Môi trường suy thoái, đừng đổ lỗi pháp luật

Không bàn nhiều về tốc độ tăng trưởng GDP, cũng chẳng quá băn khoăn về lạm phát, giá cả, 10 ngày đầu của kỳ họp Quốc hội này, các đại biểu của dân dường như quan tâm hơn tới các vấn đề xã hội, môi trường, phát triển bền vững… Pháp Luật TP.HCM có cuộc trao đổi với đại biểu Quốc hội Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh), người đang có nhiều trăn trở về những vấn đề này.

Có thể mọi dòng sông đều sẽ chết

. Thưa ông, Quốc hội kỳ họp này một lần nữa mổ xẻ việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 2009, qua đó cho thấy 7/8 chỉ tiêu chưa đạt đều ở lĩnh vực xã hội, giáo dục, môi trường, sức khỏe. Cảm nhận của ông thế nào?

Môi trường suy thoái, đừng đổ lỗi pháp luật ảnh 1
+ Những tiêu chí đó rất chung chung, khó định lượng. Tuy nhiên, điều mà các đại biểu dễ thấy nhất là rất nhiều con sông đang ô nhiễm. Nhiều vụ phá hoại môi trường nghiêm trọng được phát hiện nhưng xử lý chưa đến đâu cả. Vedan hủy hoại sông Thị Vải ở phía Nam hai năm rồi, đang giẫm chân tại chỗ thì lại xảy ra vụ Tung Kuang dùng cống ngầm bí mật xả thải ra sông Ghẽ ở phía Bắc, rồi ở miền Trung mới đây chất thải từ Công ty Đường Quảng Ngãi làm cá trên sông Trà Khúc chết hàng loạt… Dường như chính quyền đang rất lúng túng về giải pháp xử lý các vi phạm môi trường.

. Cái này thì bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường từng giải thích là do pháp luật yếu, nhiều khe hở?

+ Tất nhiên là pháp luật của ta có bất cập. Nhưng đổ lỗi hết cho luật là không nên.

Bất cập nhất hiện nay là suy nghĩ, quan điểm của các cơ quan chức năng và cả các vị lãnh đạo. Họ có xem bảo vệ môi trường, phát triển bền vững là quan trọng, là ngang tầm với yêu cầu phát triển kinh tế hay không? Nếu đặt ngang tầm thì tôi tin là sẽ có cách xử lý kiên quyết được, ít nhất là với những vụ việc điển hình, gây bức xúc xã hội vừa rồi.

Pháp luật hiện hành có thể chưa chặt, mức xử phạt chưa thật cao, khởi tố hình sự còn khó nhưng luật vẫn còn bỏ ngỏ chế tài đóng cửa, rút giấy phép hoạt động. Nếu nhận thức đầy đủ, ngang bằng ba trụ cột kinh tế-xã hội-môi trường thì chẳng phải băn khoăn là nếu đóng cửa Vedan thì mất đi bao nhiêu việc làm, thất thu bao nhiêu ngân sách… Ngược lại, sẽ nhận thấy rằng nếu xử lý không kiên quyết thì mọi dòng sông rồi sẽ chết, không khí chẳng còn trong lành để thở, đất đai chẳng còn phì nhiêu, màu mỡ để mà canh tác.

Tôi tin rằng xử lý nghiêm những vụ việc này sẽ chỉ cảnh tỉnh các doanh nghiệp khác, làm môi trường đầu tư càng minh bạch, rõ ràng. Về dài hạn, con cháu ta an bình hơn, không phải lo chi phí khắc phục môi trường ô nhiễm do cha ông để lại.

Môi trường suy thoái, đừng đổ lỗi pháp luật ảnh 2

Tăng trưởng kinh tế phải đi đôi  với bảo vệ môi trường. Trong ảnh: Những ngôi nhà mới bên cạnh dòng nước đen tại quận Tân Phú, TP.HCM. Ảnh: HTD

Làm kinh tế: Dễ hơn và thích hơn

. Nghị quyết nào của Quốc hội chẳng liệt kê gần 30 chỉ tiêu, có cả kinh tế-xã hội-môi trường. Chứng tỏ chính quyền cũng quan tâm toàn diện đấy chứ?

+ Không. Rõ ràng là đang quá chú trọng yêu cầu phát triển kinh tế. Như năm 2009, Quốc hội ra 25 chỉ tiêu thì hầu hết đạt, vượt. Phần còn lại, cái không đạt thì đều là các chỉ tiêu về giáo dục, việc làm, môi trường…

Ngay cả hoạt động của Quốc hội cũng vậy. Báo cáo của Chính phủ là về kinh tế-xã hội nhưng cơ quan thẩm tra của Quốc hội chỉ là Ủy ban Kinh tế, tức là chỉ chú trọng mảng kinh tế thôi. Các ủy ban khác có tham gia được mấy đâu.

Trong ba trụ cột, tôi thấy phát triển kinh tế là quan trọng nhưng cũng dễ làm hơn cả. Muốn GDP tăng cao thì cứ bán thật nhiều tài nguyên đi, được ngay. Đầu tư cũng vậy, cứ vào những ngành có lợi, còn môi trường, y tế, nông thôn khỏi đầu tư làm gì cho tốn kém mà hiệu quả kinh tế lại thấp. Như thế, tăng trưởng 9%-10% chẳng khó. Chứ cải cách giáo dục loay hoay mãi có thoát nổi đâu.

. Nhưng có vẻ tăng trưởng vẫn là mối quan tâm lớn nhất của xã hội. Các nhà lãnh đạo vẫn thường lấy tốc độ tăng trưởng kinh tế làm chỉ dấu cho thành tích nhiệm kỳ của mình?

+ Giờ thì vậy. Nhưng khi dân trí, dân khí cao lên, cử tri sẽ đòi hỏi người lãnh đạo giải quyết thấu đáo các vấn đề xã hội, môi trường vốn đang hằng ngày tác động vào đời sống mỗi người. Đến lúc nào đó, cử tri sẽ thấy rõ giáo dục, y tế, môi trường mới là tiêu chí quan trọng đánh giá năng lực cầm quyền.

Tất nhiên, đấy là tương lai. Còn giờ thì tăng trưởng kinh tế vẫn là động lực của nhà lãnh đạo. Ví dụ điển hình là Cao Bằng đang thích dự án khai thác mỏ vàng trữ lượng 160 kg hơn là nguyện vọng của người dân được giữ nguyên mấy chục hecta đất ruộng sinh sống. Các tỉnh khác thì sẵn sàng chặt phá cả nghìn hecta rừng để làm thủy điện hơn là giữ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái.

Nhận thức xã hội ắt phải thay đổi

. Là đại biểu dân cử, ông có đề xuất gì để thu hút sự quan tâm thích đáng hơn nữa của nhà nước với các vấn đề môi trường, xã hội?

+ Quốc hội cần thảo luận nhiều hơn nữa về các vấn đề này. Khi quyết ngân sách nên có khoản thích đáng cho môi trường, cho xã hội. Kỷ cương pháp luật cũng cần siết lại. Đại biểu Quốc hội nên chất vấn nhiều hơn về câu chuyện của từng dòng sông đang bị bức tử, truy đến cùng trách nhiệm cá nhân… Những đề xuất như vậy, tôi nói với cả Thủ tướng, cả bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và các vị khác.

. Góp ý nhiều rồi, ông có thấy chuyển biến?

+ Khi đã lo được cái ăn, cái mặc, người ta sẽ quan tâm hơn tới các giá trị tinh thần khác. Việt Nam vượt qua mức nghèo rồi thì sẽ thấy bức xúc hơn trước các vấn đề tội phạm gia tăng, nạn xâm hại trẻ em, những vụ giết người man rợ, bạo lực học đường và cả môi trường sinh thái nữa…

Ngay tại Quốc hội, mấy ngày qua thôi, bạn và tôi cũng đã nghe nhiều hơn những tiếng nói như thế. Ít nhất ngoài xã hội, tôi đã thấy người dân quan tâm hơn tới môi trường. Và trong Chính phủ, tiếng nói về mặt trái của các dự án thủy điện đã chuyển hướng. Năm trước, ai cũng bảo vệ thủy điện. Năm nay, cả trăm dự án phải xem xét lại.

. Xin cảm ơn ông.

Nâng cao trình độ “quan trí”

Các hành vi gây ô nhiễm môi trường đều có tác động đến sức khỏe người dân. Biện pháp cần thiết là phải nâng cao nhận thức cho các tổ chức, cá nhân và cả người quản lý. Quan trọng là phải nâng cao trình độ... quan trí, bởi đây là lực lượng quan trọng, đảm bảo việc tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường. Tôi đặt vấn đề là các điều cấm đã được thực hiện ra sao hơn là các điều cấm đã đủ hay chưa.

Bác sĩ PHAN VĂN NGHIỆM, Trưởng phòng Nghiệp vụ y Sở Y tế TP.HCM (phát biểu tại hội thảo về môi trường ngày 10-5)

NGHĨA NHÂN
thực hiện
Chia sẻ lên LinkHay.com Email In [+]Cỡ chữ[-]
Thăm dò ý kiến
  • Vụ ông Hoàng Hữu Phước viết blog liên quan đến ông Dương Trung Quốc, theo bạn nên:
  • Không quan tâm
  • Bỏ qua
  • Không nên bỏ phiếu bất tín nhiệm ông Phước
  • Nên bỏ phiếu bất tín nhiệm ông Phước
  • Quốc hội không nên bãi nhiệm ông Phước
  • Quốc hội nên bãi nhiệm ông Phước
  • Cử tri TP.HCM không nên bãi nhiệm ông Phước
  • Cử tri TP.HCM nên bãi nhiệm ông Phước
  • Ý kiến khác
Môi trường suy thoái, đừng đổ lỗi pháp luật ảnh 8 Môi trường suy thoái, đừng đổ lỗi pháp luật ảnh 9

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm