DỰ THẢO SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP 1992

Mọi vi phạm Hiến pháp đều bị xử lý

Ngày 2-1, Ủy ban Dự thảo Hiến pháp (HP) đã công bố toàn văn bản dự thảo chính thức HP 1992 sửa đổi để lấy ý kiến nhân dân. Các tài liệu liên quan như bản thuyết minh từng nội dung sửa đổi, bổ sung; so sánh dự thảo với HP hiện hành đang được hoàn thiện và sẽ công bố để người dân thuận lợi hơn trong nghiên cứu, góp ý.

So sánh với bản dự thảo được trình xin ý kiến QH tại kỳ họp hai tháng trước (với 126 điều), bản dự thảo mới được biên tập lại còn 124 điều, trong đó gần 70 điều có sửa đổi, bổ sung.

Xử lý văn bản vi hiến

Đi vào những sửa đổi cụ thể, dự thảo mới này có một vài bổ sung đáng chú ý. Chẳng hạn, sửa tên Chương X - bổ sung nội dung, điều khoản về Hội đồng HP, quy định đây là thiết chế “kiểm tra tính hợp hiến của các văn bản quy phạm pháp luật” do QH và các cơ quan ở trung ương ban hành. Hội đồng HP do QH thành lập. Tự thân hội đồng không có quyền xử lý văn bản bị phát hiện là vi hiến mà chỉ có thẩm quyền kiến nghị hoặc yêu cầu các cơ quan ban hành xem xét, sửa đổi văn bản đó...

Thẩm quyền tuy không lớn nhưng việc hiến định một thiết chế bảo hiến đã dẫn tới sửa đổi ở một số điều khoản khác. Chẳng hạn, Điều 123, bên cạnh nội dung cũ: “HP là luật cơ bản của nước CHXHCN Việt Nam, có hiệu lực pháp lý cao nhất. Mọi văn bản pháp luật khác phải phù hợp với HP”, nay nhấn mạnh thêm: “Mọi hành vi vi phạm HP đều bị xử lý”.

Mọi vi phạm Hiến pháp đều bị xử lý ảnh 1

Theo dự thảo HP sửa đổi, việc “hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác” là quyền con người. Trong ảnh: Một ca phẫu thuật ghép tạng từ người hiến tặng chết não tại BV Việt - Đức. Ảnh: HN

Không hiến định kinh tế nhà nước là “chủ đạo”

Một điều chỉnh theo hướng tích cực khác là mô hình kinh tế được xác định với nội dung ngắn gọn, mang tính nguyên tắc, bớt đi những câu chữ dễ bị hiểu là phân biệt đối xử, theo kiểu nhấn mạnh “kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo”. Cụ thể, Điều 54 viết: “1. Nền kinh tế VN là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế. 2. Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của kinh tế quốc dân, cùng phát triển lâu dài, hợp tác, bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật”.

Bình luận về điểm sửa đổi này, GS-TS Lê Hồng Hạnh - thành viên Ban Biên tập nói: “Dự thảo mới chính xác hơn, bởi VN đang vận động các nước công nhận kinh tế nước ta là nền kinh tế thị trường. Ta có quyền định hướng phát triển kinh tế nhưng không thể đi ngược với quy luật chung của thị trường được”.

Quyền con người trong việc hiến mô, hiến xác

Trong Chương II - về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân có khá nhiều điều chỉnh, bổ sung. Điểm mới nhất là lần đầu tiên hiến định việc “hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác” là quyền con người. Đây là bước phát triển mới khi mà vấn đề này trước đây chỉ được quy định tại Bộ luật Dân sự 2005 và Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người 2006.

Điểm tiến bộ nữa là khi thể hiện các quyền con người, quyền công dân, dự thảo mới đã bỏ đi cụm từ “theo quy định pháp luật” từng xuất hiện rất nhiều lần trong HP hiện hành, thay vào đó là cụm từ “do luật định”. Tức là quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế bởi luật do QH ban hành chứ không phải bằng “pháp luật”, bao gồm cả văn bản dưới luật (nghị định, thông tư…) như hiện nay.

Tuy nhiên, riêng quyền bí mật thư tín lại được sửa theo hướng dễ bị hạn chế hơn. Cụ thể, theo dự thảo cũ, việc bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của công dân là “do luật quy định”. Đến Điều 23 dự thảo mới sửa thành: “Do pháp luật quy định” - tức quyền bí mật thư tín có thể bị hạn chế bởi nghị định của Chính phủ, thậm chí bởi thông tư do cơ quan cấp bộ ban hành.

Một số quyền - theo dự thảo cũ là quyền con người (chủ thể là mọi người) nay dự thảo mới chuyển thành quyền công dân (chủ thể là công dân). Chẳng hạn: quyền làm việc, tự do lựa chọn việc làm, nghề nghiệp và nơi làm việc; quyền bảo vệ sức khỏe, bình đẳng trong tiếp cận sử dụng dịch vụ y tế... Trong khi đó, nghĩa vụ nộp thuế - dự thảo cũ quy định là nghĩa vụ công dân thì với dự thảo mới, trở thành nghĩa vụ của “mọi người”, tức bao gồm cả người nước ngoài, người không quốc tịch sinh sống, làm việc tại Việt Nam.

Không có quyền bãi bỏ văn bản của Chính phủ

Chương về Chủ tịch nước của dự thảo mới có một điều chỉnh khá lớn. Ở dự thảo trình QH trước đây, Chủ tịch nước được bổ sung thẩm quyền bãi bỏ văn bản của Chính phủ, Thủ tướng, các thành viên Chính phủ trái với lệnh, quyết định của Chủ tịch nước. Nay dự thảo mới lại cắt bỏ nội dung này. Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Lê Minh Thông, Phó Trưởng ban Biên tập dự thảo HP sửa đổi, giải thích: “Lệnh, quyết định của Chủ tịch nước thường là văn bản cá biệt, xử lý những vấn đề đơn lẻ, không chứa đựng quy phạm pháp luật, vì vậy không có nguy cơ xung đột với các văn bản của các chủ thể quyền lực khác”.

Một điểm mới đáng chú ý khác, trong nhóm các quy định về lực lượng vũ trang (thuộc Chương IV - bảo vệ tổ quốc), nghĩa vụ trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam được bổ sung, đặt thứ tự lên đầu. Ngoài ra, so với HP hiện hành, lực lượng vũ trang còn có nhiệm vụ “thực hiện nghĩa vụ quốc tế”. Nếu được thông qua, đây sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để Việt Nam xem xét, tham gia lực lượng mũ nồi xanh của Liên Hiệp Quốc tại các điểm nóng, xung đột trên thế giới.

Đảng chịu sự giám sát của nhân dân

Mọi vi phạm Hiến pháp đều bị xử lý ảnh 2

NGHĨA NHÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm