Năm 2011: Sẽ kiểm toán Vinashin và 26 đơn vị kinh tế nhà nước

“Năm nay, Kiểm toán Nhà nước sẽ kiểm toán với 151 đầu mối, chưa kể số phát sinh đột xuất theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ. Trong số này, Kiểm toán Nhà nước sẽ kiểm toán 27 tập đoàn, tổng công ty, tổ chức tài chính-ngân hàng, như Vinashin, Tập đoàn Than-Khoáng sản TKV, Tập đoàn Điện lực EVN…” - Tổng kiểm toán Vương Đình Huệ thông tin tại buổi họp báo ngày 3-3.

Làm rõ chi phí ở EVN, TKV…

Theo kế hoạch, quy mô kiểm toán khu vực kinh tế nhà nước năm nay tương đương với quy mô kiểm toán năm 2010.

Ông Huệ thông tin, với Tập đoàn Vinashin, kiểm toán sẽ tập trung vào báo cáo tài chính năm 2010 và các báo cáo tài chính có liên quan trước đó để làm rõ toàn cảnh về tập đoàn này, giúp việc tái cơ cấu tốt hơn. Với câu hỏi: Liệu kiểm toán có bóc tách được chuyện thất thoát, thua lỗ ở Vinashin sau khi một số lớn tài sản, khoản nợ của Vinashin đã được Chính phủ điều chuyển sang các tập đoàn, tổng công ty khác? Ông Vương Đình Huệ nói: “Vấn đề này nằm trong nghiệp vụ kiểm toán và đoàn kiểm toán sẽ yêu cầu cung cấp hết các tài liệu cần thiết, liên quan”.

Còn với EVN, TKV, kiểm toán năm nay sẽ tập trung làm rõ hơn các vấn đề về chi phí; tiếp tục kiến nghị những giải pháp cắt giảm chi phí, nhất là hao hụt điện năng, chi phí quản lý… Đây là cơ sở quan trọng để Chính phủ điều hành giá hai lĩnh vực này.

Năm 2011: Sẽ kiểm toán Vinashin và 26 đơn vị kinh tế nhà nước ảnh 1

Vinashin sẽ được kiểm toán để tái cơ cấu tốt hơn. Trong ảnh: Một góc xưởng đóng tàu của Tập đoàn Vinashin. Ảnh: CTV

Theo ông Huệ, kết quả kiểm toán năm ngoái cho thấy một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước làm ăn rất hiệu quả. Ví dụ Tập đoàn Dệt may Vinatex, quy mô tài sản chưa tới 1 tỉ USD nhưng đã tạo công việc ổn định cho hơn 140.000 lao động với thu nhập bình quân 3,5-4 triệu đồng/tháng. Tài sản ít nhưng doanh thu của Vinatex lại rất lớn, đủ sức cạnh tranh với các “ông lớn” cùng lĩnh vực. Kiểm toán cũng cho thấy Tập đoàn Dầu khí quốc gia PVN có tổng tài sản 19 tỉ USD, trong đó PVN chiếm hơn 60% tỉ lệ vốn sở hữu và tốc độ tăng trưởng doanh thu năm 2009 đạt hơn 20% và lợi nhuận tăng 25%.

Ngoài một số ít doanh nghiệp, tập đoàn nhà nước làm ăn hiệu quả, Kiểm toán Nhà nước đánh giá: Xét toàn cảnh thì hiệu quả sản xuất, kinh doanh ở các đơn vị kinh tế nhà nước là chưa tương xứng với vốn, tài sản nắm giữ. Đáng lo ngại là trong các ngành xây dựng, xây lắp có số lỗ lũy kế lớn như Tổng Công ty Xây dựng đường thủy, kiểm toán năm 2008 cho thấy lỗ lũy kế ở đơn vị này đã hơn 400 tỉ đồng.

Hỗ trợ lãi suất năm 2009 còn sai sót

Tại buổi họp báo, Kiểm toán Nhà nước đã công bố kết quả một số cuộc kiểm toán trong năm qua. Riêng trong việc hỗ trợ lãi suất cho các tổ chức, cá nhân vay vốn ngân hàng sản xuất kinh doanh năm 2009, kết quả kiểm toán nêu: Đến hết năm 2009, Ngân hàng Nhà nước đã tạm ứng 362 triệu USD từ quỹ dự trữ ngoại hối để phục vụ chương trình hỗ trợ lãi suất. Đây là con số khá nhỏ so với dự kiến 1 tỉ USD mà Chính phủ đề ra cho trương trình kích cầu đặc biệt này.

Theo kiểm toán, chi phí hỗ trợ lãi suất rất ít nhưng đã giúp doanh nghiệp vay ngân hàng gần 350.000 tỉ đồng, giúp duy trì sản xuất, bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế. Tuy nhiên, việc hỗ trợ lãi suất là giải pháp tình thế, cấp bách nên khi triển khai còn nhiều hạn chế, bất cập. Chưa làm rõ các tiêu chí, quy trình, chế độ... nên Ngân hàng Nhà nước phải ban hành hàng loạt văn bản hướng dẫn, trả lời cho từng ngân hàng thương mại và đã xảy ra việc thiếu nhất quán.

“Đối tượng được hỗ trợ lãi suất quy định chưa rõ nên doanh nghiệp kinh doanh sổ xố - lĩnh vực không nên khuyến khích, cũng đòi hỏi được ưu đãi lãi suất. Chưa hết, việc cho vay hỗ trợ lãi suất chỉ áp dụng với đối tượng đủ điều kiện vay vốn thông thường nên chỉ doanh nghiệp kinh doanh có lãi mới được tham gia. Trong khi những đơn vị khó khăn, khát vốn nhất, lại không được hỗ trợ” - ông Huệ nói.

Qua đợt hỗ trợ lãi suất, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị thu hồi hơn 51 tỉ đồng hỗ trợ lãi suất sai quy định. “Tuy nhiên, đây là con số rất nhỏ so với hơn 200 tỉ đồng tự Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại tự rà soát, điều chỉnh trước đó” - ông Huệ thông tin.

NGHĨA NHÂN

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Quan hệ Việt Nam - Australia bước sang một chương mới

Quan hệ Việt Nam - Australia bước sang một chương mớiLENS

(PLO)- Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Australia Anthony Albanese thống nhất nâng cấp quan hệ Việt Nam-Australia lên Đối tác chiến lược toàn diện và trao đổi, nhất trí cùng phối hợp chặt chẽ để thực hiện sáu phương hướng lớn nhằm đưa hợp tác trên các lĩnh vực đi vào chiều sâu, hiệu quả, thực chất hơn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Thủ tướng Campuchia Hun Manet

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Thủ tướng Campuchia Hun Manet

(PLO)- Thủ tướng Việt Nam và Thủ tướng Campuchia nhất trí nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư, đẩy mạnh kết nối hai nền kinh tế, nhất là kết nối giao thông, làm cơ sở và tạo động lực mới cho việc tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực khác.