Minh bạch để chống lợi ích nhóm

Đây cũng là những nội dung được nhấn mạnh khi nghiên cứu, sửa đổi Hiến pháp 1992 lần này, nhất là trong những quy định về tổ chức bộ máy nhà nước.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, TS Tô Văn Hòa, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Pháp luật về tổ chức bộ máy Nhà nước (ĐH Luật Hà Nội), nói:

+ Ở Việt Nam có một đặc thù là việc sửa đổi Hiến pháp thường đến sau khi có sự thay đổi và phát triển lớn về mặt chính sách chung, cụ thể là chính sách của Đảng. Chúng ta có thể thấy là sau mỗi lần sửa đổi cương lĩnh thì vấn đề sửa đổi Hiến pháp đều được đặt ra. Với riêng lần sửa đổi này, chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm (2011-2020) và các văn bản sửa đổi Cương lĩnh 91 đều chứa đựng những chính sách mới và lớn cho giai đoạn trung hạn sắp tới, thế nên mới đưa đến việc sửa đổi Hiến pháp.

Minh bạch để chống lợi ích nhóm ảnh 1

Kiểm soát quyền lực, chống tham nhũng, xóa bỏ những cơ chế tạo ra đặc quyền, đặc lợi là những nội dung được nghiên cứu khi sửa đổi Hiến pháp 1992. Trong ảnh: Phiên họp lần thứ hai Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đầu năm 2012 tại Hà Nội. Ảnh: TTXVN

Phân công, phân cấp chưa rõ ràng

. Vừa qua Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra rất nhiều những mặt tiêu cực trong công tác cán bộ như tham nhũng, cục bộ, lợi ích nhóm… Liệu có phải do thiết kế mô hình Nhà nước của chúng ta còn chưa đủ chặt chẽ nên các tiêu cực này vẫn có đất để tồn tại, thưa ông?

+ Không phải đặc thù. Tham nhũng thì các nước phát triển nhất còn có. Cục bộ cũng có. Còn lợi ích nhóm thì hệ thống nào cũng có, không thể không có. Chỉ có thể nói là trong đặc điểm bộ máy Nhà nước Việt Nam có những đặc điểm, bất cập làm cho những yếu tố này phát huy tác động độc hại của nó.

Lý do của những bất cập đó cũng dễ hiểu vì bộ máy Nhà nước hiện nay phục vụ cho thời kỳ đổi mới và xây dựng kinh tế là một bộ máy Nhà nước non trẻ, mới chỉ được hình thành sau đổi mới. Nếu là phục vụ độc lập thì đã có bề dày nhưng phục vụ kinh tế thị trường định hướng XHCN trong thời bình thì còn non trẻ.

Ngoài ra, trong quá trình đổi mới, một cách tự nhiên, chúng ta rất chú trọng đến phát triển kinh tế, xây dựng nền kinh tế thị trường. Cho đến gần đây, trước Đại hội X, trọng tâm của chúng ta vẫn cứ là phát triển kinh tế càng nhanh càng tốt, thể hiện qua những con số tăng trưởng. Còn cải cách để xây dựng thiết chế bộ máy Nhà nước hoàn chỉnh, nhà nước pháp quyền XHCN thì chưa được chú trọng nhiều.

. Vậy những nhược điểm, bất cập đó của thiết kế mô hình Nhà nước ta là gì?

+ Bộ máy Nhà nước của mình hiện nay có một số hạn chế, chẳng hạn như cơ chế phân công, phân nhiệm không rõ ràng đến các cơ quan, nhất là trong việc thực hiện ba quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Phân công không rõ ràng dẫn tới chế độ trách nhiệm cũng không rõ và đó là điều kiện rất tốt cho tham nhũng nảy nở. Phân cấp cũng không rõ ràng, tạo điều kiện cho cục bộ. Tình hình bây giờ là bất kỳ cấp nào hay là các cơ quan nhà nước cũng vậy, kể cả những DNNN lớn, cũng đều có xu hướng phát triển thành đa ngành, đa chức năng, đa nhiệm vụ, đi theo xu hướng tự làm, tự cung ứng. Đó là nguồn gốc của cục bộ.

Chúng ta cũng thiếu cơ chế kiểm soát quyền lực Nhà nước, bởi các thiết chế độc lập, ví dụ thiết chế bảo vệ Hiến pháp hoặc như ở một số nước, người ta đã lập ra cơ quan thanh tra nghị viện…

Không thể triệt tiêu hẳn

. Khoảng 5-6 năm nay, khái niệm lợi ích nhóm bắt đầu được nhắc tới nhiều ở nước ta. Nó có phải là hiện tượng tất yếu phải xảy ra trong quá trình phát triển kinh tế và với tổ chức bộ máy Nhà nước hiện hành?

+ Phải phân biệt lợi ích nhóm và nhóm lợi ích. Nhóm lợi ích là cái mà xã hội nào cũng có, hệ thống nào cũng có. Đó là một nhóm người nào đó cùng chia sẻ, cùng theo đuổi một lợi ích nào đó và muốn lợi ích đấy của mình được tôn trọng, được thể hiện, được chú ý và quan tâm.

Nó hình thành một cách rất tự nhiên. Kinh tế thị trường càng phát triển, xã hội càng dân chủ thì việc hình thành các nhóm lợi ích càng là tất yếu. Nó tồn tại rất nhiều trong xã hội dưới rất nhiều hình thức, trong lĩnh vực kinh tế - văn hóa - xã hội…

Còn lợi ích nhóm là lợi ích của một nhóm nào đó, cái chúng ta cần quan tâm là ở chỗ vì lợi ích nhóm mà các nhóm lợi ích hay muốn tác động tới chính sách của Nhà nước, ảnh hưởng đến lợi ích của nhóm khác hoặc lợi ích chung. Đấy là điều không tích cực, cần phải xử lý, điều chỉnh.

. Vậy cách nào để có thể hạn chế lợi ích nhóm mà không cần phải điều chỉnh mô hình Nhà nước?

+ Triệt tiêu lợi ích nhóm theo nghĩa bỏ hẳn nó thì không thể và cũng không nên, vì nó luôn tồn tại và tổng hợp các lợi ích nhóm đấy là lợi ích cộng đồng. Đôi khi nếu lợi ích nhóm được đáp ứng thì nó lại có lợi cho sự phát triển chung, là một yếu tố thể hiện sự dân chủ. Quan trọng là điều chỉnh nó thế nào để phù hợp với định hướng xây dựng XHCN, kinh tế thị trường định hướng XHCN. Cái này liên quan đến tính minh bạch trong hoạt động của Nhà nước thì đúng hơn.

. Xin cảm ơn ông.

Dân chủ XHCN không loại trừ phúc quyết

Phúc quyết tức là trưng cầu dân ý để đưa ra quyết định cuối cùng, kết quả trưng cầu dân ý này có giá trị ràng buộc với cơ quan nhà nước. Phúc quyết có thể là đưa ra cho người dân lựa chọn một trong số các phương án cụ thể hoặc là đề nghị người dân lựa chọn đồng ý hay không đồng ý với một phương án tổng thể nào đó.

Trưng cầu dân ý cũng rất tốn kém, chứ không phải tiện mà làm được. Có những vấn đề rất cụ thể, rất đơn giản về kỹ thuật nhưng nếu đem ra trưng cầu dân ý thì thời gian trù liệu phải tới hàng mấy năm trời. Ví dụ như cuộc trưng cầu dân ý ở Anh về vấn đề độc lập cho Ireland chẳng hạn, đến năm 2014 mới tiến hành mà đã phải trù liệu từ đợt tranh cử vừa rồi. Nói chung, để tổ chức trưng cầu dân ý một cách có chất lượng không phải việc đơn giản. Cho nên thường người ta chỉ chọn vấn đề rất quan trọng thì mới đưa ra trưng cầu dân ý.

Tuy nhiên, tổ chức phúc quyết rất tốt về mặt chính trị, nó tạo ra tính chính thống, thể hiện sự dân chủ, cũng nên làm. Tất nhiên, lúc bấy giờ sẽ phải nghiên cứu xem cách thức tiến hành như thế nào. Tóm lại, tôi cho rằng phúc quyết thể hiện được bản chất dân chủ XHCN. Dân chủ XHCN không loại trừ phúc quyết, không loại trừ trưng cầu dân ý.

TS TÔ VĂN HÒA

HOÀNG THƯ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm