Muốn chạy xe ôm, phải xin phép?

Một trong nội dung của dự thảo thông tư hướng dẫn thực hiện quy định về việc sử dụng xe máy, xe môtô để vận chuyển hành khách và hàng do Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa soạn thảo đã “siết” chặt hoạt động xe ôm. Theo đó, những người muốn hành nghề xe ôm phải làm đơn xin kinh doanh và được cấp có thẩm quyền cho phép.

Muốn làm xe ôm không dễ

Theo quy định của dự thảo thì những người muốn làm nghề “xe ôm” phải làm đơn và gửi lên phường, xã, thị trấn hoặc bến tàu, bến xe, bến cảng... để đăng ký hành nghề và được xác nhận.

Ngoài ra, các cá nhân sau khi được cấp có thẩm quyền cho phép kinh doanh xe ôm sẽ được tổ chức thành các tổ, đội hoặc do doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tổ chức theo hình thức tự quản hoặc xã hội hóa. Các đơn vị hành nghề xe ôm sẽ phải sử dụng phù hiệu hoặc mũ, đồng phục do Sở GTVT hướng dẫn. Đồng thời, bác tài chỉ được đứng đón khách tại các điểm đỗ mà cơ quan chức năng đã công bố cho phép hoạt động. Trường hợp ở một điểm đỗ công cộng có từ hai đơn vị hoạt động trở lên thì cơ quan chức năng sẽ phân công khoanh vùng đón khách cho từng đơn vị.

Giải thích về việc đưa ra quy định trên, ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam, cho rằng hoạt động của đội ngũ xe ôm hiện nay hết xức lộn xộn. Nhiều người chỉ cần có một chiếc xe máy là có thể tùy tiện hành nghề chở khách. Điều này làm nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp cả về xã hội lẫn an toàn giao thông. “Hơn nữa, xe ôm cũng là một loại hình kinh doanh nên cần phải có những quy định, chế tài ràng buộc” - ông Thanh nói.

Ông Thanh lý giải thêm: Điều 80 Luật Giao thông đường bộ sửa đổi và có hiệu lực từ ngày 1-7-2009 cũng đã quy định việc sử dụng xe máy để vận chuyển hành khách, hàng hóa phải theo đúng quy định về trật tự, an toàn giao thông. Đồng thời, Bộ GTVT được giao trách nhiệm soạn thảo quy định để các cơ quan chức năng quản lý. “Đây là một việc hết sức bình thường và cũng là để chấm dứt tình trạng hoạt động lộn xộn của đội ngũ xe ôm trong thời gian qua” - ông Thanh nói.

Sẽ tuýt còi kiểm tra giấy phép hành nghề

Không chỉ đặt điều kiện kinh doanh, dự thảo còn quy định chế tài xử phạt các trường hợp xe ôm vi phạm. Những đơn vị, cá nhân chưa được cấp phép nhưng vẫn cố tình hoạt động hoặc hoạt động không đủ điều kiện sẽ bị lập biên bản và đình chỉ hoạt động ba tháng. Trường hợp tái phạm, ngoài việc xử phạt vi phạm hành chính, bác tài còn bị thu hồi đơn cho phép kinh doanh và đình chỉ hoạt động một năm.

Việc kiểm tra sẽ như thế nào đây? Ông Thanh cho biết trách nhiệm kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm sẽ do Sở GTVT tỉnh, thành phối hợp với chính quyền các cấp và lực lượng chức năng. Việc kiểm tra sẽ diễn ra thường xuyên và do lực lượng cảnh sát giao thông, cảnh sát trật tự, thanh tra giao thông đảm nhận. Ngoài kiểm tra giấy phép lái xe, giấy tờ xe, bảo hiểm... thì phải kiểm tra giấy phép hành nghề và xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm...

Ông Thanh cho biết thêm, dự thảo xử phạt vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị đang được soạn thảo sẽ xây dựng chế tài xử phạt cụ thể bằng tiền với các trường hợp xe ôm vi phạm.

Tới đây, người muốn hành nghề xe ôm phải làm đơn xin kinh doanh và được cấp có thẩm quyền cho phép? Ảnh: HTD
Tới đây, người muốn hành nghề xe ôm phải làm đơn xin kinh doanh và được cấp có thẩm quyền cho phép? Ảnh: HTD

“Ôm” hay “không ôm” - làm sao biết?

Tuy nhiên, quy định trên có khả thi hay không thì cần phải xem xét thấu đáo. Anh Nguyễn Văn Sinh, lái xe ôm ở Bến xe Giáp Bát (Hà Nội), dẫn chứng: Nếu quan sát trên đường, rất khó phát hiện ai làm nghề xe ôm, ai đang chở người thân, bạn bè... để kiểm tra và xử lý. “Quy định là người hành nghề xe ôm chưa được cấp phép thì sẽ bị phạt nhưng khi lực lượng chức năng kiểm tra, họ không khai báo làm nghề chở khách thì có xử phạt được không? Thậm chí có tước đơn kinh doanh thì họ cũng chẳng ngán vì đặc thù của nghề xe ôm hoạt động tự do, không theo giờ giấc. Hôm nay có thể làm cả ngày nhưng ngày mai chỉ làm nửa buổi hoặc ngày nghỉ, đêm làm. Thậm chí sinh viên, công nhân đang trên đường về nhà nếu có khách cũng có thể làm thêm cuốc xe ôm. Tôi chưa hiểu làm sao mà quản được xe ôm!” - anh Sinh nói.

Anh Đinh Văn Hiểu, lái xe ôm ở chợ Nghĩa Tân (Hà Nội), lo lắng: Hầu hết những người làm nghề xe ôm là người ngoại tỉnh, chỗ trọ thay đổi liên tục. Làm sao mà cắt đặt hay chia địa bàn?

Thừa nhận những phức tạp trên, ông Thanh cho rằng dù ở ngoại tỉnh nhưng khi làm xe ôm ở các địa phương khác thì đều phải đăng ký thôi. “Quy định trong dự thảo chủ yếu nhắm tới đội ngũ xe ôm ở bến xe, bến tàu. Mục đích là đưa họ vào hoạt động mang tính chất chuyên nghiệp, có tổ chức để cơ quan quản lý nhà nước quản lý được và tạo cho họ cơ hội làm nghề một cách chuyên nghiệp. Hơn nữa, đây mới chỉ là dự thảo nên còn phải lấy ý kiến của nhiều đơn vị, các cấp ngành rồi mới quyết định” - ông Thanh nói.

Muốn chạy xe ôm, cần điều kiện gì?

- Có hộ khẩu thường trú hoặc giấy tạm trú do chính quyền địa phương cấp;

- Có sức khỏe, có đơn xin tham gia vận tải hành khách... Đơn phải ghi rõ tên tuổi, địa chỉ, biển kiểm soát của phương tiện và cam đoan chấp hành đúng quy định về địa điểm đăng ký đón khách, giá cước.

- Trường hợp điều khiển phương tiện dưới 50 cm3 phải có giấy chứng nhận học tập Luật Giao thông do ngành GTVT cấp.

- Hiệu lực của đơn xin kinh doanh đối với người có hộ khẩu là một năm, với người có giấy tạm trú tối đa không quá một năm.

- Giá cước là giá thỏa thuận giữa hành khách và người điều khiển phương tiện nhưng không vượt quá giá cước trần (nếu có) do UBND tỉnh, thành phố quy định.

(Theo dự thảo thông tư hướng dẫn thực hiện quy định về việc sử dụng xe máy, xe môtô để vận chuyển hành khách và hàng của Bộ GTVT)

Cách đây bảy năm, tháng 2-2002 Bộ GTVT cũng từng ban hành Thông tư 03 hướng dẫn, việc sử dụng xe thô sơ, xe máy và môtô ba bánh vận chuyển hành khách và hàng hóa. Các điều kiện hành nghề cũng tương tự dự thảo thông tư lần này: phải có hộ khẩu thường trú hoặc giấy chứng nhận tạm trú, đủ sức khỏe và được khám định kỳ... Thông tư yêu cầu UBND cấp tỉnh quy định hình thức tập hợp những cá nhân kinh doanh vận chuyển hành khách, hàng hóa vào các tổ chức như hợp tác xã, tổ, đội hoặc nghiệp đoàn theo hình thức tự quản. Ngoài ra, cấp tỉnh quy định cụ thể thời gian hoạt động, điểm đón, trả khách, nơi đỗ xe...

Mặc dù không yêu cầu các bác tài xe ôm phải xin phép kinh doanh, Thông tư này vẫn gặp nhiều phản ứng về tính khả thi.

PV


PHẢN HỒI CỦA ĐỘC GIẢ:

Họ tên: Anh

Địa chỉ: TP. HCM

Email: Saigon.2000@...

Nội dung:

Không khả thi! Quy định này sẽ làm rối ren thêm cuộc sống dân nghèo. Thực tế, cũng xảy ra những chuyện không hay liên quan đến xe ôm. Tuy nhiên, chúng ta không thể vì vậy mà ôm đồm thêm chuyện quản lý. Kinh dị quá!

Họ tên: Nguyên

Địa chỉ: HN

Email: cuongnguyen.geo@...

Nội dung:

Như vậy, những người thất nghiệp đứng chờ việc ở đường phố cũng cần có giấy phép. Lý do là vì họ cũng đứng ngồi vô trật tự ngoài đường phố.

Họ tên: Dui

Địa chỉ: Trần Đình Xu, Q1

Điện thoại: 01238468...

Email: vitieubao_1961@...

Nội dung:

Rất nhiều người chạy xe ôm là lao động chính trong gia đình. Cuộc sống của họ còn nhiều khó khăn, vất vả. Vậy mà các vị có chức quyền lại đưa ra thông tư này để áp đặt người dân phải tuân theo. Tại sao các vị không tìm cách nào để giảm bớt nạn thất nghiệp? Hay làm thế nào để đời sống của người chạy xe ôm được thư thả hơn, không phải thức đêm khuya còn bị cướp.

Họ tên: Phạm Trần Ngọc Diệp

Email: phamtranngocdiem@...

Nội dung:

Thông tư (dự thảo) của Bộ GTVT hướng dẫn hoạt động kinh doanh xe hai bánh phải có giấy phép kinh doanh đang gây xôn xao dư luận. Hiện nay, hoạt động xe ôm diễn ra hết sức lộn xộn, nảy sinh nhiều phức tạp. Ở đâu cũng xảy ra chuyện lái xe ôm bắt chẹt hành khách, gây mất trật tự xã hội và giao thông ở các khu vực bến xe, nhà ga. Thực tế này cho thấy rất cần phải có cơ chế để quản lý đội ngũ xe ôm đi vào nề nếp, ngăn chặn những hiện tượng tiêu cực nêu trên. Mục đích là đưa những người hành nghề xe ôm đi vào tổ chức và mang tính quy củ để cơ quan quản lý Nhà nước quản lý được. Tạo cho họ cơ hội làm nghề một cách chuyên nghiệp. Tuy nhiên, nhiều người tỏ ra băn khoăn về tính khả thi của quy định trên. Vấn đề đặt ra là với điều kiện kinh tế - xã hội và những đặc thù của xe ôm ở Việt Nam hiện nay, liệu nhà nước có cần quản lý đội ngũ này hay là để thị trường tự điều chỉnh? Về mặt thực tế, lực lượng xe ôm khá đa dạng. Nếu chỉ quan sát trên đường, làm sao phát hiện ai làm nghề xe ôm, ai đang chở người thân, bạn bè... để kiểm tra và xử lý? Đặc thù của nghề xe ôm là hoạt động tự do, không theo giờ giấc. Thậm chí sinh viên, công nhân đang trên đường về nhà nếu có khách cũng có thể tranh thủ làm thêm cuốc xe ôm. Hôm nay họ chạy ở đây, mai họ nghỉ, ngày kia chạy chỗ khác, ngay cả đến giấy tạm trú, tạm vắng có khi cũng không có thì quản lí họ khác nào "trói cẳng chim trời".

Hàng chục năm nay, xe ôm đã là phương tiện giao thông rất tốt cho người dân thành phố vì gọn, nhanh, rẻ, nhất là trong tình hình đường xá chật chội, nhiều ngõ ngách... Theo tôi, muốn quản lý được thì cần phải tính đến các yếu tố đặc thù và xây dựng lộ trình thực hiện. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu thấu đáo đề ra việc cấp giấy phép hành nghề xe ôm. Quy định về đơn xin phép hành nghề xe ôm có thể biến tướng thành giấy phép “con” với nhiều thủ tục nhiêu khê. Trong khi đó, còn biết bao nhiêu việc bức xúc trong giao thông, nào là kẹt xe, lô cốt, tai nạn giao thông... cần giải quyết thì không thấy thực hiện.

THÀNH VĂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm