Mùa xuân là tết trồng cây

Bình sinh, Bác Hồ đặc biệt coi trọng việc trồng cây. Với cây vú sữa của đồng bào miền Nam gửi ra, ngày ngày Bác vun gốc, tưới cho cây. Mùa đông đến, Bác nhắc bện rơm cuốn quanh thân cây để chống giá lạnh. Cạnh ao cá có cây “bụt mọc” bị sâu đục thủng, cành là héo khô dần, Bác hướng dẫn tìm cách cứu chữa, lá xanh trở lại, Bác nói: “Cây cũng như người. Không nên thấy cây bị sâu mà đem chặt nó đi. Làm như vậy thì dễ. Điều cần hơn là phải tìm cách cứu cho cây sống lại”. Tết Kỷ Dậu năm 1969, cái tết cuối cùng của Bác, Người đã đến trồng cây tại xã Vật Lại, một xã có thành tích tốt trong phong trào trồng cây, gây rừng.

Đây chính là một nét rất đẹp trong truyền thống văn hóa của dân tộc ta. Đại Việt Sử ký toàn thư, Kỷ Nhà Lý viết: Năm Bính Ngọ 1125, nhà vua xuống chiếu: “Cấm dân chúng mùa xuân không được chặt cây”. Giáo sư Cao Huy Thuần bình rằng: “Chặt cây cối trong mùa xuân là kết án tử hình sự sống! Chặt cây cối trong mùa xuân là kết án tử hình mùa xuân”. Đây là biểu hiện sinh động ý thức tương thân, tương ái, tương kính với thiên nhiên, một quan điểm xuyên suốt trong triết lý Phật giáo, cũng là nét tuyệt đẹp trong truyền thống văn hóa của ta.

“Cây trồng đời này cho bóng đời khác”, theo nhà văn Tô Hoài đấy chính là “lối sống Việt Nam”. Cho nên, phong tục chơi cây của ta kiêng cắt cành và người ta để tang cho cây khi người chủ của vườn cây qua đời.

Những điều kể trên đã bộc lộ một cách hồn nhiên triết lý về chữ hòa trong tâm thức Việt.“Hòa” trong mối quan hệ giữa người với người, giữa người với thiên nhiên, hòa trong chính mình, đã tạo nên một nếp sống thân thiện và thủy chung với thiên nhiên, để cho con người sinh thành, tự hoàn thiện mình trong môi trường sống của chính mình.

Tương Lai

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm