Lập Ủy ban bảo vệ quyền con người

Ngày 15-3, Bộ Tư pháp đã tổ chức “Hội nghị góp ý Dự thảo Báo cáo kết quả lấy ý kiến của Bộ Tư pháp về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp (HP) năm 1992”. Theo dự thảo báo cáo này, Bộ Tư pháp đã đề xuất sửa đổi khá nhiều quy định về quyền con người, quyền công dân theo hướng chỉ được hạn chế theo luật định. Đặc biệt hơn, bộ này kiến nghị lập một thiết chế và có thể thuộc QH để bảo vệ và thúc đẩy quyền con người.

Hạn chế quyền phải do luật định

Về tên gọi của HP, Bộ Tư pháp cho rằng HP 1992 đã được sửa đổi, bổ sung lần thứ nhất vào năm 2001. Lần này, việc sửa đổi, bổ sung tương đối toàn diện nên cần sửa tên gọi cho đúng là HP năm 2013.

Đi sâu vào các nội dung được đề cập trong chương Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, Bộ Tư pháp đề nghị thay tất cả cụm từ “theo quy định của pháp luật” bằng cụm từ “theo quy định của luật” hoặc “do luật định”. “Có như vậy mới bảo đảm tính pháp chế trong việc bảo vệ quyền con người, quyền, nghĩa vụ công dân” - Bộ Tư pháp nêu quan điểm.

Về quy định tại Điều 30 của dự thảo “Công dân có quyền biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân”, Bộ Tư pháp cho rằng quy định như trên chưa thể hiện được đây là quyền công dân. Bởi đã là quyền thì công dân có quyền yêu cầu tổ chức trưng cầu dân ý và được trưng cầu dân ý trong trường hợp hiến định, luật định, chứ không phải khi Nhà nước tổ chức mới có quyền. Vì vậy, cần sửa đổi lại quy định trên thành “Công dân có quyền biểu quyết về những vấn đề quan trọng của đất nước theo luật định”.

Lập Ủy ban bảo vệ quyền con người ảnh 1

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TTXVN

Đặc biệt, Bộ Tư pháp đề nghị bổ sung vào HP một điều quy định về thiết chế bảo vệ và thúc đẩy quyền con người và có thể gọi là Ủy ban bảo vệ quyền con người thuộc QH. Đây là chế định rất cần thiết để quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được bảo vệ, được đảm bảo thực hiện trên thực tế. Việc bổ sung này cũng phù hợp với thông lệ quốc tế.

Thủ tướng phải báo cáo trước nhân dân

Nêu quan điểm về quy định liên quan đến Thủ tướng Chính phủ (CP), Bộ Tư pháp cho rằng dự thảo mới chỉ ghi nhận vị trí, chức năng của Thủ tướng là người đứng đầu CP, còn vị trí đứng đầu cơ quan hành chính thì chưa được thể hiện cụ thể. Còn có sự thiếu tách bạch trong các quy định về nhiệm vụ của Thủ tướng. Bên cạnh đó, các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng còn bó hẹp, chưa có điều khoản mở để tạo sự chủ động, linh hoạt cho Thủ tướng điều hành đất nước, nhất là trong những tình huống đột xuất, khẩn cấp.

Đặc biệt, về trách nhiệm của Thủ tướng, Bộ Tư pháp cho rằng dự thảo mới chỉ bổ sung quy định trách nhiệm của Thủ tướng báo cáo công tác trước QH, Ủy ban Thường vụ QH (UBTVQH) và Chủ tịch nước, còn trách nhiệm của Thủ tướng trong việc báo cáo công tác trước nhân dân thì chưa được quy định. Trong khi đó, dự thảo lại quy định các bộ trưởng phải chịu trách nhiệm này là chưa hợp lý.

“Thủ tướng cũng phải có trách nhiệm báo cáo công tác của mình trước nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về công tác của mình. Đây cũng là trách nhiệm chính trị của Thủ tướng, là một phương thức để nhân dân có được cơ chế giám sát hoạt động của Thủ tướng” - Bộ Tư pháp nêu rõ.

Từ những phân tích trên, Bộ Tư pháp kiến nghị sửa đổi Điều 103 theo hướng Thủ tướng có tám nhóm nhiệm vụ và quyền hạn. Trong thời gian QH không họp, Thủ tướng có quyền đề nghị UBTVQH phê chuẩn, Chủ tịch nước quyết định tạm đình chỉ chức vụ phó thủ tướng, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ.

Trường hợp khuyết bộ trưởng trong thời gian QH không họp thì Thủ tướng có quyền đề nghị UBTVQH phê chuẩn, Chủ tịch nước quyết định bổ nhiệm người giữ quyền bộ trưởng cho đến khi QH họp. Ngoài ra, Thủ tướng cũng có trách nhiệm thực hiện chế độ báo cáo trước nhân dân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng về những vấn đề quan trọng mà Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ phải giải quyết.

Bỏ thu hồi đất cho phát triển kinh tế-xã hội

Liên quan đến các quy định tại Điều 58 dự thảo, Bộ Tư pháp đề nghị bỏ trường hợp Nhà nước thu hồi đất của các tổ chức, cá nhân và bồi thường theo quy định của pháp luật vì lý do “các dự án phát triển kinh tế-xã hội”. Theo Bộ Tư pháp, quy định như thế rất dễ bị lạm dụng, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất. Thực tiễn cho thấy những bất ổn, khiếu nại, khiếu kiện đông người phần lớn xuất phát từ cơ chế bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế-xã hội.

THÀNH VĂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm