Kiến nghị xây dựng Luật Chứng thực

Vụ trưởng Vụ Hành chính-Tư pháp, ông Trần Thất, khẳng định việc tách hoạt động chứng thực khỏi hoạt động công chứng và giao thẩm quyền chứng thực bản sao, chứng thực chữ ký cá nhân cho phòng Tư pháp và UBND cấp xã là “quyết định đúng đắn cả về chủ trương lẫn thời điểm”.

Theo số liệu từ Bộ Tư pháp, trước thời điểm chuyển giao, số việc bản sao chiếm 95%-98% số việc công chứng. “Nếu vẫn để gần 1,3 tỉ bản sao (tính từ 1-6-2007 đến 30-6-2009) cho công chứng thì sẽ không thể giải tỏa được tình trạng ách tắc, xếp hàng tại các phòng công chứng trong nhiều năm trước đó, công chứng viên không thể “rảnh tay” tập trung công chứng hợp đồng, giao dịch…” - ông Thất nói. Mặt khác, việc phân cấp theo tinh thần Nghị định 79 nêu trên đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và các tổ chức giảm đáng kể thời gian, chi phí đi lại so với trước đây.

Ông Thất cũng cho biết công việc tư pháp ở cấp xã hiện đang trong tình trạng quá tải trong khi đại đa số các địa phương chỉ bố trí một cán bộ tư pháp hộ tịch. Lãnh đạo UBND cấp xã “do bận nhiều việc nên việc phân công trực lãnh đạo để ký văn bản chứng thực gặp khó khăn”.

Cạnh đó, một số UBND cấp xã đã lợi dụng thẩm quyền của mình trong chứng thực để bắt buộc người dân phải thực hiện xong các nghĩa vụ về thuế, các loại tiền quỹ của địa phương thì mới chứng thực. Một số nơi khác thì tự đặt ra quy định bắt buộc người yêu cầu chứng thực phải có hộ khẩu tại địa phương… “Các sở Tư pháp cần tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra và xử lý những trường hợp vi phạm nêu trên” - Bộ Tư pháp lưu ý.

Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, cả nước hiện có 254 tổ chức hành nghề công chứng, trong đó có 123 văn phòng công chứng tư với 636 công chứng viên. Như vậy, trong hai năm rưỡi thực hiện Luật Công chứng, tốc độ phát triển của tổ chức hành nghề công chứng và số công chứng viên bằng tốc độ tăng 15 năm trước đây. Nhờ đó, hiện tượng ùn tắc, quá tải, “cò” công chứng… tồn tại nhiều năm qua đã không còn…

ĐỨC MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm