Luật Trưng cầu ý dân: Đừng ‘nợ’ thêm nữa

“Muốn dân tin thì dân chủ phải mở rộng để người dân cảm thấy mình được tôn trọng, được Đảng và Nhà nước đặt niềm tin vào mình”. PGS-TS Nguyễn Cửu Việt (Trường ĐH Luật TP.HCM) đã nhấn mạnh như thế khi trao đổi với Pháp Luật TP.HCMxoay quanh dự án Luật Trưng cầu ý dân mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) lần đầu tiên cho ý kiến tại phiên họp thứ 35 mới đây.

“Để lại nữa thì quá muộn”

. Phóng viên: Không phải bây giờ mà cách đây khá lâu dự án Luật Trưng cầu ý dân đã được khởi động. Thưa ông, hiện nay có phải là thời điểm chín muồi để trình QH cho quyết định về dự án luật này?

Luật Trưng cầu ý dân: Đừng ‘nợ’ thêm nữa ảnh 1
 
+ PGS-TS Nguyễn Cửu Việt: Cách đây 20 năm chúng ta đã cử đoàn đi nghiên cứu luật trưng cầu ý dân ở nhiều nước như Israel, Thụy Sĩ. Lúc bấy giờ chúng ta đã có chủ trương xây dựng dự án luật này. Vì thế mà Hiến pháp năm 1992 trong quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân mới quy định: Công dân có quyền biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân. Tuy nhiên, mãi đến năm 2006 chúng ta mới xới lên, Hội Luật gia Việt Nam đã soạn thảo dự án luật này. Vì nhiều lý do mà dự án luật này đã gác lại.

Bây giờ là thời điểm tuy rằng ban hành không sớm nhưng rất cần thiết phải có Luật Trưng cầu ý dân. Rõ ràng từ Hiến pháp năm 1946 đã ghi nhận nội dung này nhưng vì điều kiện chiến tranh chúng ta không làm được. Đến bây giờ theo tôi là rất cần rồi, nếu để lại nữa thì quá muộn, thêm món nợ với dân.

Cũng có quan điểm nói rằng bây giờ mà ban hành Luật Trưng cầu ý dân chắc cũng không thực hiện được đâu, ý nói là QH quyết định hết rồi. Tôi cho rằng Hiến pháp đã ghi QH quyết định trưng cầu ý dân thì chúng ta phải hiện thực hóa đã rồi mới triển khai được trong thực tế. Còn nếu không ban hành luật thì cũng chỉ là cái quyền chung chung ghi trong Hiến pháp, giống như các Hiến pháp trước chẳng bao giờ làm được.

. Từ yêu cầu thực tiễn nào đòi hỏi cần thiết phải ban hành Luật Trưng cầu ý dân, thưa ông?

+ Hiện nay chúng ta chỉ có quy chế dân chủ cơ sở, theo đó người dân địa phương ở cấp rất nhỏ mới được quyết định một số vấn đề. Chúng ta nói “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, có một số việc quyết theo kiểu “dân làm” nhưng cũng hạn chế lắm. Để hiện thực hóa quyền dân chủ, không gì hơn là để nhân dân biểu quyết, trực tiếp quyết định những vấn đề lớn của đất nước.

Cũng có ý kiến cho là trình độ dân trí thấp nhưng thực ra không phải như thế. Dân trí có thể thấp nhưng vấn đề lớn liên quan đến vận mệnh quốc gia thì nhân dân rất quan tâm từ người già đến lớp trẻ, trừ những người không nhận thức. Khi người dân được quyền bỏ lá phiếu quyết định những vấn đề quan trọng thì sẽ khơi dậy tinh thần yêu nước của họ, người dân sẽ phấn khởi và tin tưởng. Tôi tin rằng người dân có đủ năng lực và suy nghĩ để quyết định những vấn đề lớn khi Nhà nước đưa một vấn đề gì đó ra trưng cầu ý dân. Trong điều kiện như thế có Luật Trưng cầu ý dân là hiện thực hóa quyền biểu quyết toàn dân, hiện thực hóa câu nói xưa nay là “dựa vào dân”, “tất cả từ nhân dân”.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì và phát biểu khai mạc phiên họp thứ 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: TTXVN

Quốc hội còn băn khoăn thì để dân quyết

. Ông đánh giá như thế nào về dự thảo Luật Trưng cầu ý dân vừa được đưa ra tại phiên họp của UBTVQH mới đây?

+ Vẫn còn chung chung lắm. Đọc dự thảo tôi thấy nó cứ mênh mang quá. Dự thảo chưa dám viết cụ thể cái gì cả. Dự thảo cách đây 10 năm có nói rõ những vấn đề không đưa ra trưng cầu ý dân. Đây là vấn đề cần thiết phải đưa vào dự án luật lần này. Càng nhạy cảm thì càng không cần đưa ra trưng cầu ý dân như về chính trị, những vấn đề về chủ trương, nghị quyết của Đảng; những vấn đề liên quan đến thuế, ngân sách; chính sách dân tộc, tôn giáo; đặc ân, đặc xá…

. Theo ông, những vấn đề nào cần đưa ra trưng cầu ý dân?

+ Đó là những vấn dề liên quan đến sự tồn vong của quốc gia và liên quan đến đường lối phát triển của quốc gia thì phải trưng cầu ý dân. Hay khi có một vấn đề gì đó, một dự án nào đó liên quan đến rộng rãi người dân, tác động rất lớn đến đời sống của nhân dân cũng cần trưng cầu ý dân. Hoặc những vấn đề lớn của đất nước khi QH còn băn khoăn cũng nên hỏi ý kiến nhân dân. Khi QH đã băn khoăn rồi không quyết được thì hãy để dân quyết. Chẳng hạn thời gian qua chúng ta có những cái không quyết được như dự án đường cao tốc Bắc-Nam, chúng ta cũng nên hỏi ý kiến nhân dân.

. Trong dự thảo Luật Trưng cầu ý dân có trình hai phương án về nội dung trưng cầu, trong đó phương án 1 quy định có tính khái quát, nguyên tắc; phương án 2 liệt kê cụ thể hơn những vấn đề QH có thể đưa ra trưng cầu ý dân. Ông thiên về phương án nào?

+ Tôi thấy rằng hai phương án cũng không khác nhau là mấy. Thực ra mà nói quyết định đưa ra có trưng cầu ý dân hay không là ở QH. Vì thế anh quy định cụ thể hay quy định khái quát thì QH vẫn là người quyết định hết. Tuy nhiên, tôi vẫn thiên về phương án liệt kê cụ thể hơn.

. Xin cám ơn ông.

Hiến pháp nhấn mạnh đến việc hỏi ý kiến nhân dân

Cho đến bây giờ Hiến pháp năm 1946 là hiến pháp quy định rõ ràng nhất về quyền của nhân dân bằng quyền phúc quyết, sau này tiếp tục duy trì với quy định về “trưng cầu ý kiến nhân dân” (Hiến pháp 1959 và Hiến pháp 1980), rồi “trưng cầu ý dân” (Hiến pháp năm 1992).

Hiến pháp năm 2013 có một đổi mới cực kỳ quan trọng là khẳng định rõ nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước của mình một cách trực tiếp, tức là nói rõ dân chủ trực tiếp. Điều này thể hiện rằng quyền dân chủ trực tiếp hay chủ quyền nhân dân đã được tôn trọng, đề cao lên rất nhiều. Chữ Nhân dân đã viết hoa. Hiến pháp có những chỗ nhấn mạnh phải hỏi ý kiến nhân dân như ở chương Chính quyền địa phương: “Việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính phải lấy ý kiến Nhân dân địa phương và theo trình tự, thủ tục do luật định” (Điều 110)…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm