Luật sư Mỹ: Vụ kiện da cam còn kéo dài

Tại Hà Nội, đoàn luật sư Mỹ đang làm việc với Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA) về việc chuẩn bị các bước tiếp theo sau khi Tòa án phúc thẩm liên bang khu vực 2 ở New York bác bỏ đơn kiện của các nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam.

Luật sư (LS) Jonathan W.Cartee và Luật sư R.Stan Morris cho rằng “có những động cơ đằng sau phán quyết của tòa án Mỹ dù chúng tôi đã đưa ra các luận cứ hoàn hảo, thuyết phục” ở tòa phúc thẩm.

Có lo ngại về việc mở cánh cửa tiền lệ

Các nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam chọn con đường tiếp tục theo đuổi vụ kiện sau hai lần thất bại ở tòa sơ thẩm và tòa phúc thẩm. Theo các ông, việc tiếp tục theo đuổi vụ kiện có hợp lý?

LS Jonathan W.Cartee và LS R.Stan Morris. Ảnh: XL
LS Jonathan W.Cartee và LS R.Stan Morris. Ảnh: XL

LS Jonathan W.Cartee: Việc tiếp tục vụ kiện là hợp lý. Chúng tôi sẽ cùng các nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam theo đuổi những nỗ lực tiếp theo. Một trong những cơ sở để tiếp tục những nỗ lực đó là chúng tôi tin phán quyết của tòa án phúc thẩm là sai lầm.

LS R.Stan Morris: Trong các bước tại tòa án sơ thẩm và tòa án phúc thẩm, chúng tôi đã đưa ra những đòi hỏi chính đáng khi yêu cầu tòa án chấp thuận xem xét vụ kiện các công ty hóa chất Mỹ của các nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam.

Các nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam có cơ sở, yếu tố thuận lợi nào trong các bước đi tiếp theo?

LS Jonathan W.Cartee: Tôi nghĩ có sự hiểu nhầm cơ bản ở tòa án về bản chất của những điểm mấu chốt trong vụ kiện.

Khi xem xét, các thẩm phán cân nhắc liệu các công ty hóa chất Mỹ có vi phạm luật pháp quốc tế về việc phun rải chất khai quang trong chiến tranh ở Việt Nam hay không? Vấn đề chúng tôi muốn đề cập cụ thể, rõ ràng hơn đó là sự cố tình hiểu sai giữa việc sử dụng chất hóa học để khai quang và việc sử dụng chất khai quang gây độc.

Chất khai quang mà các công ty hóa chất Mỹ sản xuất để sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam không phải chất khai quang đơn thuần. Đó là chất khai quang chứa các thành phần gây độc đối với con người.

Vậy nguyên tắc pháp lý “người nào gây thiệt hại phải bồi thường dù cố ý hay vô tình” đặt trong bối cảnh vụ kiện này sẽ phải như thế nào?

LS R.Stan Morris: Các công ty hóa chất Mỹ đã nói “không” không chỉ với các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, mà ngay cả với các cựu binh Mỹ trong vụ việc liên đới. Họ không muốn thực hiện trách nhiệm pháp lý cho những tổn thất mà họ gây ra khi thực hiện các đơn đặt hàng của các Chính phủ Mỹ.

Các công ty Mỹ viện dẫn họ chỉ làm theo đơn đặt hàng của Chính phủ Mỹ. Đó là vấn đề của chúng ta hiện nay: có thể kiện hay không thể kiện các công ty hóa chất Mỹ? Chúng tôi đã lập luận rằng không thể tuân thủ những yêu cầu của chính phủ khi những yêu cầu đó gây tổn hại đến tính mạng con người.

LS Jonathan W.Cartee: Chúng ta theo đuổi vụ kiện đòi bồi thường cho các nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam từ các công ty hóa chất Mỹ, không trực tiếp kiện Chính phủ Mỹ. Nhưng một trong những căn cứ mạnh mẽ của vụ kiện đó là Chính phủ Mỹ đã đặt hàng các công ty hóa chất Mỹ sản xuất loại hóa chất phục vụ khai quang nhanh chóng bằng những thành phần độc hại làm ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

"Cần vận động sự ủng hộ rộng rãi của dư luận quốc tế". Ảnh: Tuổi trẻ.
"Cần vận động sự ủng hộ rộng rãi của dư luận quốc tế". Ảnh: Tuổi trẻ.

Như vậy sẽ có công bằng cho các nạn nhân da cam Việt Nam hay không?

LS Jonathan W.Cartee: Câu hỏi đặt ra là có hay không động cơ đằng sau phán quyết không công bằng ở tòa sơ thẩm và phúc thẩm của các thẩm phán Mỹ. Chúng tôi tin tưởng đã đưa ra được những luận cứ theo luật pháp hoàn hảo trong lần kháng cáo. Nhưng thẩm phán đã “lờ” đi những tranh cãi pháp lý của chúng tôi.

Nếu họ chấp thuận xem xét vụ kiện của các nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam, sẽ có hàng nghìn vụ kiện mới hậu các cuộc chiến tranh như ở Iraq. Sẽ có nhiều người kéo đến tòa án Mỹ và đòi xét xử những hư tổn mà họ phải gánh chịu từ các hóa chất độc hại của các công ty hóa chất Mỹ sản xuất.

LS R.Stan Morris: Nếu có “tiền lệ” từ vụ kiện của các nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam, họ sẽ mở cánh cửa cho những vụ kiện khác tiếp theo. Đây không chỉ là vấn đề của các nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam mà còn là vấn đề liên quan đến hậu các cuộc chiến tranh ở Bosnia, Iraq, Afghanistan hay bất cứ nơi nào quân đội Mỹ đặt chân đến. Họ không muốn mở cánh cửa đó ra. Đó là chuyện không công bằng.

Cần vận động sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế

Các nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam sẽ phải theo đuổi một hành trình pháp lý lâu dài, nhiều khó khăn?

LS Jonathan W.Cartee: Khi bắt đầu theo đuổi vụ kiện, chúng tôi biết sẽ có nhiều thử thách, khó khăn. Chúng tôi không ngạc nhiên trước những phán quyết ở tòa sơ thẩm và tòa phúc thẩm vừa qua. Vì lẽ đó, để đòi bồi thường cho các nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam, vụ kiện sẽ còn phải kéo dài trong nhiều năm nữa.

LS R.Stan Morris: Có nhiều con đường để đạt được công lý. Chúng tôi sẵn sàng cho mọi việc diễn ra. Điều quan trọng hiện nay có thể làm đó là dấy lên nhận thức rộng rãi hơn nữa cũng như vận động sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam.

Xin cảm ơn các ông!

XUÂN LINH - (Theo VNN)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm