Muốn phản biện, giám sát phải đủ dũng khí!

Tại một buổi tọa đàm về giám sát và phản biện xã hội mới đây, ông Lê Hiếu Đằng - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP đã có ý kiến: “Để người dân tin, tìm đến bày tỏ nguyện vọng và xem MTTQ như nơi bảo vệ lợi ích chính đáng của mình thì MTTQ phải đổi mới phương thức hoạt động”.

Pháp Luật TP.HCM đã trao đổi với ông để làm rõ thêm ý kiến này.

Đổi mới về tổ chức, pháp lý và tài chính

Ông Đằng nói: Nhiều người vẫn quan niệm công tác mặt trận chỉ là tượng trưng, kêu gọi, còn vai trò lớn của nó là công tác giám sát thì chưa được thực hiện tới nơi tới chốn. Cứ nghĩ xem, nếu MTTQ như tổ chức từ thiện thì không nhất thiết phải có MTTQ, có thể giao cho các đoàn thể khác. Chức năng lớn của nó là giám sát các cấp chính quyền.

. Ông nói “Đảng cần thay đổi phương thức lãnh đạo đối với MTTQ”, cụ thể là thay đổi gì?

+ Thứ nhất, với yêu cầu mới hiện nay, lãnh đạo MTTQ phải vừa là người tiêu biểu, có uy tín đối với dân, vừa là người có năng lực để có thể tổ chức giám sát, phản biện xã hội. Nếu chọn người có tri thức mà không có năng lực hoạt động thì cũng chưa đủ.

Thứ hai, phải tạo ra hành lang pháp lý hoàn thiện hơn cho mặt trận hoạt động. Hiện nay đã có Luật MTTQ, Nghị định 50 của Thủ tướng và các quy chế dân chủ cơ sở... Tôi nghĩ khi chưa có một hành lang thật hoàn thiện thì tạo điều kiện để cho mặt trận thực hiện đúng những quy định này cái đã. Chẳng hạn như giám sát, MTTQ có quyền giám sát các cấp chính quyền. Các văn bản liên quan đến đời sống người dân thì anh phải gửi cho MTTQ để trao đổi, đóng góp ý kiến.

Thứ ba, nên cho MTTQ độc lập hơn về tài chính. Điều lệ MTTQ cho phép có mấy nguồn tài chính sau: của nhà nước, từ các chương trình lớn của quốc gia, từ các cá nhân, tổ chức trong nước và nước ngoài. Nếu MTTQ làm tốt vai trò của mình để bảo vệ quyền lợi của quần chúng thì quần chúng sẽ bên cạnh mặt trận thôi. Cách thức gây quỹ thật ra cũng không khó, miễn là chúng ta phải công khai, minh bạch, có đề án đàng hoàng, tạo được niềm tin ở nhân dân và để cho nhân dân thấy rõ hiệu quả. Tất cả đặt trong công tác kiểm tra tài chính của nhà nước. Cùng đó, tổ chức MTTQ có thể tự tạo kinh phí cho mình, trong khuôn khổ luật pháp cho phép.

. Theo ông, để có người lãnh đạo MTTQ như ông nói, chúng ta “tuyển dụng” thế nào?

+ Theo tôi, MTTQ cần lựa chọn những người lãnh đạo thông qua hiệp thương, bầu cử một cách dân chủ. MTTQ không phải là cơ quan quyền lực mà liên kết các tầng lớp, tổ chức để bảo vệ quyền lợi của quần chúng. Vì vậy, lãnh đạo MTTQ trước hết phải là người có năng lực và được quần chúng tín nhiệm.

Mạnh dạn sử dụng quyền của mình

. Thưa ông, tiếng nói giám sát và phản biện của MTTQ, nhất là ở cấp cơ sở hiện nay còn rất yếu? Theo ông, nguyên do chính ở đâu?

+ Hệ thống mặt trận đồ sộ như vậy mà chưa làm được vai trò đại diện cho các tầng lớp nhân dân là bởi vì bản thân anh không khẳng định được và không mạnh dạn sử dụng quyền luật định và hiến định. Anh phải đủ dũng khí để thực hiện các quyền mà luật pháp đã giao cho anh.

Ngay cả sự lãnh đạo của Đảng cũng đã được thể chế hóa thành luật để dân thực hiện cơ mà, nên lãnh đạo cũng phải tôn trọng luật định. Làm như vậy là tăng cường tính lãnh đạo của Đảng. Làm thế người ta mới tâm phục khẩu phục. Nếu mình thực hiện ý kiến chỉ đạo của đồng chí A, B thì đâu có được. Luật là cao nhất, cứ sống và làm việc theo luật pháp là tốt nhất.

. Phải làm gì để tăng sức nặng giám sát, phản biện của MTTQ, thưa ông?

+ Cần phải tăng cường sức nặng tiếng nói của MTTQ bằng những chế tài cụ thể. Sao không đưa vào luật hàng năm MTTQ các cấp có thể đánh giá, đi đến bỏ phiếu tín nhiệm những người lãnh đạo đối với các cấp chính quyền? Khi có sự cố gì chứng tỏ người đó không có năng lực thì mặt trận cũng có quyền đặt vấn đề bỏ phiếu bất tín nhiệm với HĐND về cán bộ đó.

MTTQ không phải là cơ quan quyền lực nên không có các quyền hành trực tiếp, vì thế nên kết hợp với báo chí để tạo nên công luận, lên án cái xấu, bảo vệ cái tốt. Đây cũng là công khai, minh bạch nhằm tăng hiệu quả giám sát.

. Thưa ông, vấn đề trọng điểm cần giám sát hiện nay ở TP.HCM là gì?

+ Là phát triển kinh tế đi đôi với công bằng xã hội và bảo vệ môi trường như Nghị quyết Trung ương 7 đã đề ra, Chính mặt trận phải giám sát cái này. Như từ kinh nghiệm Vedan, TP phải xem xét lại điều này ở TP. Trách nhiệm là ở UBND TP, chúng ta không thể chỉ phát triển mà hy sinh sức khỏe người dân. MTTQ phải thể hiện được vai trò của một liên minh chính trị.

. Xin cảm ơn ông.

MINH CƯỜNG - HỒ SỸ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm