Luật sư Nguyễn Đăng Trừng: Không thể trì hoãn ban hành Luật Biển

Đó là lời tâm huyết của luật sư Nguyễn Đăng Trừng, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) - Ủy viên Ủy ban Tư pháp của QH khóa XII và được giới thiệu tái cử ĐBQH khóa XIII tại TP.HCM.

Trả “món nợ” sửa Luật Đất đai

. Là một trong tám vị ĐBQH khóa XII của TP.HCM tái cử, để báo cáo với cử tri những điều đã làm được trong nhiệm kỳ vừa qua, ông sẽ nói gì?

+ Xuất phát từ đặc thù nghề nghiệp là một luật sư chuyên nghiệp - chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM nên kết quả đặc trưng của tôi trong nhiệm kỳ qua chủ yếu gắn liền với công tác xây dựng luật và cải cách tư pháp.

Cụ thể, thực hiện lời hứa với cử tri về việc quyết tâm kiến nghị QH thông qua Luật Tố tụng hành chính, vừa qua QH đã thông qua luật này (có hiệu lực từ ngày 1-7-2011). Đây là công cụ mở rộng quyền khởi kiện của người dân đối với các hành vi hành chính, quyết định hành chính làm thiệt hại đến quyền và lợi ích của công dân. Ngoài ra, sắp tới đây Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo được QH thông qua cũng là một tin tốt đối với người dân, nó sẽ hình thành một hệ thống pháp luật hành chính phù hợp với cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO…

. Nhưng hẳn vẫn còn rất nhiều trăn trở với một đại biểu đầy nhiệt huyết như ông?

+ Đúng vậy, việc ban hành Luật Biển, sửa đổi Luật Đất đai được nhiều đại biểu cũng như cử tri quan tâm, kiến nghị QH sớm thông qua nhưng vẫn chưa làm được. Theo tôi, nhiệm kỳ này QH không nên trì hoãn nữa.

Luật sư Nguyễn Đăng Trừng: Không thể trì hoãn ban hành Luật Biển ảnh 1

Luật sư Nguyễn Đăng Trừng phát biểu tại diễn đàn QH khóa XII. Ảnh: CTV

Bộ Chính trị đã có nghị quyết về phát triển kinh tế biển và xác định kinh tế biển là mũi nhọn trong phát triển kinh tế. Chúng ta cũng cần có một thông điệp gửi đến các nước trên thế giới về việc khẳng định chủ quyền không thể chối cãi đối với biển, đảo của chúng ta. Do vậy, để tạo hành lang pháp lý, có cơ sở vững chắc cho các hoạt động liên quan, QH nhiệm kỳ này cần sớm thông qua Luật Biển.

Việc sớm sửa đổi Luật Đất đai cũng vậy. Luật Đất đai hiện tại đã không còn phù hợp và đang cản trở sự phát triển kinh tế của đất nước, đặc biệt là phát triển nông nghiệp, nông thôn. Cụ thể, luật này không tạo điều kiện cho tích tụ đất đai ở nông thôn để chúng ta đi lên sản xuất lớn. Với cách thức sản xuất tủn mủn như hiện nay thì không thể đạt hiệu quả kinh tế cao… Việc sửa đổi Luật Đất đai nhiệm kỳ này phải làm cho bằng được vì thật sự đã “chín” lắm rồi.

Quan tâm đến cải cách tư pháp

. Trên diễn đàn QH khóa rồi, ông cũng là người lên tiếng mạnh mẽ về những bất cập trong công tác phòng, chống tham nhũng hiện nay. Vậy theo ông, cần phải làm gì để chống tham nhũng hiệu quả?

+ Theo tôi, để đẩy lùi quốc nạn này, chúng ta cần tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động quản lý nhà nước đối với các lĩnh vực đất đai, xây dựng cơ bản, tài chính, giám sát chặt chẽ vốn đầu tư từ ngân sách trong các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, giảm biên chế, tăng lương công chức, có cơ chế bảo vệ người tố giác tham nhũng, tiếp thu kinh nghiệm chống tham nhũng của các nước tiên tiến…

Nhưng quan trọng, cơ bản hơn cả là phải thật sự tin và dựa vào nhân dân để đấu tranh chống tham nhũng.

. Ngoài chống tham nhũng thì vấn đề cải cách tư pháp sẽ được ông quan tâm thế nào nếu được bầu làm ĐBQH khóa XIII?

+ Tôi cho rằng hội nhập sâu vào nền kinh tế quốc tế chính là một điều kiện rất tốt để chúng ta cải cách tư pháp triệt để hơn. Qua sự tiếp cận những nền tư pháp tiên tiến trên thế giới, chúng ta sẽ tiếp thu những tinh hoa của họ và vận dụng có chọn lọc vào công cuộc cải cách tư pháp của nước ta. Để việc cải cách tư pháp đạt kết quả cao, một nguyên tắc mà chúng ta không thể bỏ qua là “thượng tôn pháp luật” (Rule of Law). Các hoạt động tố tụng của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng phải độc lập cũng là một trong những nền tảng của nguyên tắc đó.

. Xin cảm ơn ông và chúc ông thành công.

Mong có nghị quyết về Trường Sa, Hoàng Sa

Thực hiện chức năng của QH là quyết định những vấn đề trọng đại của quốc gia, tôi đề nghị QH nhiệm kỳ tới cần thông qua nghị quyết khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Trường Sa, Hoàng Sa và trên biển Đông. Tôi tin rằng một nghị quyết như thế sẽ được sự ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân cả nước, kể cả đồng bào Việt kiều ở nước ngoài và cũng để cho mọi người hiểu rằng cho dù người ta có vẽ bản đồ lưỡi bò, lưỡi trâu hoặc lưỡi heo trên biển Đông thì cũng không có ý nghĩa, không có giá trị đối với chúng ta!

Đại biểu QH NGUYỄN ĐĂNG TRỪNG phát biểu tại kỳ họp cuối cùng QH khóa XII, sáng 28-3-2011

Ngày sinh: 22-2-1942.

Trình độ học vấn: Cử nhân luật.

Nghề nghiệp, chức vụ: Luật sư, Chủ nhiệm kiêm Bí thư Đảng Đoàn - Đoàn Luật sư TP.HCM; đại biểu QH khóa XII.

Ngày vào Đảng: 12-4-1971.

Khen thưởng: Huân chương Quyết thắng hạng Nhất; huân chương Kháng chiến hạng Ba. 

HỒNG TÚ thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm