vệ, hình thức bảo vệ, các cơ quan có thẩm quyền thụ lý thông tin để bảo vệ nhưng nếu các cơ quan này không thực hiện đúng theo những gì quy chế đặt ra thì sao. Các cơ quan có thẩm quyền trong việc này chịu trách nhiệm ra sao và bị xử lý như thế nào vẫn còn bỏ ngỏ. “Khi nào quy chế chưa đề cập đến vấn đề này thì chưa thể ràng buộc các cơ quan có trách nhiệm để bảo vệ người tố cáo tham nhũng”.

Ông Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó Chủ tịch UB MTTQ TP, cũng cho rằng dự thảo còn thiếu các giải pháp ràng buộc trách nhiệm của các cơ quan chức năng. “Thực tế, tình trạng đơn tố cáo mới gửi đi hôm trước hôm sau người bị tố cáo đã biết ai tố cáo mình, hoặc đơn tố cáo gửi đi lại được gửi ngược về ngay người bị tố cáo không phải là hiếm. Vì vậy cần có quy định biện pháp xử lý đối với những ai làm lộ thông tin của người tố cáo tham nhũng cũng như những người xử lý thông tin tố cáo chậm trễ dẫn đến nguy hiểm cho người tố cáo” - ông Đằng góp ý.

Cần tạo được sự an tâm

Ông Đằng lưu ý: Những kẻ tham nhũng thường móc nối với người có quyền lực để tạo thành đường dây. Vì vậy muốn bảo vệ người tố cáo thì phải tìm ra đường dây tiếp tay tham nhũng và trừng trị tận gốc thì mới đảm bảo an toàn cho người tố cáo. Ông In cũng nêu lên tình trạng hiện nay, đa số người tố cáo tham nhũng đều là những trường hợp rơi vào tình thế bị ép vào chân tường, bức bách quá nên họ đi tố cáo. Và họ luôn ở trong vị thế yếu hơn kẻ tham nhũng nên càng dễ bị đe dọa, trù dập hơn.

“Quy chế cũng cần nêu rõ thực trạng tham nhũng hiện nay để các cơ quan công quyền cũng như người dân nhận thức về tham nhũng như giặc ngoại xâm, ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ để có một thái độ quyết liệt phòng, chống tham nhũng. Từ đó mới thấy được trách nhiệm bảo vệ người phòng chống tham nhũng cũng giống như bảo vệ các chiến sĩ xả thân đánh giặc, giữ nước” - ông In nhấn mạnh.

Theo ông Đằng, điều quan trọng nhất vẫn là quyết tâm phòng chống tham nhũng của các cấp chính quyền. Phải xem việc bảo vệ người tố cáo tham nhũng là một hành động đương nhiên để loại bỏ một tệ nạn xấu của xã hội. “Những người tố cáo tham nhũng không mong sẽ được khen thưởng gì đâu mà điều họ cần là trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng họ không bị đơn độc để họ cảm thấy an tâm cũng như được bảo vệ an toàn” - ông nói.

THU HẰNG 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm