Kiến nghị giới hạn tuổi công chứng viên

Tại cuộc tọa đàm lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 02/2008/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Công chứng do Bộ Tư pháp tổ chức sáng 23-3, nhiều đại biểu vẫn băn khoăn về quy định: “Công chứng viên phải có đủ sức khỏe để hành nghề công chứng và không quá 65 tuổi khi đề nghị bổ nhiệm”.

Gừng già nhưng… không cay

Đại diện Sở Tư pháp Vĩnh Phúc băn khoăn quy định như trên liệu có trái luật, khi mà Luật Công chứng không đề cập tới vấn đề này? Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hải Phòng Bùi Đình Hiện thì bình luận, đã “đủ sức khỏe” thì “gừng càng già càng cay”, sao còn giới hạn về độ tuổi. Mặt khác, người dưới 65 tuổi được bổ nhiệm thì được làm đến năm bao nhiêu tuổi?

Trong khi đó, nhiều đại biểu khác lên tiếng ủng hộ quy định “xiết” độ tuổi bổ nhiệm công chứng viên. “Ở lứa tuổi quá 65, hiếm người còn “cay” được lắm!” - ông Đặng Mạnh Tiến, Trưởng phòng Công chứng số 4 TP Hà Nội, nói. Thực tế, có những trường hợp công chứng viên lớn tuổi chỉ ký tên, đóng dấu, còn toàn bộ mọi việc đều do con, cháu xử lý. Ông Tiến kiến nghị nghị định cần quy định độ tuổi tối đa được hành nghề là 70 và phải có lộ trình kiểm tra sức khỏe đối với những công chứng viên nằm trong độ tuổi từ 60 đến 70.

Trưởng phòng Bổ trợ tư pháp của Sở Tư pháp TP Hà Nội, ông Phạm Thanh Cao nêu vài trường hợp “khó xử” của Hà Nội: Vừa qua, có công chứng viên khi được tái bổ nhiệm đã 77 tuổi, một vị khác thì chân bị khoèo toàn bộ… Từ đó, ông Cao cho rằng dự thảo cần định lượng cụ thể thế nào là “đủ sức khỏe để hành nghề”.

Kiến nghị giới hạn tuổi công chứng viên ảnh 1

Công chứng viên đang công chứng giấy tờ cho người dân tại TP.HCM. Ảnh minh họa: HTD

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đức Chính kết luận: Cần phải “giải mã” câu chuyện này, tuy nhiên việc này hoàn toàn không đơn giản. “Nếu chỉ căn cứ vào giấy chứng nhận sức khỏe của bệnh viện đa khoa cấp tỉnh thì không ổn. Có người thị lực chỉ còn 1/10 nhưng vẫn có thể dễ dàng xin được chứng nhận 10/10” - ông Chính phân tích. Thứ trưởng cũng cho rằng việc kiểm tra sức khỏe khi có nghi vấn là cần thiết nhưng cần cân nhắc quy định ở đâu cho phù hợp.

Về độ tuổi của công chứng viên, Thứ trưởng cũng đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu có nên quy định trong nghị định hay không. “Chúng ta thấy rằng việc quy định độ tuổi tối đa đối với công chứng viên là cần thiết nhưng với nước ta, đây là vấn đề mới. Pháp luật chỉ giới hạn độ tuổi công chức là 55-60 còn các nghề tự do thì không quy định”.

Lúng túng khi công chứng viên chết

Cũng tại cuộc tọa đàm này, vụ việc của Văn phòng công chứng (VPCC) Việt Tín một lần nữa được nhắc tới để minh chứng cho sự lúng túng, khó khăn của Sở Tư pháp TP Hà Nội khi giải quyết hậu quả đối với trường hợp công chứng viên duy nhất của VPCC chết. Địa phương trông đợi nhiều vào hướng dẫn từ phía Bộ Tư pháp, tuy nhiên dự thảo nghị định chỉ quy định mang tính nguyên tắc: Trong trường hợp công chứng viên chết, VPCC chấm dứt hoạt động; việc giải quyết quyền, nghĩa vụ về tài sản được “thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự và các quy định khác có liên quan”.

Công chứng viên Đặng Mạnh Tiến cho rằng quy định như vậy quá chung chung, không giải quyết được vấn đề gì. Theo quy định thì người thừa kế sẽ có quyền và nghĩa vụ; “phần quyền thì dễ, tài sản cứ thế chia nhau, còn nghĩa vụ giải quyết rất khó. Có những trường hợp sau nhiều năm mới phát sinh nghĩa vụ với người thứ ba, người thừa kế có chịu thực hiện nghĩa vụ này không?...”.

Nhiều ý kiến có đề xuất khác: Đối với trường hợp công chứng viên mất năng lực hành vi, mất tích, hoặc vì một lý do nào đó không còn đủ điều kiện sức khỏe thì VPCC đó cũng phải chấm dứt hoạt động trong trường hợp VPCC có một công chứng viên.

Lại bị hộ khẩu ràng buộc?

Điều 6 dự thảo nghị định quy định: Công chứng viên có quyền lựa chọn nơi hành nghề công chứng trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi đăng ký hộ khẩu thường trú và phải đăng ký hành nghề công chứng tại Sở Tư pháp nơi thường trú. Trường hợp thay đổi nơi đăng ký hộ khẩu thường trú thì phải đăng ký hành nghề công chứng tại Sở Tư pháp nơi thường trú và đề nghị Bộ Tư pháp cấp lại thẻ công chứng viên. Các ý kiến tại tọa đàm đều thống nhất đề xuất không nên hạn chế phạm vi hành nghề của công chứng viên như dự thảo, trong khi Luật Công chứng quy định công chứng viên “được lựa chọn nơi để hành nghề công chứng” (trừ công chứng viên của phòng công chứng).

Thứ trưởng Nguyễn Đức Chính cũng cho rằng quy định như vậy không ổn vì công chứng viên được bộ trưởng bổ nhiệm thì việc bổ nhiệm này phải có giá trị trên toàn quốc. Tuy nhiên, ông Chính cũng nhắc tới quy định tại Điều 37 của luật: “Công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng có thẩm quyền công chứng các hợp đồng, giao dịch về bất động sản trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở” và đề nghị ban soạn thảo cần tiếp tục cân nhắc vấn đề này.

ĐỨC MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm