Lần đầu có nghị quyết về chính phủ điện tử

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà chia sẻ trong buổi họp báo chiều 20-10 giới thiệu Nghị quyết 36a về chính phủ điện tử mới được ban hành.

Cách làm mới, tránh sai lầm cũ

Đề án 112 về tin học hóa hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2010 có cách tiếp cận sai lầm là Văn phòng Chính phủ đứng ra xây dựng các phần mềm để kết nối với các địa phương, đồng thời các địa phương cũng phải sử dụng chung các phần mềm để quản lý văn bản, giấy tờ. Và cũng Văn phòng Chính phủ đứng ra mua sắm phần cứng, đào tạo nhân lực... cho phía dưới.

Còn theo tinh thần Nghị quyết 36a, Chính phủ phân công nhiệm vụ cho các bộ, ngành, địa phương với mục tiêu, tiêu chí cụ thể để đánh giá chính phủ điện tử. Còn lại phần mềm hệ thống, phần cứng thiết bị là để các cấp tự mua sắm và tổ chức để doanh nghiệp CNTT tham gia.

“Văn phòng Chính phủ rất nhiều việc nhưng chỉ là làm về chính phủ điện tử chứ không làm công nghệ cụ thể” - ông Hà cho biết.

Cũng theo ông Hà, cơ sở hạ tầng, năng lực ứng dụng CNTT vào quản lý nhà nước hiện đã tiến bộ hơn rất nhiều thời điểm Đề án 112. Gần như tất cả bộ, ngành, tỉnh, thành đều đã có hệ thống quản lý văn bản, giấy tờ hành chính. Việc tiếp theo là kết nối, liên thông với nhau. Theo đó sẽ xây dựng hệ thống điện tử từ Chính phủ đến cấp xã, hình thành hệ thống thông tin chia sẻ, dữ liệu dùng chung.

Việc phát triển chính phủ điện tử tới đây sẽ tập trung vào ba nhóm lĩnh vực: nhóm liên quan trực tiếp tới số đông như đất đai, xây dựng, giao thông, môi trường; nhóm tạo tác động sâu rộng như quản lý doanh nghiệp, đầu tư; và nhóm hoạt động dễ phát sinh tiêu cực như thuế, hải quan, dịch vụ công...

Chính phủ cũng giao việc cụ thể cho từng ngành. Văn phòng Chính phủ có trách nhiệm lập cổng dịch vụ công quốc gia để tích hợp tất cả dịch vụ công trực tuyến của các bộ ngành, địa phương...

Phó Chủ nhiệm VPCP, Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin Lê Mạnh Hà.  Ảnh: Chinhphu.vn

Giảm tiêu cực, sai sót

Dự báo về tác động của nghị quyết này, ông Hà khẳng định sẽ khắc phục được rất nhiều hạn chế, yếu kém trong quản lý nhà nước. “Như BHYT, một năm mấy chục triệu lượt khám, chữa bệnh, trong khi dân số cả nước có 90 triệu, chứng tỏ chi sai, chi lặp rất lớn. Tổng chi mỗi năm cả 50.000 tỉ đồng, sai sót có thể tới 20%-30%, có phần do cách làm hồ sơ, giấy tờ thủ công. Tới đây ứng dụng tin học vào kê khai hồ sơ, rồi chữ ký số... chắc chắn tiêu cực, sai sót sẽ giảm”.

Đáng chú ý, nghị quyết của Chính phủ còn giao Văn phòng Chính phủ thiết lập mạng xã hội - chính quyền để người dân tham gia ý kiến vào quá trình xây dựng pháp luật. Trên tinh thần này, Cổng thông tin điện tử Chính phủ (plo.vn) đang thí điểm mở trên Facebook tài khoản “Thông tin Chính phủ” để đăng tải các thông cáo báo chí, thông tin về lãnh đạo, chỉ đạo của Thủ tướng, các phó thủ tướng, cũng như một số hoạt động của Chính phủ.

Ông Vi Quang Đạo, Tổng Giám đốc plo.vn, cho biết thử nghiệm từ đầu tháng 10 tới nay thấy phản hồi khá tích cực. Thời gian tới plo.vn sẽ làm việc với đại diện Facebook tại Việt Nam để hợp tác trong việc đưa thông tin Chính phủ lên mạng xã hội.

Công khai tiến độ giải quyết hồ sơ của cơ quan nhà nước

Từ cuối tháng 8 đến nay, Văn phòng Chính phủ đã thử nghiệm kết nối liên thông hệ thống quản lý văn bản với 27 UBND tỉnh, thành và ba bộ. Từ ngày 15-10 đã phối hợp với TP.HCM công khai tiến độ giải quyết hồ sơ của địa phương này trên plo.vn. Theo đó, chỉ số tự động cập nhật tính đến 0 giờ ngày 19-10, TP.HCM đã giải quyết 87% hồ sơ đúng hạn theo luật định.

“Sau khi kết nối thành công, chúng tôi sẽ công khai kết quả xử lý hồ sơ của tất cả tỉnh, thành, bộ, ngành để nội bộ thi đua và người dân giám sát. Mục tiêu là 1-1-2016 phải liên thông được tất cả hệ thống quản lý văn bản của tất cả các nơi với Văn phòng Chính phủ. Nơi nào khó khăn, chưa thông, trên này có đủ công cụ để áp đặt, làm bằng được” - ông Lê Mạnh Hà cho biết.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm