Không thể nôn nóng!

Theo đó Thủ tướng yêu cầu phải nghiên cứu kỹ tính khả thi cũng như tác động của việc thu phí trước khi trình Ủy ban Thường vụ QH xem xét. Cụ thể, Thủ tướng giao Bộ GTVT phối hợp với Bộ Tài chính tham khảo, giải trình, tiếp thu ý kiến của các cơ quan, địa phương liên quan, tập trung nghiên cứu, xác định rõ mục tiêu, nội dung, cơ sở khoa học và thực tiễn, tính khả thi cũng như các tác động của việc thu các khoản phí này. Từ đó mới xây dựng đề án trình Chính phủ xem xét, cho ý kiến trước khi báo cáo Ủy ban Thường vụ QH theo quy định.

Trước đó, do quá nôn nóng với tình trạng ùn tắc giao thông tại Hà Nội và TP.HCM do mật độ xe cá nhân lớn, Bộ GTVT đã trình Thủ tướng đề nghị Ủy ban Thường vụ QH ban hành nghị quyết bổ sung phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân và phí ô tô đi vào trung tâm TP giờ cao điểm vào danh mục phí, lệ phí. Ngay khi đó, việc đề xuất này đã bị dư luận xã hội, các chuyên gia phản ứng bởi mục tiêu, tính khả thi và cả cơ sở pháp lý không rõ ràng, nhất là khi chính bộ chủ quản cũng không đánh giá được tác động của việc đề ra chính sách mới thông qua thừa nhận của Bộ trưởng Đinh La Thăng rằng “không dám chắc” thu phí sẽ hết tắc đường!

Hơn thế, thông qua việc đổi giờ làm ở Hà Nội sau ba tuần cho thấy không phải “đã hết cách” chữa bệnh tắc đường, bởi quan trọng nhất là mật độ xe, dù cao nhưng vẫn chưa phải là nguyên nhân chính. Thêm nữa, đề tài nghiên cứu của Viện Khoa học Công nghệ GTVT qua việc đưa kỹ sư xuống đường cho thấy nguyên nhân gây tắc nằm ở chỗ tổ chức giao thông và phân luồng kém; cùng với đó là sự thiếu chuẩn bị các phương tiện công cộng thay thế xe cá nhân trước nhu cầu đi lại ngày một cao của người dân.

Nhìn rộng ra không chỉ Bộ GTVT mà một vài địa phương gần đây luôn có biểu hiện muốn “xé rào” về cách làm nhưng lại nhân danh mục đích để từ đó tự mình đưa ra hoặc đề xuất áp dụng cơ chế riêng. Dường như các cơ quan ấy đã quên một điều rằng, đã là quản lý nhà nước thì không thể nôn nóng!

PHAN MAI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm