Mức phạt tiền sẽ cao ngất ngưởng!

Ngày 10-1, thảo luận về dự thảo Luật Xử lý vi phạm hành chính, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội (UBPL) đề nghị mức phạt tiền tối đa 2 tỉ đồng chỉ áp dụng với pháp nhân, còn cá nhân chỉ nên phạt tối đa 1 tỉ đồng.

"Phạt cao dễ dẫn đến tiêu cực"

Nhiều đại biểu cho rằng mức phạt tiền cao không phải là giải pháp để hạn chế vi phạm mà cần kết hợp với hình thức phạt bổ sung khác. Việc quy định mức phạt cao có thể dễ dẫn đến tiêu cực…

Chủ nhiệm UBPL Phan Trung Lý nói: Việc tăng mức phạt là cần thiết nhưng phải cân nhắc để vừa đảm bảo tính răn đe, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm hành chính, vừa phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội và không được vượt quá mức xử lý hình sự đối với hành vi vi phạm tương ứng. Cụ thể, đối với cá nhân, mức phạt tối đa trong một số lĩnh vực đặc biệt có thể là 1 tỉ đồng, đối với pháp nhân là 2 tỉ đồng.

UBPL cũng đề nghị bỏ quy định “cho phép Chính phủ được căn cứ vào tỉ lệ biến động giá cả để điều chỉnh mức xử phạt tiền tối đa…” trong dự luật. Theo UBPL, nếu theo quy định trên, khi có biến động về giá, Chính phủ sẽ phải sửa đổi nhiều nghị định, gây khó khăn cho công tác thực hiện.

Mức phạt tiền sẽ cao ngất ngưởng! ảnh 1

Nhiều ý kiến cho rằng mức phạt tiền cao cũng không phải là biện pháp hữu hiệu nhất để khắc phục tình trạng vi phạm hành chính. Ảnh: HTD

Các thành viên cũng bàn thảo chung quanh quy định cho phép các thành phố lớn được phép xử phạt bằng tiền gấp hai lần quy định chung ở các lĩnh vực giao thông, môi trường, quản lý đô thị. Theo UBPL, hiện có nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này vì lo ngại nguyên tắc chế tài pháp lý bình đẳng, thống nhất trong phạm vi toàn quốc bị xâm phạm. Hơn nữa, mức phạt tiền cao cũng không phải là biện pháp hữu hiệu nhất để khắc phục tình trạng vi phạm hành chính; cách quy định này sẽ tạo tiền lệ không hay cho các lĩnh vực khác như thuế, hình sự…

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng gợi: Nên có cơ chế mở để HĐND các thành phố lớn linh động đưa ra các quy định cho phép áp dụng mức xử phạt cao, phù hợp với thực tế địa phương.

Đưa vào cơ sở chữa bệnh: Không có bệnh, làm sao chữa?

Đối với quy định đưa người bán dâm vào cơ sở chữa bệnh và hình thức phạt bổ sung, chủ nhiệm UBPL cho biết: Dự thảo luật lần này đã bỏ quy định đưa người bán dâm vào cơ sở chữa bệnh. “Nếu chúng ta giữ quy định trên sẽ quá nghiêm khắc, phần nào hạn chế quyền tự do của công dân, nhiều trường hợp không phù hợp với công ước quốc tế” - ông Lý nhấn mạnh.

Chung quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho rằng chúng ta có nhiều biện pháp khác chứ không nhất thiết cứ phải bắt buộc đưa người bán dâm vào chữa bệnh. “Người ta không có bệnh mà cứ bắt đưa vào chữa bệnh là sao? Chẳng lẽ chúng ta “bó tay” không có biện pháp gì khác hay sao. Tại sao chúng ta không nghiên cứu đánh vào vật chất, vì đi bán dâm cũng là kiếm vật chất, chúng ta phải “oánh” vào đó. Nếu người bán dâm quá nghèo, chúng ta nên thay bằng hình thức khác như bắt đi lao động công ích” - ông Hiện đề xuất.

Theo ông Hiện, tính giáo dục của biện pháp đi lao động công ích rất cao, đây cũng là hướng phù hợp hơn trong tình hình hiện nay.

Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đồng tình việc bỏ quy định đưa người bán dâm vào cơ sở chữa bệnh. Bà phân tích: Có những trường hợp không đưa vào cơ sở chữa bệnh nhưng đưa vào các CLB đồng đẳng, giúp người ta việc làm thì người ta lại hoàn lương, sống tốt. Người bán dâm đa phần là nghèo, còn tỉ lệ người làm để kiếm tiền ăn chơi, đua đòi là rất ít. Do đó, việc phạt tiền các trường hợp trên là không khả thi. “Không có người phụ nữ nào muốn bán dâm để kiếm sống, ai cũng muốn sống đàng hoàng. Đa số bị cái nghèo xô đẩy, thậm chí bị lừa gạt bán dâm, chỉ có số ít cô đua đòi theo cuộc sống xa hoa mà đi bán dâm” - bà Ngân nói

Bà Ngân cũng đề nghị bỏ luôn hình thức xử phạt bổ sung: Buộc chữa bệnh với người có hành vi bán dâm mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục vì không khả thi và không phù hợp với chính sách công bằng xã hội.

Theo phân tích của Ủy ban Pháp luật trước đó thì việc tổ chức khám, chữa bệnh sẽ phát sinh các khoản chi phí mà luật lại chưa nêu rõ ai sẽ phải chi trả. Nếu chi trả bằng ngân sách nhà nước sẽ không công bằng xã hội vì còn nhiều đối tượng cần được ưu tiên hỗ trợ khám, chữa bệnh mà điều kiện kinh tế-xã hội chưa đáp ứng được.

Thảo luận về dự án Luật Giám định tư pháp, các đại biểu tiếp tục thể hiện nhiều ý kiến khác nhau đối với cơ cấu tổ chức của các tổ chức giám định tư pháp công lập. Theo dự luật, sẽ không còn giám định viên pháp y thuộc Phòng Kỹ thuật hình sự công an cấp tỉnh.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ cho rằng cần tiếp tục giữ lại giám định viên pháp y thuộc Phòng Kỹ thuật hình sự công an tỉnh. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết: Ở Nga không có lực lượng giám định tư pháp nào thuộc công an cấp tỉnh cả!

THÀNH VĂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm