Luật Thuế TNCN mới áp dụng từ 1-7-2013?

Sáng 15-11, Quốc hội thảo luận về Luật Thuế thu nhập cá nhân (sửa đổi). Một trong các điểm thu hút sự quan tâm nhất là mức giảm trừ gia cảnh 9 triệu đồng/tháng/người nộp thuế và 3,6 triệu đồng/tháng/người phụ thuộc.

E giảm ngân sách

Mức giảm trừ này được nhất trí cao nên chắc chắn sẽ được Quốc hội thông qua. Tuy nhiên, một điểm quan trọng khác mà nhiều người kỳ vọng là áp dụng luật (sửa đổi) này càng sớm càng tốt, thay vì áp dụng từ 1-7-2013 như dự thảo. Đại biểu (ĐB) Trần Du Lịch (TP.HCM) góp ý nên áp dụng từ 1-1-2013. Ông nói: “Tôi chia sẻ băn khoăn của Quốc hội về giảm thu ngân sách... nhưng nên áp dụng sớm cho dân”. Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) lại cho rằng nếu áp dụng luật này từ ngày 1-1 thì sẽ rất khó khăn cho ngân sách.

Cuối phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tóm tắt, qua tổng hợp ý kiến từ thảo luận tổ, văn bản góp ý và thảo luận thì có hai luồng ý kiến về thời điểm 1-1 và 1-7. Thế nhưng đa số vẫn cho là ngân sách sẽ giảm khoảng 5.000 tỉ đồng, xin Quốc hội cho như dự luật. Như vậy, việc áp dụng Luật Thuế (sửa đổi) có thể sẽ là 1-7-2013 chứ không phải là 1-1-2013 như nhiều người mong đợi.

Luật Thuế TNCN mới áp dụng từ 1-7-2013? ảnh 1

Đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình Nguyễn Thanh Hải phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN

Than phiền thiếu thông tin

Ngoài ra, nhiều ĐB cùng có ý kiến về sự thiếu thông tin trong các tài liệu liên quan đến luật này dẫn đến việc ĐB khó có ý kiến chính xác để đưa ra góp ý. ĐB Lê Công Đỉnh (Long An) đề nghị cung cấp thêm thông tin đánh giá tác động về kinh tế-xã hội khi thực hiện luật sửa đổi này.

ĐB Trần Du Lịch góp ý nên chăng bỏ bậc 7 trong biểu thuế (bậc có thuế suất 35% - PV). Ông đề nghị: “Nếu bỏ bậc này mà không ảnh hưởng lớn đến nguồn thu ngân sách thì ta nên bỏ đi để thu hút chất xám vì những người nộp thuế ở bậc này phần lớn là các chuyên gia, nhà khoa học. Chứ như hiện nay, việc đánh thuế của ta đối với đối tượng này đang cao hơn các nước khác”.

ĐB Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) cho biết sau khi nghiên cứu tài liệu bà nhận thấy người nghèo, người có thu nhập thấp, người cần được xã hội bảo trợ là những người chịu ảnh hưởng gián tiếp khi có sự thay đổi về mức giảm trừ gia cảnh lại chưa được quan tâm lấy ý kiến. Ngoài ra, báo cáo cũng không trình bày rõ tại sao ta chọn mức giảm trừ gia cảnh là 2,5 lần GDP, trong khi Trung Quốc là 1,23 lần, Indonesia là 0,52 lần, Malaysia là 0,3 lần…

Thuế Thu nhập cá nhân nằm trong lộ trình cải cách thuế nhằm thay thế Pháp lệnh Thuế đối với người có thu nhập cao. Kinh nghiệm thế giới khi thực hiện thuế này là phải kèm theo ba điều kiện. Một là tùy thuộc tình hình phát triển GDP cho phép, hai là khả năng kiểm soát thu nhập và dòng thu nhập để tạo công bằng, ba là phúc lợi công cộng phải tăng lên, để người dân thấy chi tiêu giảm đi. Thế nhưng khi ta thực hiện thì không kiểm soát nổi thu nhập, dẫn đến “thu người có tóc”, gây ra bất công.

ĐB TRẦN DU LỊCH (TP.HCM)

QUỲNH NHƯ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm